Quần thể di tích Đền Sóc - Chùa Đại Bi
Khuông Việt Đại sư nằm mộng thấy một vị thần mặc áo giáp vàng nói: 'Ta là Tỳ Sa Môn Thiên Vương, Thiên đế có chỉ lệnh sai ta đến nước này để giữ gìn biên giới, khiến cho phật pháp thịnh hành. Ta có duyên với người, nên đến đây báo cho ngươi biết'.
Quần thể di tích lịch sử Đền Sóc trải từ chân núi lên đến đỉnh núi Vệ Linh, nằm trong địa bàn thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội với hạng mục: Nghi môn, đền Hạ, đền Thượng, chùa Đại Bi, đền Mâu, chùa Non...
Trong số các di tích tại đây, chùa Đại Bi là một ngôi chùa nhỏ nhưng lại có lịch sử lâu đời. Chùa Đại Bi nằm trên một khu đất cao, dưới chân núi Vệ Linh, tương truyền chùa được xây dựng trên mảnh đất nơi Thánh Gióng đã dừng chân, trước khi bay về trời.
Truyền thuyết lịch sử của chùa Đại Bi
Về lịch sử chùa, có ý kiến cho rằng chùa được xây dựng vào thế kỷ X dưới triều Đinh nhưng quy mô còn nhỏ và đơn giản, theo sách Thiền uyển tập anh, Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu một lần đi chơi núi Vệ Linh ở Quận Bình Lỗ (nay thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn), thấy phong cảnh nơi đây thanh bình, tĩnh lặng thích hợp cho việc tu hành nên ông nảy ra ý định lập am để ở.
Ngay đêm hôm đó, ông nằm mộng thấy một vị thần mặc áo giáp vàng, tay trái cầm thương vàng, tay phải đỡ bảo tháp, hơn mười người theo hầu, tướng mạo rất dễ sợ, bước đến nói rằng: "Ta là Tỳ Sa Môn Thiên Vương, những người theo ta là Dạ xoa. Thiên đế có chỉ lệnh sai ta đến nước này để giữ gìn biên giới, khiến cho Phật pháp thịnh hành. Ta có duyên với người, nên đến đây báo cho ngươi biết".
Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu giật mình tỉnh dậy, nghe trong núi có tiếng huyên náo lòng rất lấy làm lạ. Sáng hôm sau, ông vào núi, thấy một cây to, cành lá sum xuê, bên trên lại có mây xanh bao phủ, trong lòng mừng thầm mới sai thợ đến chặt, đem về, khắc tượng như đã thấy trong mộng rồi lập am để thờ. Tương truyền ngôi am nhỏ trên núi Vệ Linh này là tiền thân của chùa Đại Bi.
Có thuyết nói, khi Khuông Việt Đại sư về đây, người dân đã lập một ngôi chùa trên núi Vệ Linh cho Ngài tu hành gọi là chùa Vệ Linh (sau đổi là chùa Đại Bì). Năm 981, khi quân Tống sang xâm lược, theo chỉ lệnh của Lê Đại Hành, Đại sư Khuông Việt đã cho lập đàn cầu đảo ở chùa Vệ Linh cầu thần Tỳ Sa Môn giúp sức cho quân dân Đại Cồ Việt đánh tan quân xâm lược.
Không gian kiến trúc của chùa Đại Bi
Chùa Đại Bi được tu sửa lại nhiều lần, lần gần đây nhất là năm 1999, tuy nhiên quy mô kiến trúc vẫn nhỏ, điểm nổi bật là từ mái vòm uốn cong hai đầu, đến những khung cửa được phủ một màu sơn đỏ như bất biến với thời gian. Chùa có kết cấu kiểu chữ "Đinh" gồm Tiền Đường và Thượng Điện.
Tiền Đường có 05 gian, có nền cao, xung quanh bó vỉa gạch, kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, trang trí hàng hoa chanh, hai đốc mái đắp trụ diêm. Trang trí trên kiên trúc tập trung vào các bức cốn nách, đầu bẩy, con rường với đề tài hình rồng, hoa lá, vân mây.
Thượng Điện gồm 02 gian, chạy dọc về phía sau nối hồi với gian giữa Tiền Đường, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh dưới trang trí hàng hoa chanh chạy suốt nóc mái. Mặt bằng bốn hàng chân, cột gỗ tròn kiểu thượng thu hạ thách; các bộ vì đỡ mái kết cấu kiểu chồng rường hạ kẻ.
Ngoài hệ thống hoành phi, câu đối trang nghiêm lộng lẫy, chùa còn giữ được một tấm bia Đại Bi thiên tự với 2 mặt, nội dung ca ngợi sự linh diệu của đạo Phật và danh sách người công đức trùng tu chùa.
Ở phí đối diện với chùa Đại Bi là đền Mẫu, nơi thờ tự mẹ của Thánh Gióng, không gian nơi đây bình yên, nhẹ nhàng. Tại đền này có một giếng nước cổ được gọi tên là giếng Mẫu.
Tọa lạc ở vùng đất sơn thủy hữu tình, núi ôm ấp lòng hồ đầy thơ mộng, ngôi chùa Đại Bi cổ kính với tiếng chuông thi thoảng trầm mặc vang xa càng làm cho chùa thêm nét thâm nghiêm, u tịch mà đầy quyến rũ lòng người.
Nguồn: Sách Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Việt - NXB Thông tin và Truyền thông (T.248)
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/quan-the-di-tich-den-soc-chua-dai-bi.html