Quan tâm hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội
Theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1-7-2021, mức chuẩn trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội được nâng từ 270.000 đồng lên 360.000 đồng/người/tháng. Chính sách nhân văn này có ý nghĩa thiết thực góp phần chia sẻ khó khăn với những đối tượng cần được hỗ trợ.
Ngày 15-3-2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp đối với đối tượng bảo trợ xã hội thay thế Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21-10-2013. Nghị định số 20 có nhiều điểm mới, trong đó, nổi bật là tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội. Ngoài ra, Nghị định này còn quy định bổ sung một số nhóm đối tượng hưởng chính sách như: người từ 75 đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn; trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn; người đơn thân nuôi con nhỏ thuộc hộ cận nghèo. Nghị định cũng quy định cách tính hệ số trợ cấp xã hội hàng tháng và kinh phí hỗ trợ nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng sống tại hộ gia đình, hỗ trợ kinh phí chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng.
Là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định mới, vợ chồng ông Nguyễn Tam Đông (thôn 6, xã Trà Đa, TP. Pleiku) rất phấn khởi. Ông Đông đã ngoài 80 tuổi, còn bà Nguyễn Thị Tùng cũng ngoài 70. Tuy tuổi cao sức yếu, nhưng ông bà phải chăm sóc, nuôi dưỡng 2 người con trai: Nguyễn Tam Nhẹn (44 tuổi) và Nguyễn Tam Tiến (42 tuổi) bị tâm thần phân liệt. Khi áp dụng mức trợ giúp xã hội mới, 2 người con trai ông Đông được nhận trợ cấp mức khuyết tật đặc biệt nặng cho nhóm đối tượng từ 16 đến 60 tuổi, mỗi người 720.000 đồng/tháng (thay cho mức 540.000 đồng/tháng trước đây). Còn bà Tùng nhận hỗ trợ 720.000 đồng/tháng dành cho đối tượng chăm sóc người bị khuyết tật nặng (mỗi người là 360.000 đồng thay cho mức 270.000 đồng). Ngoài ra, mức trợ cấp dành cho người cao tuổi hàng tháng ông Đông được nhận cũng tăng từ 270.000 đồng lên 360.000 đồng. “Số tiền này giúp gia đình tôi trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, vợ chồng tôi và các con còn được cấp bảo hiểm y tế miễn phí”-bà Tùng cho hay.
Toàn tỉnh có trên 33.500 đối tượng đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội thường xuyên tại cộng đồng, trong đó có 608 trẻ mồ côi, 16.870 người cao tuổi đủ điều kiện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội và 13.124 người khuyết tật.
Bà Lê Thu Hằng-công chức Văn hóa-Xã hội xã Trà Đa-cho biết: Toàn xã có 127 đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội, trong đó có 19 đối tượng được hỗ trợ mức khuyết tật đặc biệt nặng. Các đối tượng này hoàn cảnh đều rất khó khăn, vì thế Nghị định số 20 của Chính phủ có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần san sẻ gánh nặng cho đối tượng và gia đình.
Liên quan đến vấn đề này, ông Rơ Châm Ghí-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Păh-cho hay: Huyện có 2.524 đối tượng bảo trợ xã hội gồm: trẻ em mồ côi, người khuyết tật, người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo, người đơn thân không có người thân chăm sóc phụng dưỡng, người chăm sóc nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi... “Sau khi Chính phủ ban hành chính sách mới, huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở rà soát đối tượng, công tác quản lý hồ sơ, quy trình xét duyệt, xác định mức độ khuyết tật, người chăm sóc đối tượng mức khuyết tật đặc biệt nặng… bổ sung danh sách khi triển khai thực hiện Nghị định số 20. Các đối tượng đang được hưởng đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách theo quy định”-ông Ghí thông tin.
Không chí tăng mức trợ cấp, Nghị định số 20 đã thay đổi cơ bản quy định về mốc thời gian được hưởng/điều chỉnh trợ cấp xã hội hàng tháng của đối tượng bảo trợ xã hội; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều chỉnh thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng so với Nghị định số 140/2018/NĐ-CP bằng việc bỏ mô hình “Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội”… Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-nhìn nhận: “Ngoài ra, thời gian giải quyết các thủ tục trợ cấp xã hội cũng rút ngắn. Trước đây, thời gian nhận và trả hồ sơ kéo dài 18 ngày. Trong khi đó, Nghị định số 20 quy định tối đa chỉ 12 ngày. Những điểm mới trong Nghị định số 20 có ý nghĩa quan trọng đối với đối tượng thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội, đặc biệt là đối tượng yếu thế”.
Cũng theo bà Duyên, trên cơ sở những điểm mới của Nghị định số 20, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tham mưu giúp UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành nghị quyết quy định mức chuẩn trợ cấp xã hội dành cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đề xuất mức chuẩn trợ cấp xã hội áp dụng là 360.000 đồng/tháng và đối tượng áp dụng bao gồm tất cả các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội được quy định tại Nghị định số 20.