Quân sự thế giới hôm nay (22-1): Đường băng bí ẩn trên đảo của Yemen có gì đặc biệt?
Quân sự thế giới hôm nay (22-1) có những nội dung sau: Đường băng bí ẩn trên đảo của Yemen có gì đặc biệt? Thụy Điển trang bị 'UAV bầy đàn' cho bộ binh, Mỹ nâng cấp tiêm kích F-16 cho Singapore.
* Đường băng bí ẩn trên đảo của Yemen có gì đặc biệt?
Dựa vào các bức ảnh vệ tinh do công ty Planet Labs PBC (Mỹ) chụp gần đây, AP cho biết, một đường băng bí ẩn đang được xây dựng trên một hòn đảo ở Yemen.
Thoạt đầu nó chỉ là một trong nhiều đường băng tại quốc gia đang chìm sâu trong nội chiến này, song lại ẩn chứa nhiều điều đáng quan tâm.
Đường băng này được xác định dài khoảng 2,4km, rộng gần 46m, nằm trên đảo Abd al-Kuri có diện tích khoảng 93km2 trên Ấn Độ Dương và gần cửa vịnh Aden. Đảo này là một phần của quần đảo Socotra, chỉ cách châu Phi chưa đầy 100km và cách Yemen khoảng hơn 400km.
Trong thập kỷ cuối của Chiến tranh Lạnh, quần đảo này thi thoảng lại đón tàu chiến Liên Xô do vị trí chiến lược của nó. Trong các bức ảnh, xe tải và nhiều thiết bị hạng nặng khác đang tham gia xây dựng đường băng, với các ký hiệu chỉ định là 18 và 36 ở hai đầu. Vẫn còn một đoạn nhỏ nữa chưa hoàn thành, trong khi hầu hết đã được trải nhựa.
Với những thông số trên, khi hoàn thành, đường băng này có thể cho phép máy bay phản lực tư nhân và nhiều loại máy bay khác cất, hạ cánh.
AP đánh giá đường băng có khả năng phục vụ các mục đích quân sự, bao gồm việc thực hiện tuần tra quanh khu vực, trong bối cảnh hoạt động vận chuyển thương mại qua vịnh Aden và Biển Đỏ - một tuyến đường chính cho hàng hóa và năng lượng hướng đến châu Âu - đã giảm một nửa bởi các cuộc tấn công của nhóm Houthi tại Yemen (dù rằng Houthi đã tuyên bố hạn chế tấn công tàu trên Biển Đỏ khi lệnh ngừng bắn ở Gaza có hiệu lực).
AP dẫn lời người phát ngôn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), nơi chỉ định các mã sân bay riêng cho tất cả sân bay trên toàn thế giới, cho biết tổ chức này không có thông tin nào về đường băng trên đảo Abd al-Kuri.
Theo AP, đường băng này có khả năng được xây dựng bởi Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - quốc gia từ lâu được cho là đang mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực. Nhận định này là có cơ sở bởi những năm gần đây, đảo Abd al-Kuri được Hội đồng chuyển tiếp miền Nam Yemen giám sát. Đặc biệt, UAE ủng hộ cả về tài chính và vũ khí cho hội đồng này như một phần của cuộc chiến do Saudi Arabia dẫn đầu chống lại Houthi.
Theo dữ liệu phân tích của AP từ MarineTraffic.com, một tàu đổ bộ treo cờ UAE được phát hiện ngoài khơi bờ biển Abd al-Kuri vào tháng 1-2024 và ngoài khơi quần đảo Socotra nhiều lần khác trong năm. Con tàu đó trước đây từng liên quan tới các hoạt động quân sự của UAE tại Yemen.
Về phần mình, UAE, quốc gia có chuyến bay 1 lần mỗi tuần đến Socotra qua Abu Dhabi, từ lâu đã mô tả nỗ lực của mình là nhằm mục đích đưa viện trợ đến quần đảo này. Khi được hỏi về sân bay trên đảo Abd al-Kuri, UAE cũng chỉ ra các hoạt động viện trợ của mình. “Bất kỳ sự hiện diện nào của UAE... đều dựa trên cơ sở nhân đạo, thông qua sự hợp tác với Chính phủ Yemen và chính quyền địa phương”, AP dẫn một tuyên bố của Chính phủ UAE.
* Thụy Điển trang bị “UAV bầy đàn” cho bộ binh
Defense News đưa tin, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson vừa công bố chương trình trang bị nhóm máy bay không người lái, hay còn gọi là “UAV bầy đàn”, cho các lực lượng mặt đất của quân đội nước này nhằm phục vụ mục đích tình báo và giám sát.
Trong một video trình diễn, một đội hình gồm 10 UAV bốn cánh quạt thực hiện cất cánh và truyền cảnh quay về những khu rừng phủ tuyết cho binh sĩ điều khiển đang ở trên mặt đất.
Hình ảnh có độ phân giải cao của UAV và các phân tích do trí tuệ nhân tạo (AI) điều khiển cho phép chỉ huy có được thông tin chi tiết tức thời về chiến trường để đưa ra quyết định nhanh hơn.
Đặc biệt, theo nhà thầu quốc phòng Saab - một đơn vị tham gia vào dự án, các UAV trong đội hình được tích hợp những khả năng khác nhau, như quan sát tốt, tải trọng cao hay khả năng liên lạc thông suốt hơn…
Tuy nhiên, có một thách thức chính mà “UAV bầy đàn” đang đối diện là chúng thường bao gồm các máy bay có kích thước tương đối nhỏ, tầm bay ngắn, trung bình chỉ khoảng 30 phút.
* Mỹ nâng cấp tiêm kích F-16 cho Singapore
Theo Army Recognition, nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ đã nhận được một hợp đồng cung cấp phụ tùng như một phần nằm trong chương trình hiện đại hóa các tiêm kích F-16 trong biên chế của quân đội Singapore.
Việc bổ sung mới nhất này nâng tổng giá trị chương trình nâng cấp tiêm kích F-16 của Singapore lên khoảng 1,1 tỷ USD, phản ánh nỗ lực của nước này trong việc bảo đảm đội máy bay chiến đấu của mình có thể sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu chiến tranh hiện đại.
Đội tiêm kích gồm 62 chiếc F-16 C/D Block 50/52 của Singapore, được phía Mỹ bàn giao trong giai đoạn 1997-2005, giữ vai trò xương sống trong lực lượng không quân nước này. Chúng hiện đang trải qua chương trình hiện đại hóa liên tục nhằm kéo dài khả năng hoạt động cho đến giữa những năm 2030.
Bên cạnh đó, sau nhiều lần cải tiến, tiêm kích F-16 của Singapore còn có một loạt các khả năng tấn công chính xác, bằng việc bổ sung các loại đạn dẫn đường như đạn tấn công trực tiếp chung (JDAM) và bom lượn đường kính nhỏ GBU-39.
MINH ANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.