Quan tâm xây dựng các ngành nghề nông thôn gắn phát triển du lịch
BHG - Trong những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, các thành phần kinh tế và hộ nông dân; đặc biệt là cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 3 đột phá, trong đó có đột phá về phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị và đột phá tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Toàn tỉnh có có 39 làng nghề và 4 làng nghề truyền thống, có 12 làng nghề có sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao, 13 làng nghề có điểm giới thiệu sản phẩm; 13 HTX hoạt động trong làng nghề; 16 làng nghề có sản phẩm phục vụ du lịch; có 10 làng nghề nằm trong khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn. Các làng nghề thu hút 2.438 hộ tham gia, tạo việc làm ổn định cho trên 4 nghìn lao động thường xuyên, trên 5.800 lao động thời vụ với mức thu nhập trung bình từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Theo đánh giá, hiện nay ngành nghề nông thôn từng bước được chuyển dịch từ quy mô nhỏ mang tính truyền thống sang phát triển theo hướng hàng hóa, phát triển các loại sản phẩm mới có chất lượng cao, được định hướng đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, có đầu tư về máy móc hỗ trợ sản xuất nên sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, không chỉ phục vụ thị trường trong vùng mà còn chiếm lĩnh các thị trường rộng lớn trên cả nước; góp phần giữ gìn và bảo tồn các làng nghề, làng nghề truyền thống, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân tại khu vực nông thôn; du lịch làng nghề đã và đang có sức thu hút lớn đối với du khách trong và ngoài nước, đồng thời tạo thu nhập bền vững cho người dân, gắn với bảo vệ nét văn hóa truyền thống các dân tộc, bởi các sản phẩm làng nghề được tạo ra theo một quy trình công nghệ nhất định, có tính độc đáo, riêng biệt và trở thành hàng hóa mang bản sắc văn hóa dân tộc trên thị trường.
Nghị quyết số 11-NQ/TU của BCH Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025 xác định: Phát triển du lịch phải phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế gắn với nâng cao nhận thức và đời sống cho nhân dân, giảm nghèo bền vững. Bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Sản phẩm du lịch đa dạng, có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Hà Giang và xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, Công viên Địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành trung tâm du lịch quốc gia. Phát triển du lịch làng nghề không những góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người Hà Giang với du khách, mà còn là cách mỗi làng nghề giữ gìn được bản sắc truyền thống mà cha ông để lại. Du lịch làng nghề là một loại hình du lịch văn hóa mà qua đó khách du lịch được trải nghiệm những giá trị vật thể, phi vật thể liên quan mật thiết đến làng nghề, mang lại lợi ích kinh tế, góp phần tôn vinh và bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp. Làng nghề hiện nay không chỉ đơn thuần là nơi sản xuất các sản phẩm thủ công mà còn là môi trường lưu giữ tinh hoa nghệ thuật, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc. Du khách đến với các làng nghề ngoài mục đích tham quan, còn được cảm nhận sự bền bỉ, kiên trì, sáng tạo được kết tinh vào các sản phẩm của các làng nghề.
Tuy nhiên, hiện nay phát triển làng nghề còn một số hạn chế như: Chưa được chú trọng và khai thác tương xứng với tiềm năng để phục vụ phát triển KT - XH nói chung, phát triển du lịch nói riêng; công tác tuyên truyền thiếu sâu sát dẫn đến chưa tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển ngành nghề nông thôn và bảo tồn làng nghề; việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm còn hạn chế; hình thức tổ chức sản xuất trong các làng nghề còn hạn chế, chưa phát triển; công tác quảng bá xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm chưa được đẩy mạnh; sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch tại các làng nghề chưa phong phú, mẫu mã chưa đa dạng, chủng loại, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều và tính chuyên môn hóa chưa cao; nguồn vốn hỗ trợ phát triển làng nghề còn thiếu so với nhu cầu thực tế; trình độ sản xuất của người dân tại các làng nghề chưa cao; đặc biệt là nghề truyền thống, thiếu chuyên gia, thợ có tay nghề cao tham gia truyền nghề và chưa tâm huyết với phát triển làng nghề. Bên cạnh đó, việc dịch chuyển lao động từ vùng nông thôn về thành thị và các khu công nghiệp dẫn đến việc thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn cao, nghệ nhân...
