Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại: Thế giới đang nghĩ gì?

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, nhiều người tin rằng việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng là tín hiệu tích cực cho hòa bình thế giới, trong khi các đồng minh thân cận của Mỹ còn nhiều hoài nghi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại lễ nhậm chức ngày 20/1. (Nguồn: Getty)

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại lễ nhậm chức ngày 20/1. (Nguồn: Getty)

Vào 12 giờ ngày 20/1 (giờ địa phương), tại đồi Capitol, ông Donald Trump đã tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Trước đó, vào ngày 19/1, trong buổi mít-tinh tại Washington trước thềm lễ nhậm chức, ông Donald Trump cam kết rằng, sẽ tạo ra những tác động mạnh mẽ nhất ngay khi chính quyền của ông trở lại Nhà Trắng, đáp lại sự tin tưởng của người dân Mỹ đã dành cho ông.

Sự trở lại của Tổng thống Trump đã được Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) phối hợp với dự án "Châu Âu trong một thế giới thay đổi" của Đại học Oxford tiến hành nghiên cứu. Dữ liệu khảo sát từ 24 quốc gia cho thấy, thái độ của công chúng đối với sức mạnh của Mỹ và vai trò toàn cầu của quốc gia này có sự thay đổi.

Báo cáo nghiên cứu chỉ ra rằng Mỹ "không còn được xem như quốc gia đang truyền bá các giá trị của mình, cũng như không còn hành động như người bảo vệ toàn cầu cho trật tự quốc tế tự do”. Trái với tuyên bố nổi tiếng của ông Trump rằng "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", nghiên cứu chỉ ra rằng có rất ít người tin tưởng Mỹ sẽ là siêu cường hàng đầu thế giới trong thời gian tới.

Cuộc thăm dò của ECFR cũng cho thấy, sự trở lại của ông Trump diễn ra trong bối cảnh thế giới ngày càng đa cực. Khảo sát đa quốc gia này rút ra một số điểm đáng chú ý:

Thứ nhất, công dân của các cường quốc tầm trung lạc quan về sự trở lại của Donald Trump. Ở các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil, phần đông người được khảo sát cho rằng sự trở lại của Tổng thống Donald Trump sẽ là tín hiệu tốt cho hòa bình thế giới, cho đất nước của họ và công dân Mỹ. Điều này đặc biệt rõ ràng ở Ấn Độ nơi 82% người được khảo sát coi đó là một tín hiệu tốt cho hòa bình thế giới; 84% coi đó là điều tốt cho đất nước của họ và 85% coi đó là điều tốt cho công dân Mỹ.

Thứ hai, bài phát biểu của ông Trump về việc đem lại hòa bình cho Ukraine và Trung Đông đã gây được tiếng vang trên toàn cầu. Quan điểm này khá rõ ràng ở Saudi Arabia (62% tin về hòa bình cho Ukraine; 54% cho hòa bình Trung Đông), Nga (61% cho Ukraine; 41% cho Trung Đông), Trung Quốc (60% cho Ukraine; 48% cho Trung Đông) và Mỹ (52% cho Ukraine; 44% cho Trung Đông).

Tuy nhiên, chính người Ukraine lại dè dặt hơn khi nói đến khả năng mang lại hòa bình của ông Trump cho đất nước họ (39% tin rằng sự trở lại của ông Trump sẽ giúp mang lại hòa bình cho Ukraine và 35% cho rằng điều đó ít có khả năng xảy ra). Đáng chú ý, châu Âu và Hàn Quốc không mấy lạc quan về năng lực kiến tạo hòa bình của tân Tổng thống Mỹ.

Thứ ba, các đồng minh của Mỹ đang lo lắng về nhiệm kì thứ 2 của Tổng thống Trump và nghi ngờ về tiềm năng của nhiệm kì này. Ở Anh, Hàn Quốc và các nước Liên minh châu Âu (EU) - các đồng minh quan trọng của Mỹ, đều có sự hoài nghi về việc nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump có thể tạo ra sự thay đổi đối với tình hình ở Ukraine và Trung Đông. Chỉ có 24% ở Anh, 31% ở Hàn Quốc và 34% ở EU tin rằng ông Trump sẽ giúp đạt được hòa bình ở Ukraine, thậm chí còn ít người hơn (16% ở Anh, 25% ở EU và 19% ở Hàn Quốc) tin rằng tân Tổng thống Mỹ sẽ giúp đạt được hòa bình ở Trung Đông.

Thứ tư, ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới được dự đoán sẽ tăng lên, tuy nhiên có ít người tin rằng sức ảnh hưởng ấy có thể đưa Washington trở thành quốc gia bá chủ. Quan điểm phổ biến trong các bài khảo sát cho thấy Mỹ sẽ có ảnh hưởng toàn cầu "nhiều hơn" trong 10 năm tới. Tuy nhiên, những người tham gia khảo sát không coi đó là sự khởi đầu để "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại".

Các chuyên gia chính sách đối ngoại và tác giả báo cáo gồm ông Mark Leonard, ông Ivan Krastev và ông Timothy Garton Ash, cho rằng các nhà lãnh đạo châu Âu có thể khó tìm thấy tiếng nói chung trong nội bộ, giữa các quốc gia đồng minh trên thế giới nếu muốn thể hiện sự phản đối đối với tân Tổng thống. Với sự trở lại của ông Trump, sự chia rẽ không chỉ diễn ra giữa Mỹ và châu Âu, mà còn giữa các đồng minh quan trọng khác như Hàn Quốc, hay trong trong chính nội bộ EU.

Bình luận về những phát hiện trên, thành viên nhóm nghiên cứu và cũng là Chủ tịch Trung tâm chiến lược tự do (CLS) Ivan Krastev nhận định, châu Âu khá cô độc khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. Trong khi nhiều người châu Âu không có thiện cảm với tân Tổng thống Mỹ, thì ở những nơi khác thế giới coi ông là người gìn giữ hòa bình. Lập trường này khiến châu Âu đứng trước ngã ba đường trong quan hệ với chính quyền mới của Mỹ.

Đồng sáng lập, Giám đốc ECFR Mark Leonard nói thêm: "Mặc dù nhiều người châu Âu đang lo lắng về tương lai khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, nhưng hầu hết phần còn lại của thế giới tin rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông ấy sẽ có lợi cho nước Mỹ, thế giới, hòa bình ở cả khu vực Ukraine và Trung Đông. Thay vì cố gắng khơi mào một phong trào phản đối ông Trump, người châu Âu nên chịu trách nhiệm về lợi ích của chính họ và tìm cách xây dựng các mối quan hệ mới trong một thế giới thực dụng hơn".

Trong khi đó, nhà sử học Timothy Garton Ash chỉ ra một tương lai tích cực cho châu Âu khi tận dụng bối cảnh thế giới để tạo ra các liên minh và sức ảnh hưởng. Thực tế là, EU được người dân ở rất nhiều quốc gia coi trọng và được kỳ vọng sẽ phát triển sức mạnh trong thập kỷ tới. Điều này đem đến hy vọng về một châu Âu mạnh mẽ và độc lập hơn trong tương lai.

(theo Modern Diplomacy)

Ngân Hạnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-my-donald-trump-tro-lai-the-gioi-dang-nghi-gi-301789.html