ĐBQH Nguyễn Thị Kim Anh: Chấp nhận rủi ro, gỡ nghẽn khoa học
ĐBQH đánh giá, Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra những đột phá, trong đó có việc chấp nhận rủi ro, gỡ điểm nghẽn.
Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết về việc tạo ra những đột phá trong khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Dự thảo Luật KHCN và ĐMST (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ là chìa khóa quan trọng, tháo gỡ những rào cản, tạo động lực mới. Phóng viên Tri thức & Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XV, về những điểm mới và kỳ vọng từ dự luật này.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XV. Ảnh: Trọng Quỳnh.
PV: Thưa bà, dự thảo Luật KHCN và ĐMST lần này được kỳ vọng sẽ giải quyết nhiều "điểm nghẽn". Vậy, cụ thể luật sẽ tập trung vào những vấn đề nào?
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh: Theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, việc đột phá cho phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết. Dự thảo Luật KHCN và ĐMST lần này tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn như về cơ chế tài chính, tạo ra môi trường thông thoáng để các nhà khoa học, doanh nghiệp yên tâm nghiên cứu, được hưởng lợi từ chính kết quả của mình, đồng thời phát triển thị trường KHCN.
Đặc biệt, dự án luật này sẽ chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học giúp các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu. Ngoài ra, trong dự án luật cũng đưa ra cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, cho phép nghiên cứu trong một phạm vi, thời gian nhất định, từ đó nhân rộng các kết quả thành công.
PV: Đổi mới sáng tạo là một khái niệm được nhấn mạnh. Vậy trong thực tế, nội dung này đã được luật hóa ra sao, thưa bà?
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh: Đổi mới sáng tạo là một trong những nội dung mới và trọng tâm của dự án luật lần này. Dự án luật do Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành hẳn một chương riêng về ĐMST.
Hầu hết các nội dung từ dự thảo luật đều có quy định song hành giữa KHCN và ĐMST, xem đây là hai nội dung quan trọng và cân bằng nhau. Chúng tôi mong muốn từ các kết quả nghiên cứu khoa học sẽ tạo ra được những sản phẩm, dịch vụ, quy trình quản lý cụ thể, từ đó nâng cao giá trị cho chính các sản phẩm nghiên cứu đó.
PV: Bà có thể phân tích rõ hơn về vai trò của luật trong việc thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của nước ta hiện nay?
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh: Hệ sinh thái về ĐMST là một nội dung mới và mở trong dự án luật này. Luật khuyến khích mạnh mẽ các nhà khoa học, và đặc biệt là các doanh nghiệp, các tổ chức KHCN tham gia vào ĐMST.
Theo đó, sẽ có những cơ chế, chính sách cụ thể về vốn, thuế, đầu tư cơ sở hạ tầng, và cả về đất đai để tạo điều kiện thuận lợi. Một điểm rất đáng chú ý là dự luật có quy định về sàn giao dịch ĐMST. Đây sẽ là nơi để các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp KHCN có thể chia sẻ, trao đổi kết quả nghiên cứu, nâng cao giá trị kết quả nghiên cứu khoa học.
Dự án luật cũng thể chế hóa Nghị quyết 57 bằng việc dự kiến thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm cho KHCN. Hiện tại, dự thảo mới đề cập quỹ mạo hiểm ở cấp quốc gia và cấp tỉnh. Chúng tôi và nhiều tổ chức, cá nhân liên quan cũng đã đề nghị cần có quỹ mạo hiểm ngay trong chính các doanh nghiệp.
PV: Với vai trò là đại biểu Quốc hội, bà có những kiến nghị cụ thể nào đối với dự thảo Luật KHCN và ĐMST lần này?
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh: Dự án Luật KHCN và ĐMST được coi là một đạo luật gốc, đạo luật cơ bản, làm nền tảng cho các luật liên quan khác, nhằm tạo đột phá trong phát triển KHCN và ĐMST.
Chúng tôi kỳ vọng dự án luật này sẽ quy định đầy đủ các nội dung như tinh thần Nghị quyết 57 đã đề ra. Đặc biệt là tạo ra cơ chế tài chính thực sự hiệu quả để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu và được hưởng chính sách xứng đáng từ thành quả của mình.
Thứ hai, cần tạo ra một môi trường thuận lợi cho khối tư nhân tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển kết quả nghiên cứu. Từ đó, tạo động lực mạnh mẽ để KHCN và ĐMST phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của đất nước.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu về cuộc trao đổi!
Tại phiên thảo luận về Dự án luật chiều 13/5, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, đổi mới quan trọng nhất của sửa đổi Luật Khoa học công nghệ lần này là khoa học, công nghệ của Việt Nam hướng tới đổi mới sáng tạo, nên vừa sửa luật và vừa sửa tên của luật.
Lần đầu tiên đổi mới sáng tạo được đưa vào dự thảo luật và được đặt ngang hàng với khoa học, công nghệ thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển của Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết, nếu kỳ vọng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp 4% vào tăng trưởng GDP, thì riêng đổi mới sáng tạo đã chiếm tới 3%, trong khi khoa học công nghệ chiếm 1%. Điều này cho thấy đổi mới sáng tạo mang tính lan tỏa mạnh mẽ, thực tiễn và toàn dân trong nền kinh tế hiện đại.
Khẳng định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Khoa học, công nghệ là nền của một quốc gia hiện đại, khoa công nghệ mà hưng thịnh thì quốc gia đó mới hưng thịnh, khoa học công nghệ mạnh thì quốc gia mới mạnh, một quốc gia muốn trở thành cường quốc thì phải là cường quốc về khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo và một quốc gia muốn trở thành nước phát triển thì phải là một quốc gia có khoa công, nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển".