Quân sự thế giới hôm nay (27-4): Hải quân Hà Lan mua 175 tên lửa hành trình Tomahawk
Quân sự thế giới hôm nay (27-4) có những nội dung sau: Hải quân Hà Lan mua 175 tên lửa hành trình Tomahawk; Mỹ nâng cấp tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Cape St. George; Thổ Nhĩ Kỳ chính thức triển khai UAV BAHA.
* Hải quân Hà Lan mua 175 tên lửa hành trình Tomahawk
Bộ Ngoại giao Mỹ đã chính thức phê duyệt hợp đồng bán tên lửa hành trình Tomahawk và các thiết bị liên quan trị giá 2,19 tỷ USD cho Hà Lan. Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc tăng cường năng lực tấn công chính xác của Hải quân Hoàng gia Hà Lan.
Theo thỏa thuận được đề xuất, Hà Lan đã yêu cầu mua tới 175 tên lửa hành trình Tomahawk với các phiên bản khác nhau và 10 hệ thống kiểm soát vũ khí Tomahawk chiến thuật. Hợp đồng này cũng bao gồm các thiết bị đầu cuối liên kết dữ liệu vệ tinh (KIV-18A), hệ thống phát sóng an toàn tích hợp (KSX-5), thiết bị an ninh liên lạc (KGV-135A), phần mềm phân phối nhiệm vụ, hỗ trợ kỹ thuật và hậu cần, dịch vụ bảo trì, phụ tùng thay thế...

Thử nghiệm tên lửa hành trình Tomahawk trên tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Dewey của Hải quân Mỹ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Tên lửa hành trình Tomahawk, được biết đến với tầm bắn xa và độ chính xác cao, mang lại lợi thế quan trọng trong các tình huống chiến tranh hiện đại. Hải quân Hoàng gia Hà Lan có kế hoạch tích hợp tên lửa Tomahawk vào hạm đội của mình, cụ thể là khu trục hạm phòng không De Zeven Provinciën và các tàu thay thế trong tương lai hiện đang được phát triển.
Là một tên lửa hành trình cận âm, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, mang đầu đạn thông thường nặng 450kg, Tomahawk được phóng từ cả tàu nổi và tàu ngầm và có khả năng di chuyển hơn 1.600km ở độ cao thấp bằng cách kết hợp dẫn đường quán tính, dẫn đường GPS và khớp đường viền địa hình (TERCOM) để đạt được độ chính xác cao.
* Nâng cấp tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Cape St. George
Theo Army Recognition, Mỹ đang tiến hành chương trình hiện đại hóa toàn diện và mang tính chiến lược nhằm kéo dài thời gian phục vụ và tăng cường khả năng chiến đấu của tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Cape St. George. Nỗ lực này là nền tảng cho kế hoạch lớn hơn của Hải quân Mỹ nhằm duy trì năng lực tác chiến mặt nước quan trọng trong bối cảnh việc triển khai các tàu thế hệ tiếp theo bị chậm trễ.
Bắt đầu từ tháng 6-2021, sáng kiến hiện đại hóa này dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Cape St. George, được đưa vào hoạt động vào năm 1993 và đặt tên theo một trận chiến quan trọng tại mũi St. George năm 1943, là tàu tuần dương thứ ba và cũng là tàu cuối cùng trải qua quá trình hiện đại hóa này. Hiện tại, tàu đang trải qua đợt bảo dưỡng, sửa chữa đặc biệt kéo dài tại xưởng đóng tàu của BAE Systems ở bang Virginia, một giai đoạn then chốt, nơi con tàu gần như được tháo rời hoàn toàn và tái cấu trúc với các công nghệ tiên tiến nhất.

