Quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp
Dưới sự quan tâm chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những năm qua, Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh Quảng Trị tích cực triển khai thực hiện các hoạt động nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ, kỷ niệm trọng đại của quê hương, đất nước cũng như các ngày lễ, kỷ niệm, các sự kiện chính trị - văn hóa tại địa phương, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật chuyên nghiệp của Nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Một tiết mục do các ca sĩ, diễn viên của Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh Quảng Trị biểu diễn tại Chương trình “Tết sum vầy - xuân ơn Đảng” nhân Tết Ất Tỵ - 2025 do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức - Ảnh: N.T
Để tăng cường các hoạt động nghệ thuật biểu biễn chuyên nghiệp phục vụ xã hội một cách hiệu quả, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định quy định phân cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; triển khai Thông tư số 02/2024/TT-BVHTTDL, ngày 17/6/2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện, di sản văn hóa, văn hóa cơ sở, tuyên truyền viên văn hóa, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh.
Năm 2018, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 2102/QĐ- UBND về việc tổ chức lại Đoàn Nghệ thuật Quảng Trị thành Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh Quảng Trị. Đây là điều kiện tốt nhất để Quảng Trị bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống dân tộc kết hợp với các loại hình nghệ thuật đương đại, tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng cao, thể hiện được tính sáng tạo, độc đáo của nghệ thuật truyền thống của địa phương.
Hiện nay, lực lượng diễn viên của Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh gồm 20 người, trong đó có 18 biên chế sự nghiệp và 2 hợp đồng. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, Đoàn nghệ thuật truyền thống tỉnh đã xây dựng chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và tham gia biểu diễn tạo nguồn thu của đơn vị đạt chỉ tiêu của Nhà nước giao. Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh có sự phát triển đáng kể. Tỉnh đã tập trung đầu tư cho công tác đào tạo thế hệ diễn viên trẻ; các hệ thống thiết bị phục vụ cho công tác biểu diễn được bổ sung, tăng cường hằng năm...
Đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên luôn bám sát tình hình thực tế của địa phương xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật ca - múa - nhạc, ảo thuật, kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị và Nhân dân trong tỉnh, tham gia các hội thi, hội diễn, các kỳ liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới, đạt được nhiều huy chương. Xây dựng các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước, mừng Đảng - mừng xuân mới và giao lưu đối ngoại; tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật tuyến phố đêm vào tối thứ Bảy hằng tuần...
Ngoài ra, đoàn cũng xây dựng các chương trình biểu diễn phục vụ tạo nguồn thu cho đơn vị. Riêng trong năm 2024, đoàn dàn dựng 30 chương trình, 92 tiết mục mới; 25 chương trình, 130 tiết mục được sửa chữa và nâng cao. Tổ chức 55 buổi biểu diễn (tính đến ngày 4/12/2024), với số lượng khán giả đón xem hơn 30.000 người. Doanh thu đạt hơn 631 triệu đồng.
Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tổ chức sưu tầm, nghiên cứu các làn điệu dân ca và xây dựng các tiết mục, các chương trình nghệ thuật kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, lồng ghép biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật phục vụ biểu diễn chính trị, qua đó, góp phần gìn giữ, quảng bá và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Đặc biệt năm 2024, Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã tham gia “Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2024 - đợt 2” đạt được nhiều thành tích, cụ thể: HCB toàn đoàn, bằng khen của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam dành cho tập thể đội múa đạt thành tích xuất sắc tại liên hoan; bằng khen của Hội Nhạc sĩ Việt Nam dành cho nhạc sĩ sáng tác, phối khí xuất sắc; 2 HCV, 3 HCB, xếp thứ 7/24 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tham gia.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh còn gặp một số khó khăn như: nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng diễn viên còn mỏng và thiếu, chưa đáp ứng được số lượng, chất lượng của một đơn vị nghệ thuật truyền thống chuyên nghiệp.
Lực lượng diễn viên hiện nay phần lớn diễn viên đã lớn tuổi nên việc đáp ứng chuyên môn gặp nhiều khó khăn. Ngân sách cấp cho hoạt động nghệ thuật còn thấp nên nhiều chương trình đòi hỏi quy mô, chất lượng cao đơn vị phải hợp đồng thuê thêm diễn viên bên ngoài mới đáp ứng được từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tích lũy nguồn thu của đơn vị. Kinh phí, chỉ tiêu đào tạo hằng năm còn hạn chế nên số lượng cán bộ, diễn viên được đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chuyên ngành còn quá ít.
Khắc phục những khó khăn, hạn chế, thời gian đến, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, định hướng Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh tiếp tục tăng cường triển khai công tác tổ chức hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn tỉnh. Tiến hành thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Tổ chức tuyên truyền, xây dựng, tập luyện các chương trình nghệ thuật theo đúng kế hoạch để phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của quê hương, đất nước, chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2025. Thực hiện tốt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp hướng về cơ sở; nâng cao chất lượng nghệ thuật, trong đó chú trọng các chương trình biểu diễn phục vụ đồng bào ở các vùng cách mạng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, hướng về vùng biên giới, hải đảo của quê hương.
Xây dựng kế hoạch phục dựng nghệ thuật truyền thống gắn với hệ thống văn hóa phi vật thể, văn hóa vật thể. Tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác các làn điệu dân ca, các ca khúc, tác phẩm mới nhằm góp phần gìn giữvà phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của quê hương, đặc biệt là các giá trị truyền thống. Hằng năm, tổ chức sơ kết, tổng kết để biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, đồng thời nhân rộng những mô hình tiêu biểu, những cách làm hay để học tập, rút kinh nghiệm.