Quan tâm cán bộ làm khoa học
Thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) tỉnh đã tổ chức các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; nâng cao chất lượng và tổ chức tốt hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, góp phần khích lệ đội ngũ cán bộ làm khoa học tích cực nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang (hàng đầu, thứ 3, phải sang) là 1 trong 135 nhà khoa học được tôn vinh danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu” tại Hà Nội, ngày 28/8/2024.
Là tấm gương sáng của Liên hiệp hội tỉnh về sự kiên trì, trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề - Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang đã thể hiện rõ niềm đam mê nghiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Ông đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong bảo tồn di sản lịch sử của tỉnh. Sinh năm 1948, tại phường Hồng Hà, thị xã Yên Bái, năm 1969, chàng thanh niên Nguyễn Văn Quang lên đường tham gia chiến đấu tại nước bạn Lào.
Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông được chuyển ngành về học tại Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). Năm 1979, ông tốt nghiệp đại học và được phân công về công tác tại Bảo tàng tỉnh Hoàng Liên Sơn. Với lòng say mê, trong khoảng thời gian từ năm 1980 đến 2002 ông đã nghiên cứu và thực hiện ba đề tài khoa học lớn là: "Văn hóa Hậu kỳ Đá cũ và Sơ kỳ Đá mới ở Yên Bái", "Văn hóa Hậu kỳ Đá mới, Sơ kỳ Kim khí ở Yên Bái" và "Văn hóa Đông Sơn ở Yên Bái".
Năm 2004, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách "Tiền sử và sơ sử ở Yên Bái”, mang đậm dấu ấn đóng góp của ông, đã cung cấp một cái nhìn toàn diện về thời kỳ tiền sử và sơ sử của tỉnh. Tác phẩm không chỉ phác thảo bức tranh lịch sử của tỉnh mà còn bổ sung nhiều tư liệu mới cho sử học Việt Nam, trở thành một tài liệu có giá trị đối với các nhà nghiên cứu lịch sử.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang chia sẻ: "Từ tình yêu với quê hương Yên Bái tôi đã tích cực nghiên cứu để thực hiện các đề tài trên. Tôi cũng cùng đồng nghiệp xây dựng hồ sơ khoa học để xếp hạng các di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh. Qua đó, đã có 8 di tích được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và 27 di tích được công nhận là di tích cấp tỉnh”.
Các di tích này không chỉ có giá trị lịch sử mà còn được bảo tồn và phát huy giá trị trong công tác giáo dục truyền thống và phát triển du lịch địa phương. Ông Quang cũng thực hiện các nghiên cứu liên quan đến nhiều di tích khác như: Đồn Nghĩa Lộ trong Chiến dịch Tây Bắc 1952, hồ Thác Bà, ruộng bậc thang Mù Cang Chải… Từ đó, đã tạo nên những mảnh ghép quan trọng, giúp hình thành và bảo tồn các di sản văn hóa, lịch sử của tỉnh, tạo sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại.
Được nghỉ chế độ từ năm 2008, nhưng với lòng nhiệt huyết và đam mê không ngừng nghỉ ông tiếp tục đảm trách cương vị Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Yên Bái và tham gia vào nhiều hoạt động nghiên cứu khác… Trên 50 năm cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu, ông đã thể hiện tình yêu sâu nặng với lịch sử.
Với những đóng góp của mình, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang đã được nhận nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2016. Đặc biệt, ngày 28/8/2024, tại Hà Nội, ông vinh dự là 1 trong số 135 nhà khoa học được tôn vinh danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu” ghi nhận những đóng góp tích cực của ông với ngành khoa học lịch sử tỉnh Yên Bái, để lại nhiều nghiên cứu quý giá cho thế hệ sau.
Hiện Liên hiệp hội tỉnh có 19 hội thành viên, 2 đơn vị trực thuộc, với trên 250.000 hội viên, hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục. Thời gian qua, Liên hiệp hội tỉnh luôn quan tâm tập hợp, tổ chức các hội thành viên và đội ngũ trí thức tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, tiếp thu các thành tựu khoa học - công nghệ trong nước và thế giới, nhất là những thành tựu từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để ứng dụng, chuyển giao có hiệu quả vào sản xuất, tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của địa phương.
Đồng thời, Liên hiệp hội cũng tổ chức các hội thi, phát động các phong trào thi đua sáng tạo kỹ thuật bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động nhằm tạo ra phong trào rộng khắp trong cán bộ, nhân dân tiếp cận, làm chủ khoa học, công nghệ. Chỉ tính trong năm 2024, Liên hiệp hội tỉnh đã xuất bản 2.500 cuốn Bản tin "Khoa học và Cuộc sống”; tổ chức xin ý kiến tham gia vào 44 dự thảo luật; đề xuất 2 đề tài nghiên cứu khoa học trình Sở Khoa học và Công nghệ phê duyệt; phối hợp tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ XI (2023 - 2024), Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 20, năm 2024... Qua đó, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, cán bộ làm khoa học đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.
Để đội ngũ cán bộ làm khoa học tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của địa phương, ông Nguyễn Bình Minh - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội tỉnh cho biết: "Liên hiệp hội tỉnh và các hội thành viên sẽ tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ theo kế hoạch, đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền; thực hiện nghiêm quy chế làm việc, quy chế phối hợp. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác hội và hội viên. Đồng thời tiếp tục triển khai các phong trào thi đua yêu nước, duy trì và tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh”.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/350231/quan-tam-can-bo-lam-khoa-hoc.aspx