Quan tâm đối tượng giáo viên đặc thù
Mới đây, tại Hội thảo tham vấn chính sách tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà nước về nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, các cán bộ quản lý, giáo viên trường học đánh giá cao về việc dự thảo Luật Nhà giáo quan tâm nhiều hơn đến các đối tượng giáo viên đặc thù (như giáo viên mầm non, giáo viên ở các cơ sở có yếu tố nước ngoài).
Theo cô Đặng Thị Lệ Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Chánh (huyện Bình Chánh), điểm sáng trong dự thảo Luật Nhà giáo là đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu ở độ tuổi 55 do đặc thù công việc nhiều khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, nhà giáo này cho biết, những người làm công tác giáo dục đặc biệt với đối tượng trẻ khuyết tật cũng có yêu cầu rất cao trong công việc. “Tôi đề xuất giáo viên giáo dục đặc biệt được quy định tuổi nghỉ hưu tương đương giáo viên mầm non do đặc thù công việc nhiều áp lực, trẻ trong cùng một lớp ở nhiều độ tuổi khác nhau nên yêu cầu công việc rất vất vả”, cô Đặng Thị Lệ Hằng bày tỏ.
Tương tự, đối với khối trường ngoài công lập, các ý kiến đều tán thành dự thảo Luật Nhà giáo có thêm quy định về chính sách tuyển dụng và quyền lợi của giáo viên, không phân biệt loại hình công lập, tư thục. Đặc biệt, quy định cấp chứng chỉ hành nghề được áp dụng cho cả giáo viên nước ngoài nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định. Cô Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Vinschool (quận Bình Thạnh), mong mỏi Luật Nhà giáo khi được ban hành sẽ đáp ứng được nhu cầu và điều kiện công tác thực tế của các nhà giáo khối trường ngoài công lập.
Ở góc độ khác, theo thầy Nguyễn Thanh Tòng, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc (huyện Bình Chánh), các quy định về xử lý kỷ luật, khen thưởng nhà giáo cần tính đến yêu cầu đặc thù của công việc này. Một bộ phận xã hội chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, nhiệm vụ của nhà giáo, dẫn đến nhiều vụ việc khủng hoảng truyền thông rất đáng tiếc. Do đó, cần có thêm quy định cụ thể để bảo vệ nhà giáo, giúp các thầy cô giáo yên tâm công tác. Riêng đối với việc tuyển dụng giáo viên các bộ môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh, cần có chính sách thu hút giáo viên để giải bài toán thiếu giáo viên kéo dài nhiều năm qua ở các trường học.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc, chế độ chính sách cho các thầy cô giáo yên tâm công tác.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/quan-tam-doi-tuong-giao-vien-dac-thu-post745952.html