Theo đánh giá của nhóm chuyên gia triển khai dự án “Tăng cường năng lực cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua việc phát triển cây nhuộm màu dệt thổ cẩm, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học vùng Cao nguyên đá Đồng Văn (Dự án GEF-UNDP hỗ trợ HTX Dệt Lanh Cán Tỷ triển khai từ năm 2020 - 2022): Hoạt động của làng nghề trên địa bàn tỉnh Hà Giang sôi động hơn, nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã bằng việc tần xuất tham gia của lãnh đạo địa phương trong chuỗi các hoạt động của hệ thống làng nghề thêu dệt thổ cẩm truyền thống nhiều hơn, thời lượng trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng Internet, trong đó có hoạt động của HTX Dệt lanh Cán Tỷ liên tục, thường xuyên; nhất là các hoạt động nâng cao năng lực cho phụ nữ dân tộc thiểu số, xây dựng mạng lưới cộng đồng phát triển các sản phẩm bản địa, cùng nhau chia sẻ kiến thức bản địa thông qua hoạt động trải nghiệm, thu hút du khách trong nước và lan tỏa đến cộng đồng quốc tế. Các thành viên của dự án cũng được đào tạo năng lực về ứng dụng máy tính và điện thoại di động để bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Chị Vàng Thị Mỷ, sinh năm 1990, dân tộc Mông, thành viên HTX Lanh Cán Tỷ đã áp dụng để tham gia cuộc thi ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp 2023 với chủ đề Phát triển sản phẩm lanh truyền thống trên hệ thống bán hàng trực tuyến.
Quá trình xây dựng NTM và thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, có nhiều tiêu chí liên quan đến ngành nghề nông thôn như: Tiêu chí về lao động, thu nhập, xã hội, môi trường, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã theo luật HTX năm 2012... Đây là các tiêu chí có liên quan đặc biệt đến tổ chức phát triển ngành nghề nông thôn. Để từng bước đưa ngành nghề nông thôn phát triển bền vững, góp phần xây dựng NTM, thiết nghĩ cần nhiều giải pháp đồng bộ:
Thứ nhất, cần rà soát tổng thể, bố trí lại cơ cấu lao động, phát triển ngành nghề nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, giảm hộ nghèo, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đưa nhanh công nghiệp phục vụ chế biên nông, lâm, thủy sản, xây dựng, cơ khí, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ vào khu vực nông thôn.
Thứ hai, nỗ lực đưa sản phẩm làng nghề vươn xa: Xác định việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm là đặc biệt quan trọng, hàng năm, tỉnh đã tổ chức đưa các cơ sở làng nghề tham gia các hội chợ triển lãm do tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Hiệp hội làng nghề Việt Nam tổ chức nhằm hỗ trợ quảng bá thương hiệu, sản phẩm để mở rộng thị trường, duy trì và củng cố các thị trường truyền thống; giúp đỡ các làng nghề trong việc hình thành kênh tiêu thụ dưới hình thức đặt hàng, thu mua, bao tiêu sản phẩm; xây dựng mạng lưới các đại lý, các nhà phân phối tiêu thụ sản phẩm làng nghề trên địa bàn tỉnh. Tổ chức giới thiệu và bán sản phẩm làng nghề tại các khu, điểm du lịch; các cơ sở làng nghề đã tổ chức nhiều cuộc thi sáng tạo hàng thủ công mỹ nghệ, họp bình xét chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Hiện, thị trường chủ yếu của sản phẩm nghề truyền thống được tiêu thụ nội địa, bước đầu đã có một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là các sản phẩm dệt lanh thổ cẩm của đồng bào Mông được xuất khẩu sang Trung Quốc, các nước ASEAN và châu Âu... Đây là những nhân tố hết sức quan trọng góp phần phát triển ngành nghề nông thôn và bảo tồn phát triển nghề truyền thống của tỉnh bền vững.
Thứ ba, tiếp tục phát triển làng nghề gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là phát triển du lịch: Các làng nghề đã đạt được kết quả nhất định, người dân đã có nhận thức tích cực về tầm quan trọng của ngành nghề nông thôn. Nhiều hộ gia đình đã lựa chọn ngành nghề, sắp xếp bố trí lao động để sản xuất, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho kinh tế hộ; đặc biệt là đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn có thu nhập ổn định, nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu. Môi trường lao động lành mạnh, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững. Do vậy, cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và thực hiện tốt công tác bảo tồn, xây dựng và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống để phát huy tiềm năng, lợi thế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương; nâng cao hiệu quả hoạt động của các làng nghề theo hướng bền vững; xây dựng các sản phẩm, các làng nghề đạt tiêu chuẩn OCOP.
Thứ tư, rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp phát triển làng nghề: Hỗ trợ phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn hướng đến nâng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn trong giá trị sản xuất ở khu vực nông thôn; tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa gắn với xây dựng NTM. Tiếp tục truyền nghề cho thế hệ trẻ. Nghiên cứu, rà soát và có chính sách quy hoạch vùng nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống.
Vai trò của phát triển làng nghề là rất lớn trong phát triển KT - XH nói chung và phát triển du lịch nói riêng. Việc khôi phục, phát triển các ngành nghề, làng nghề luôn song trùng với khôi phục, xây dựng và hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, gắn chặt với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc và xây dựng NTM.
Phạm Văn Tú, Hùng Thị Giang (Thành viên Hội đồng lý luận tỉnh)