Quan tâm quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ

Xác định nguồn nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN) là yếu tố then chốt, quyết định đến sự thành công trong hoạt động KH&CN, thời gian qua tỉnh Bắc Giang đã quan tâm, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh nói chung, nguồn nhân lực KH&CN nói riêng, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng yếu, đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH của tỉnh.

Góp sức thúc đẩy phát triển KT-XH

Nguồn nhân lực KH&CN gồm những người hoạt động trong lĩnh vực KH&CN. Theo quy định tại Điều 3, Luật KH&CN năm 2013, hoạt động KH&CN là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển, ứng dụng công nghệ, dịch vụ, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển KH&CN. Thống kê sơ bộ đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 155 người làm việc trong các tổ chức KH&CN công lập và ngoài công lập (trong đó 50 người có trình độ thạc sĩ, 83 người có trình độ đại học, 22 người có trình độ cao đẳng và chuyên môn khác). Ngoài ra, đội ngũ nhân lực tham gia hoạt động nghiên cứu KH&CN còn tập trung tại các cơ sở giáo dục, y tế, doanh nghiệp… với số lượng lên đến hàng trăm người. Các lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu gồm: Phát triển sản xuất và công nghệ nông nghiệp, y tế, giáo dục - đào tạo, phát triển xã hội và dịch vụ...

 Đại diện Sở KH&CN, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn bàn giao sản phẩm đề tài khoa học về hướng nghiệp của Thạc sĩ Hán Thị Hương Giang cho Sở Giáo dục và Đào tạo.

Đại diện Sở KH&CN, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn bàn giao sản phẩm đề tài khoa học về hướng nghiệp của Thạc sĩ Hán Thị Hương Giang cho Sở Giáo dục và Đào tạo.

Đội ngũ này đã tích cực triển khai, nghiên cứu, ứng dụng nhiều đề tài, dự án khoa học phục vụ sản xuất và đời sống. Giai đoạn 2022-2024, lực lượng cán bộ làm công tác KH&CN đã tham gia thực hiện 6 nhiệm vụ cấp quốc gia, 54 nhiệm vụ cấp tỉnh, 72 nhiệm vụ cấp cơ sở thuộc các lĩnh vực như khoa học nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và công nghệ, xã hội và nhân văn, y - dược, giáo dục và đào tạo, sở hữu trí tuệ. Qua đó góp phần tháo gỡ, khắc phục những khó khăn trong thực tiễn sản xuất, đời sống xã hội, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.

Lĩnh vực khoa học nông nghiệp có nguồn nhân lực KH&CN đông đảo, thực hiện số lượng đề tài nghiên cứu khoa học tương đối lớn, ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn. Năm 2023, Công ty TNHH Kim Tân Minh, xã Quang Minh (Hiệp Hòa) là đơn vị chủ trì thực hiện và đã hoàn thành dự án cấp Trung ương “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình chăn nuôi gà lai hướng trứng HA theo chuỗi giá trị phục vụ phát triển KT-XH tỉnh Bắc Giang”. Dự án được Bộ KH&CN đánh giá cao. Người đóng góp nhiều công sức thực hiện là bà Ngô Thị Kim, Giám đốc Công ty.

Thống kê sơ bộ đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 155 người làm việc trong các tổ chức KH&CN công lập và ngoài công lập (trong đó, 50 người trình độ thạc sĩ, 83 người trình độ đại học, 22 người trình độ cao đẳng và chuyên môn khác). Ngoài ra, đội ngũ nhân lực tham gia hoạt động nghiên cứu KH&CN còn tập trung tại các cơ sở giáo dục, y tế, doanh nghiệp, hợp tác xã…với số lượng lên đến hàng trăm người.