Hình ảnh tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Cape St. George của Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ
Mặc dù các chi tiết kỹ thuật cụ thể của Cape St. George vẫn còn hạn chế, nhưng theo chương trình hiện đại hóa các tàu tuần dương lớp Ticonderoga này, tàu sẽ được nâng cấp nhiều hệ thống quan trọng. Những nâng cấp này bao gồm các cải tiến về hệ thống tác chiến, chẳng hạn như cập nhật hệ thống tác chiến Aegis, tích hợp radar SPQ-9B, khả năng sử dụng tên lửa SM-6 và bổ sung tổ hợp đánh chặn tiên tiến NIFC-CA. Các nâng cấp này đảm bảo tàu có thể tham gia hiệu quả vào các môi trường tác chiến với mức độ phối hợp cao.
Đối với hoạt động tác chiến chống tàu ngầm, tàu dự kiến sẽ được trang bị sonar SQQ-89A(V)15 giúp cải thiện đáng kể khả năng phát hiện và theo dõi mục tiêu, một hệ thống phóng thẳng đứng Mk 41 cải tiến với khả năng chứa nhiều loại đạn hơn, trong đó có tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa tiêu chuẩn (SM-2, SM-3, SM-6) và tên lửa chống tàu ngầm RUM-139 ASROC. Nhìn chung, những nâng cấp này biến Cape St. George thành một nền tảng hiện đại với khả năng chống lại các mối đe dọa trong tác chiến hải quân thế kỷ 21.
Bên cạnh đó, hệ thống thân tàu, cơ khí và điện cũng sẽ được “đại tu”, đảm bảo tàu tuần dương vẫn đáng tin cậy và có khả năng thực hiện nhiệm vụ trong một thập kỷ nữa. Hai tàu trước đó USS Gettysburg và USS Chosin cũng trải qua các chương trình kéo dài tuổi thọ tương tự.
* Thổ Nhĩ Kỳ chính thức triển khai UAV BAHA để tăng cường hoạt động trinh sát
Công ty Havelsan của Thổ Nhĩ Kỳ thông báo, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa máy bay không người lái (UAV) BAHA vào biên chế của lực lượng vũ trang nước này. Trải qua các cuộc thử nghiệm, BAHA chứng minh khả năng hoạt động độc lập và phối hợp cùng các nền tảng khác.
Được giới thiệu công khai trong một cuộc tập trận tại Konya vào năm 2021, UAV BAHA đã hoàn thành thử nghiệm bay ở độ cao 2,29km và cách trung tâm hỗ trợ mặt đất 10km. Nền tảng này sau đó được thiết kế lại vào năm 2022. BAHA được phân loại là UAV dưới đám mây và được thiết kế để hoạt động dưới tầng mây, nơi các hệ thống có kích thước lớn có thể hoạt động kém hiệu quả hơn.
Sử dụng cấu trúc cánh cố định, BAHA có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng. UAV này được trang bị hệ thống đẩy hybrid. Phiên bản chạy bằng điện có khả năng bay liên tục trong 2 giờ, trong khi phiên bản chạy bằng nhiên liệu có khả năng bay liên tục trong khoảng 2,5 đến 6 giờ, tùy thuộc vào cấu hình. UAV có thể đạt trần bay là 3,05km, với độ cao hoạt động tối đa là 4,57km ở một số biến thể. Phiên bản được đưa vào biên chế của Thổ Nhĩ Kỳ có sải cánh 4m, trọng lượng cất cánh tối đa 28kg và khả năng mang tải 2kg. BAHA bay với tốc độ khoảng 80km/giờ và có khả năg hoạt động trong phạm vi nhiệt độ từ -10°C đến +50°C. Phạm vi kết nối dữ liệu của hệ thống mở rộng lên đến 50km.

Đến đầu tháng 10-2021, UAV BAHA của Havelsan đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm ở độ cao 2,29km và cách trung tâm hỗ trợ mặt đất 10km. Ảnh: Havelsan
Được thiết kế cho các hoạt động trinh sát, giám sát và thu thập thông tin tình báo cả ngày lẫn đêm, BAHA có chức năng tự động quay trở lại và hạ cánh trong trường hợp mất liên lạc. Hệ thống có khả năng ước tính tọa độ mục tiêu và được tích hợp nhiều cảm biến cụ thể cho từng nhiệm vụ. Nền tảng này cũng được thiết kế cho các hoạt động phối hợp với các hệ thống UAV khác và hỗ trợ triển khai phối hợp thông qua các nền tảng điều khiển tập trung.
TRẦN HOÀI(tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.