Quân sự thế giới hôm nay (3-12): Nga sản xuất 300.000 UAV mỗi tháng, gấp 6 lần Ukraine
Quân sự thế giới hôm nay (3-12) có những nội dung sau: Nga sản xuất 300.000 UAV mỗi tháng, gấp 6 lần Ukraine; Tây Ban Nha tiếp nhận tàu ngầm Isaac Peral; Nga ra mắt bộ phát đáp (máy chuyển tiếp tín hiệu) nhằm phân biệt UAV.
* Nga sản xuất 300.000 UAV mỗi tháng, gấp 6 lần Ukraine
Trang Bulgarian Military dẫn đánh giá về thị trường mới đây của Maksim Sheremet, nhà sáng lập của DroneSpace, rằng các công ty của Ukraine sản xuất khoảng 50.000 phương tiện bay không người lái (UAV) mỗi tháng, trong khi các công ty của Nga sản xuất với con số gấp 6 lần. Điều này có nghĩa là, theo ước tính của Ukraine, mỗi tháng các công ty của Nga sản xuất lên tới 300.000 chiếc.
Thông tin này được cho là có cơ sở khi các nguồn tin của Nga trước đó khẳng định rằng, một dự án của Nga với nguồn tài trợ từ nhà nước thu hút sự tham gia của 20 công ty để sản xuất 300.000 chiếc mỗi tháng. Con số này trùng khớp với ước tính của Ukraine.
Theo Vadim Yunik, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp sản xuất phương tiện bay không người lái của Ukraine, nước này cần ít nhất 2.000 kỹ sư để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước. Không chỉ thiếu kỹ sư, Ukraine còn thiếu các chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên ngành như điện tử hàng không, tác chiến điện tử, thị giác máy tính hay xử lý tín hiệu số.
Mức lương được cho không phải là vấn đề chính ảnh hưởng đến việc tuyển dụng. Theo thông tin từ công ty FRDM Unique của Ukraine, trong khi thu nhập trung bình mỗi tháng của nhiều ngành nghề ở Ukraine thấp, kỹ sư lắp ráp trong các công ty sản xuất phương tiện bay FPV có thể kiếm được khoảng 825 USD. Alexander Ykovenko, một thành viên của Quỹ Khvylia’91, chỉ ra rằng 1 chuyên gia có khả năng tự thiết kế máy bay hoặc trực thăng có thể bỏ túi từ 2.000 đến 5.000 USD cho mỗi dự án. Theo tính toán của Ykovenko, thu nhập của các chuyên gia có thể tăng lên mức ấn tượng là từ 5.000 đến 10.000 USD.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân sự, các trường đại học Ukraine đã bắt đầu mở các chương trình đào tạo liên quan đến liên lạc vô tuyến và mô hình máy bay không người lái. Tuy nhiên, các chương trình này vẫn còn ở giai đoạn đầu, với lứa học viên đầu tiên dự kiến sẽ tốt nghiệp vào năm 2026. Trong thời gian chờ đợi, các chuyên gia đề xuất triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn, tập trung. Petro Chernyshov, một cố vấn về quản trị doanh nghiệp trong các trường đại học và phát triển, gợi ý bắt đầu bằng các khóa học ngắn hạn về chế tạo máy bay không người lái, sau đó là phát triển thành chương trình giảng dạy toàn diện.
* Tây Ban Nha tiếp nhận tàu ngầm Isaac Peral
Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha mới đây cho biết, một buổi lễ bàn giao tàu ngầm Isaac Peral (S-81) đã được tổ chức trang trọng tại Căn cứ Hải quân Cartagena dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Quốc phòng Margarita Robles và Tham mưu trưởng Hải quân Tây Ban Nha Đô đốc Antonio Pinẽiro, đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với lực lượng hải quân nước này.
Isaac Peral là chiếc đầu tiên trong số 4 chiếc tàu ngầm cùng lớp do công ty đóng tàu Navantia của Tây Ban Nha đóng. Chiếc thứ 2 có tên "Narciso Monturiol" S-82, dự kiến sẽ giao vào giữa năm 2025; chiếc thứ 3 mang tên "Cosme García" S-83, dự kiến được giao vào cuối năm 2026; chiếc cuối cùng là "Mateo García de los Reyes" S-84 sẽ được giao vào năm 2028. Cả 4 chiếc được đặt theo tên của các thủy thủ nối tiếng của Tây Ban Nha.
Isaac Peral là tàu ngầm lớn nhất cho đến nay của Hải quân Tây Ban Nha với lượng giãn nước toàn tải khi lặn lên tới 2.965 tấn, tổng chiều dài 81,05m, rộng 11,68m và mớn nước 7,3m. Tàu có khả năng lặn sâu 460m và có thể chở thủy thủ đoàn 32 người.
Được trang bị hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập, hay còn gọi là động cơ kỵ khí (AIP), tàu có thể đạt tốc độ 22km/giờ khi nổi và 35km/giờ khi lặn. Isaac Peral có tầm hoạt động khá ấn tượng 8.000km và có thể lặn dưới nước từ 30 đến 55 ngày.
Về vũ khí, tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533mm (so với 4 ống của các tàu tiền nhiệm), có khả năng phóng ngư lôi dẫn đường DM2A4 do Đức sản xuất có tầm bắn lên tới 50km. Ngoài ra, Isaac Peral còn được trang bị thêm tên lửa Harpoon, đặc biệt là UGM-84 Sub-Harpoon block II.
Với khả năng tự động hóa cao, Isaac Peral có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như chống tàu nổi, chống tàu ngầm, tấn công trên bộ, thu thập thông tin tình báo hoặc răn đe…
* Nga ra mắt bộ phát đáp nhận diện UAV
Army Recognition đưa tin, Công ty Ruselectronics thuộc Tập đoàn quốc phòng Rostec của Nga vừa ra mắt bộ phát đáp nhỏ gọn để nhận dạng máy bay không người lái (UAV). Hệ thống mới này được đánh giá là bước đột phá lớn, một tiến bộ đáng kể trong chiến tranh và giám sát UAV, giúp giải quyết các thách thức trong việc phân biệt UAV trong các tình huống chiến đấu.
Được phát triển bởi Xí nghiệp nghiên cứu và sản xuất Pulsar của RosElectronics, bộ phát đáp đã nhanh chóng gây được sự chú ý bởi thiết kế nhỏ gọn chỉ với trọng lượng 150gram và khả năng tiêu thụ lượng điện năng rất thấp là 100mW, tương thích với các trạm radar sử dụng hệ thống nhận dạng "PAROL" ("PASSWORD") của Nga. Hệ thống này được đánh giá là lý tưởng để tích hợp cho nhiều loại UAV, cho cả mục đích dân sự và quân sự.
Bộ nhận diện nhỏ gọn phát triển theo nguyên tắc “Bạn hay thù” này có khả năng tự động nhận diện UAV ở khoảng cách lên tới 100km và độ cao lên tới 5km và truyền thông tin đến các hệ thống phòng không.
Theo ông Sergey Borovoy, Tổng giám đốc của Pulsar, trong chiến tranh hiện đại, các bên thường sử dụng các mẫu UAV giống nhau, điều này khiến việc nhận biết trở nên khó khăn. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của bộ phát đáp mới này, vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng.
Ngoài cải tiến mới nhất này, Pulsar còn được biết đến là tác giả của các thiết bị siêu cao tần, quang điện tử và vi điện tử, đồng thời là nhà sản xuất thiết bị vô tuyến điện tử cho hệ thống thông tin dân sự.
TRẦN HOÀI (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.