Bà Kim có niềm đam mê với sản xuất nông nghiệp sạch. Khi bắt tay xây dựng và phát triển trang trại chăn nuôi gà chất lượng cao, sau này là thực hiện dự án khoa học, bà Kim gặp không ít khó khăn. Với tinh thần ham học hỏi, nhạy bén, bà đã tích lũy nhiều kiến thức từ lý luận và thực tiễn, nhanh chóng chinh phục, làm chủ kiến thức KH&CN. Những năm qua, doanh nghiệp của bà đã ứng dụng thành công các quy trình chăn nuôi hiện đại, chủ động phòng bệnh, thụ tinh nhân tạo, chăn nuôi tự động sản xuất gần 10 nghìn quả trứng/ngày, tạo dựng thương hiệu “Trứng gà sạch Hoa Mer” có thị trường tiêu thụ thuận lợi.

Trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên, sinh viên tại các nhà trường cũng tham gia tích cực vào hoạt động nghiên cứu khoa học. Thạc sĩ Hán Thị Hương Giang (Trường Cao đẳng Công nghệ Việt-Hàn Bắc Giang) là một trong số đó. Hai năm gần đây, bà cùng nhóm tác giả thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học về đào tạo hướng nghiệp cho sinh viên, phát triển hệ sinh thái giáo dục BG STEAM, dự án hướng nghiệp cho thanh niên xuất ngũ… Các nội dung đều được cơ quan chuyên môn đánh giá cao, triển khai có hiệu quả vào thực tiễn. Ở lĩnh vực khoa học y-dược, nhiều cán bộ, bác sĩ đã tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào chẩn đoán, điều trị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đội ngũ cán bộ, người lao động tại một số doanh nghiệp, hợp tác xã cũng tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường…

Tạo môi trường thuận lợi

Theo đánh giá của Sở KH&CN, nguồn nhân lực KH&CN đã đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của địa phương, song số lượng còn hạn chế, chưa đồng đều giữa các lĩnh vực. Thiếu nguồn nhân lực tham gia nghiên cứu sâu các vấn đề thuộc lĩnh vực xã hội, nhân văn, tiếp cận cuộc cách mạng 4.0, triển khai chính quyền điện tử, nền kinh tế số...

Đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực KH&CN, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị chuyên môn cần quan tâm khảo sát, dự báo, quy hoạch nguồn nhân lực KH&CN; đánh giá, xác định nhu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu và trình độ nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực để có cơ chế, kế hoạch bồi dưỡng, phát triển hợp lý. Bên cạnh khai thác, phát triển nguồn nhân lực hiện có, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương cần quan tâm liên kết với các chuyên gia đề xuất thực hiện đề tài khoa học ở những lĩnh vực thế mạnh, lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo. Với vai trò của mình, Sở KH&CN tiếp tục nghiên cứu, tuyển chọn hoặc giao đề tài khoa học cho các tổ chức, cá nhân có năng lực thực hiện; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp KH&CN, duy trì hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm ươm mầm, phát triển nhân lực tham gia nghiên cứu khoa học.

Trên địa bàn tỉnh có 11 tổ chức KH&CN công lập, ngoài công lập và chi nhánh đại diện tổ chức KH&CN; hàng trăm trường học, bệnh viện. Mỗi năm, các đơn vị nêu trên đều quan tâm tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ; định hướng, hướng dẫn thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học. Như ở Trường Cao đẳng Công nghệ Việt-Hàn Bắc Giang, ngoài bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có năng lực tham gia hoạt động nghiên cứu KH&CN, nhà trường còn đẩy mạnh tư vấn, hướng nghiệp, khuyến khích, tạo điều kiện để sinh viên tham gia các hoạt động, dự án khoa học nhằm tạo nguồn phát triển nhân lực cho nghiên cứu.

Bên cạnh những giải pháp trên, để phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH&CN, một số chuyên gia cũng cho rằng cần đề xuất các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực, tạo môi trường thuận lợi thu hút, phát huy, giữ chân những cán bộ có trình độ chuyên môn cao; quan tâm ứng dụng, nhân rộng các giải pháp, dự án khoa học có hiệu quả.

Bài, ảnh: Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/quan-tam-quy-hoach-dao-tao-nguon-nhan-luc-khoa-hoc-va-cong-nghe-091347.bbg