Quần thể di sản Hà Nội 'hội ngộ' người dân Thành phố Hồ Chí Minh

Lần đầu tiên, những biểu tượng di sản của Hà Nội 'xuất hiện' tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), mang đến cho người dân nơi đây nhiều cảm xúc đặc biệt. Hoạt động nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) đã góp phần giới thiệu các nét đặc trưng về di sản văn hóa tiêu biểu, độc đáo của mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Từ ngày 23/8 - 25/8, hoạt động trưng bày ảnh tư liệu gắn với nội dung kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô trong Chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP.HCM” đã diễn ra trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM).

Đưa Thủ đô đến gần người phương Nam

Từ năm 1010, khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La rồi đổi tên là Thăng Long, mảnh đất này đã trở thành nơi kết tinh của trí tuệ, phẩm chất người Việt Nam.

Logo Thủ đô Hà Nội được dựng ngay đầu đường Nguyễn Huệ, trong đó 2 bên là tên 2 thành phố lớn nhất nước, thể hiện tinh thần gắn bó, đoàn kết, hữu nghị giữa 2 miền Nam - Bắc một nhà.

Logo Thủ đô Hà Nội được dựng ngay đầu đường Nguyễn Huệ, trong đó 2 bên là tên 2 thành phố lớn nhất nước, thể hiện tinh thần gắn bó, đoàn kết, hữu nghị giữa 2 miền Nam - Bắc một nhà.

Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, Thăng Long còn đó - vẫn là Thủ đô của người Việt với một tên gọi mới - Hà Nội, sừng sững như bức tường thành chống đỡ non sông. Nhất là trong cuộc kháng chiến chống Pháp, sau Hiệp định Genève ký ngày 21/7/1954, Hà Nội trở thành vùng tập kết, chuyển quân của quân đội Liên hiệp Pháp trong thời gian 80 ngày.

Trong 80 ngày đó, Hà Nội chưa có hòa bình, quân và dân Thủ đô phải tiếp tục cuộc đấu tranh trong bối cảnh mới để tiến tới tiếp quản. Ngày 10/10/1954, Hà Nội chính thức hoàn toàn được giải phóng trong cảm xúc hân hoan vỡ òa của người dân Thủ đô.

Vào buổi tối, đông đảo người dân và du khách tại TP.HCM đã đến phố đi bộ Nguyễn Huệ để tham quan các gian hàng cũng như hòa mình vào không gian Hà Nội.

Vào buổi tối, đông đảo người dân và du khách tại TP.HCM đã đến phố đi bộ Nguyễn Huệ để tham quan các gian hàng cũng như hòa mình vào không gian Hà Nội.

Ngày Giải phóng Thủ đô không chỉ mang ý nghĩa đặc biệt đối với cuộc kháng chiến của quân và dân Việt Nam, mà còn là một mốc son lịch sử hào hùng của đất nước.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP.HCM” nhằm quảng bá, giới thiệu các nét đặc trưng về di sản văn hóa tiêu biểu, độc đáo của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, con người Thủ đô thanh lịch, lan tỏa tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước” đến người dân TP.HCM, cả nước và bạn bè quốc tế.

Các biểu tượng của Thủ đô được phỏng tác lại một cách chân thật nhất.

Các biểu tượng của Thủ đô được phỏng tác lại một cách chân thật nhất.

“Chương trình là cơ hội để giới thiệu đến người dân TP.HCM cũng như cả nước giá trị văn hóa, kinh tế và đặc biệt là tình cảm con người Hà Nội. Thành phố Hà Nội mong muốn và gửi gắm thông điệp và tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM, nhấn mạnh sự gắn kết, hợp tác chặt chẽ giữa hai thành phố lớn của đất nước”, ông Hà Minh Hải nhấn mạnh.

Ghi nhận tâm tư của lãnh đạo thành phố Hà Nội, bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM tin tưởng chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP.HCM” sẽ góp phần quảng bá, giới thiệu đến người dân và du khách các nét đặc trưng về văn hóa, di sản văn hóa tiêu biểu độc đáo của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đây còn là cơ hội góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Hà Nội - TP.HCM trong việc phát huy, khai thác tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di sản văn hóa, du lịch; kinh tế, dịch vụ, thương mại.

Tái hiện quần thể di sản độc đáo

Nhắc tới Hà Nội là nhắc tới những di sản nổi tiếng như cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, Khuê Văn Các, cầu Long Biên,…

Cầu Long Biên được tái hiện chân thực, 2 bên là các bức ảnh về Hà Nội xưa và nay.

Cầu Long Biên được tái hiện chân thực, 2 bên là các bức ảnh về Hà Nội xưa và nay.

Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhiều di sản đã được tái hiện qua các mô hình với mức độ tương đồng về hình thức, thẩm mỹ rất cao so với bản gốc. Quần thể di sản được tái hiện nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội, bắt đầu qua cổng chào logo của Hà Nội và Tượng đài Cảm Tử.

Ấn tượng nhất là mô hình di sản cầu Long Biên cũng được tái hiện, làm nổi bật một trong những biểu tượng lịch sử của Thủ đô.

