Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi

TP Hồ Chí Minh vừa tuyên dương hơn 940 học sinh giỏi tiêu biểu năm học 2019 - 2020. Đây là động lực để các em tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, phát triển toàn diện về nhân cách, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao gánh vác trọng trách xây dựng thành phố trong tương lai.

Em Nguyễn Mạc Nam Trung (đứng giữa), học sinh Trường phổ thông năng khiếu, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh vinh dự được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và Sở GD và ĐT thành phố tuyên dương khen thưởng.

Em Nguyễn Mạc Nam Trung (đứng giữa), học sinh Trường phổ thông năng khiếu, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh vinh dự được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và Sở GD và ĐT thành phố tuyên dương khen thưởng.

TP Hồ Chí Minh vừa tuyên dương hơn 940 học sinh giỏi tiêu biểu năm học 2019 - 2020. Đây là động lực để các em tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, phát triển toàn diện về nhân cách, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao gánh vác trọng trách xây dựng thành phố trong tương lai.

Năm học vừa qua là năm học chưa có tiền lệ với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi của thành phố tiếp tục đạt được những thành tích nổi bật và đáng trân trọng. Học sinh thành phố đạt được 35 huy chương từ các cuộc thi quốc tế, như cuộc thi Olympic Toán quốc tế, cuộc thi Robotics quốc tế, cuộc thi Robot trẻ quốc tế, cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế Genius Olympiad... Trong đó, em Nguyễn Mạc Nam Trung, đang học lớp 12 Trường phổ thông năng khiếu thuộc Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đoạt Huy chương bạc môn Toán, kỳ thi Olympic Toán quốc tế. Với thành tích này, em vinh dự được UBND thành phố Hồ Chí Minh khen thưởng 150 triệu đồng. Thành phố cũng khen thưởng thầy Nguyễn Trọng Tuấn, giáo viên trực tiếp bồi dưỡng Nam Trung 80 triệu đồng, Tổ Toán Trường phổ thông năng khiếu 30 triệu đồng. "Ðược thành phố tuyên dương em thấy rất vui, đây là động lực để em tiếp tục phấn đấu, tiếp tục theo đuổi đam mê môn Toán mà em yêu thích từ nhỏ. Các thầy, cô giáo là người truyền cảm hứng và đưa ra các vấn đề cho em tìm hiểu và khai thác. Phương pháp học của em là mình nhìn vào bài toán đó phải đặt ra nhiều câu hỏi, như bài này có ý nghĩa gì? Làm sao mình khai thác được bài toán này? Khi mình làm không được phải đặt vấn đề tại sao mình làm không được và đặt vấn đề bản chất bài toán này như thế nào? Từ đó mình liên kết các bài toán với nhau để hình dung và định dạng cách làm các bài toán. Ðịnh hướng tương lai em chọn Trường đại học Khoa học tự nhiên để sau này giúp em tiếp tục nghiên cứu sâu hơn môn Toán", Nguyễn Mạc Nam Trung nói.

Cũng trong năm học vừa qua, thành phố có hơn 5.600 học sinh giỏi đoạt các giải thi cấp thành phố, tăng hơn 1.000 giải và 118 học sinh giỏi quốc gia với năm giải nhất, tăng ba giải so với năm học 2018 - 2019. Ngoài ra, năm học 2019 - 2020, toàn thành phố có gần 253.540 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi. Riêng học sinh tiểu học, có 417.730 học sinh (chiếm tỷ lệ 70,6%) được khen thưởng cuối năm học 2019 - 2020 với những thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện toàn diện tại nhà trường. Khác với những năm trước, các em học sinh giỏi và đoạt giải năm học vừa qua không chỉ tập trung ở các trường chuyên, năng khiếu mà có cả ở các trường thuộc các quận, huyện ngoại thành. Ðiều này cho thấy, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) thành phố đã từng bước phát triển đồng đều và có xu hướng phát triển toàn diện hơn. Giám đốc Sở GD và ÐT Lê Hồng Sơn cho biết: "Thành tích các em đạt được là kết quả của sự nỗ lực rèn luyện tích cực, bền bỉ trong quá trình học tập. Cùng với đó là sự chăm lo của cha mẹ, sự quan tâm, dạy dỗ của thầy, cô giáo, được phát hiện và bồi dưỡng kịp thời để phát huy cao nhất năng khiếu. Ðó là những quả ngọt ban đầu kết trái từ sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, nhất là sự nỗ lực của chính các học sinh. Trong giai đoạn mới, trước tác động sâu rộng của toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố là rất lớn. Các em hãy xem đây là động lực, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện vượt qua thử thách để đạt nhiều đỉnh cao mới, qua đó xây dựng thành phố, đất nước phát triển bền vững".

Thực hiện chủ trương của Ðảng và Nhà nước, trong những năm qua, thành phố đã chủ động thực hiện và xây dựng nhiều cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành GD và ÐT phát triển lớn mạnh. Cụ thể, đổi mới giáo dục, đổi mới nội dung phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính, tăng cường gắn đào tạo với sử dụng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phát triển khoa học giáo dục, mở rộng nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế... Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: "Tại Ðại hội đại biểu Ðảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 11 vừa qua, thành phố tiếp tục khẳng định một lần nữa thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng GD và ÐT, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ðồng thời, thông qua bốn chương trình trọng điểm phát triển thành phố, trong đó có hai đề án quan trọng đối với ngành GD và ÐT là đề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020 - 2030; đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế tám ngành giai đoạn 2020 - 2035 và đại học chia sẻ. Với những nỗ lực đó, ngành GD và ÐT thành phố đã tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước về quy mô và chất lượng giáo dục, mạng lưới trường lớp cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp cho xã hội, tăng số lượng học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế".

Ðồng chí Nguyễn Thành Phong đề nghị, ngành GD và ÐT thành phố tiếp tục quan tâm, bồi dưỡng, vun đắp học sinh giỏi tiêu biểu để sớm trưởng thành và tỏa sáng. Bên cạnh hạt nhân là các trường chuyên, năng khiếu, các trường còn lại cần đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng phát hiện ngày càng nhiều học sinh giỏi hơn nữa. Ðồng thời, chú trọng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo các kỹ năng mềm, hướng dẫn các em vận dụng kiến thức học được ở nhà trường để giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn cuộc sống. Các trường cần tiếp tục tập trung đầu tư, xây dựng trường đạt chuẩn tiên tiến, hội nhập khu vực và quốc tế làm nòng cốt cho việc nâng cao chất lượng dạy và học. Cùng với đó là xây dựng các quy chế, các chuẩn mực đối với thầy, cô giáo và học sinh để mỗi nhà trường là một trung tâm văn hóa giáo dục, pháo đài vững chắc phòng, chống sự tiến công, xâm nhập của các thói hư, tật xấu.

Bài và ảnh: KHÁNH TRÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/quan-tam-dao-tao-boi-duong-hoc-sinh-gioi-623002/