Nhiều du khách nước ngoài thích thú với mức độ chân thực của mô hình cầu Long Biên.

Nhiều du khách nước ngoài thích thú với mức độ chân thực của mô hình cầu Long Biên.

Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, do Pháp khởi công từ năm 1898 và khánh thành năm 1902. Công trình được xây dựng hoàn toàn bằng thép, không tính hai đầu cầu dẫn, đã trở thành cây cầu lớn nhất của cả xứ Đông Dương thời đó. Qua 122 năm tồn tài, cầu trở thành biểu tượng lịch sử chứng kiến bao đổi thay của Thủ đô.

Mô hình cầu Long Biên tại phố đi bộ Nguyễn Huệ được làm bằng sắt thép, dài khoảng 30m, cao khoảng 5m. Bề mặt mô hình cầu với các nhịp được làm bằng sắt thép, phía dưới là đường ray ở giữa, 2 bên dành cho phương tiện đường bộ, có thảm đá để tạo tính chân thực. Hai bên cầu và phía dưới là triển lãm các hình ảnh về Thủ đô xưa và nay.

Cũng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, mô hình Khuê Văn Các cao khoảng 10m đươc tái hiện lại với đường nét khá tương đồng bản gốc.

Khuê Văn Các - biểu tượng của thành phố Hà Nội.

Khuê Văn Các - biểu tượng của thành phố Hà Nội.

Khuê Văn Các được xây vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long, nằm trong khuôn viên di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, là nơi tập trung của mọi tinh hoa giữa đất và trời, có ý tưởng đề cao trung tâm giáo dục văn hóa Nho học của Việt Nam.

Vừa thể hiện được truyền thống hiếu học, nền văn hiến lâu đời, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ và trang trọng, năm 2012, Khuê Văn Các chính thức trở thành biểu tượng của Hà Nội.

Cầu Thê Húc là cây cầu nổi tiếng bắc qua Hồ Gươm, dẫn vào đền Ngọc Sơn. Cầu gồm 15 nhịp, 32 chân gỗ tròn xếp thành 16 đôi, mặt cầu lát ván, thành sơn màu đỏ sẫm. Trong lịch sử tồn tại, cây cầu này đã nhiều lần bị gãy và được dựng lại.

Nhiều hình ảnh mang đậm đặc trưng văn hóa của thành phố Hà Nội được tái hiện chân thực trong Chương trình "Những ngày Hà Nội tại TP.HCM".

Nhiều hình ảnh mang đậm đặc trưng văn hóa của thành phố Hà Nội được tái hiện chân thực trong Chương trình "Những ngày Hà Nội tại TP.HCM".

Ô Quan Chưởng - một trong các công trình kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội, nằm trên phố cùng tên, được xây dựng năm 1749 dưới đời Lê và là cửa ô duy nhất còn lại trong số các cửa ô của Hà Nội. Công trình gồm 2 tầng, được xây dựng theo kiến trúc cổng vọng lâu. Cổng có một cửa chính trên có tháp canh và cửa phụ ở hai bên; tầng hai có vọng lâu 4 mái uốn cong 4 góc, có lan can bao quanh.

Trên tường cửa chính có gắn một tấm bia ghi lệnh của Tổng đốc Hoàng Diệu cấm lính gác nhũng nhiễu dân qua lại cửa ô. Tấm bia này lập năm Tự Đức thứ 34 (1881), trước khi Hoàng Diệu tuẫn tiết khi Pháp đánh Hà Nội lần thứ hai.

Trụ sở báo Hà Nội Mới cũng đã "có mặt" ở TP.HCM.

Trụ sở báo Hà Nội Mới cũng đã "có mặt" ở TP.HCM.

Ngoài ra, các mô hình như Tháp Bút, Trung thu Hà Nội, Hồ Gươm, phố Bích họa, trụ sở Báo Hà Nội Mới,... cũng góp phần làm phong phú thêm không gian sự kiện.

Có thể nói những hình ảnh đặc sắc nhất của Hà Nội đều đã được tái hiện quá chuỗi hoạt động "Những ngày Hà Nội tại TP.HCM".

Có thể nói những hình ảnh đặc sắc nhất của Hà Nội đều đã được tái hiện quá chuỗi hoạt động "Những ngày Hà Nội tại TP.HCM".

Không chỉ là quần thể di sản, không gian văn hóa của các làng nghề tiêu biểu như: Làng cổ Đường Lâm, gốm Bát Tràng, làng thêu Thường Tín, làng dệt Phùng Xá, khảm trai Chuyên Ngọ, nón Chuông, sơn mài Hạ Thái, mây tre đan Phú Vinh, làng lụa Vạn Phúc, với các sản phẩm thủ công tinh xảo, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa từ tri thức văn hóa dân gian cũng được tái hiện một cách tài tình. Qua đó giúp người dân miền Nam có cơ hội trải nghiệm và cảm nhận sâu sắc hơn về tâm hồn, vẻ đẹp của Thủ đô Hà Nội.

Tân Nguyên

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/quan-the-di-san-ha-noi-hoi-ngo-nguoi-dan-thanh-pho-ho-chi-minh-175916.html