Quản trị nhân lực xanh là giải pháp cốt lõi để phát triển nền kinh tế xanh

Ngày 20/6/2024, Trường Đại học Công đoàn đã tổ chức chương trình Hội thảo khoa học quốc gia 'Quản trị nhân lực xanh trong bối cảnh chuyển đổi số'.

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Xuân Hùng – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Ông Lê Cao Thắng – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tổng Liên đoàn, Chủ tịch Công đoàn các cơ quan đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Đỗ Văn Quảng – Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn Xây dựng Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Hà – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Lao động Xã hội;

Về phía nhà trường có Tiến sĩ Nguyễn Đức Tĩnh – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; Tiến sĩ Dương Thị Thanh Xuân – Phó Hiệu trưởng; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hiệp Thương – Phó Hiệu trưởng cùng đại diện Liên đoàn Lao động các tỉnh, các cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp, nhà khoa học.

 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo Khoa học quốc gia “Quản trị nhân lực xanh trong bối cảnh chuyển đổi số”. Ảnh: KMC

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo Khoa học quốc gia “Quản trị nhân lực xanh trong bối cảnh chuyển đổi số”. Ảnh: KMC

Hội thảo này là hoạt động được tổ chức thường niên để các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia trong lĩnh vực quản trị nhân lực cùng trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và chia sẻ các nghiên cứu chuyên sâu về quản trị nguồn nhân lực xanh trong bối cảnh chuyển đổi số;

Thông qua diễn đàn này, tạo sự kết nối giữa các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia với cơ sở đào tạo, người học nhằm tăng cường nhận thức về lĩnh vực quản trị và sự thích ứng của nó trong bối cảnh hội nhập;

Hội thảo “Quản trị nhân lực xanh trong bối cảnh chuyển đổi số” tập trung vào thảo luận những nội dung chính như: phân tích và thiết kế công việc xanh; tuyển dụng và lựa chọn xanh; đào tạo và phát triển xanh; quản lý hiệu suất xanh; quản lý khen thưởng và bồi thường xanh; sức khỏe và an toàn xanh; quan hệ lao động xanh và sự tham gia của nhân viên nhằm thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả nguồn lực trong các tổ chức gắn kết với bảo vệ môi trường và thực hiện trách nhiệm xã hội một cách bền vững.

Qua đó, nhận được một số đề xuất về định hướng nghiên cứu, giải pháp thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng dạy, học và các hoạt động khác về quản trị nhân lực trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tĩnh – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn cho biết, tăng trưởng và phát triển xanh ngày càng trở thành xu hướng có tính quy luật trong sự phát triển nền kinh tế thế giới. Ở Việt Nam, phát triển kinh tế xanh đã là lựa chọn trong sự phát triển chung của xã hội.

Điều này được thể hiện rõ tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/10/2021 về Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, ngày 7/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, hướng tới nền kinh tế xanh”.

 Tiến sĩ Nguyễn Đức Tĩnh – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Tĩnh – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo.

“Để thực hiện được mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp, trong đó quản trị nhân lực xanh như là giải pháp cốt lõi; đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở nước ta trong những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ trong các hoạt động quản trị nhân lực đã và đang hỗ trợ đắc lực cho người lao động và tổ chức trong quá trình “xanh hóa” nhằm tạo ra đội ngũ nhân lực với kiến thức, kỹ năng xanh; góp phần tăng hiệu quả hoạt động và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội một cách bền vững” – Tiến sĩ Nguyễn Đức Tĩnh nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn, hội thảo này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp. Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 100 bài viết và chọn lọc được 76 bài viết đạt chất lượng đưa vào Kỷ yếu Hội thảo khoa học có chỉ số ISBN, do Nhà xuất bản Lao động cấp giấy phép.

Trong khuôn khổ của Hội thảo khoa học quốc gia “Quản trị nhân lực xanh trong bối cảnh chuyển đổi số” có 05 tham luận được trình bày.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Hải – Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội, Cố vấn cao cấp Tập đoàn Đèo Cả đã có tham luận về “Qủan trị nguồn nhân lực xanh theo mô hình chiến lược “3 trong 1” trong bối cảnh chuyển đổi số.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Hải cho biết, chủ đề quản trị nguồn lực xanh trong bối cảnh chuyển đổi số là một chủ đề rất mới, khó nhưng rất cấp thiết. Bởi việc phát triển cây xanh là một xu thế tất yếu, không những ở phạm vi quốc gia mà còn ở toàn cầu.

Nếu thực hiện tốt vấn đề chuyển đổi số, có thể giúp cho nền kinh tế Việt Nam rút ngắn khoảng cách so với các quốc gia hàng đầu thế giới và đạt được những bước phát triển ngoạn mục trong tương lai.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Hải – Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội, Cố vấn cao cấp Tập đoàn Đèo Cả trình bày tham luận tại Hội thảo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Hải – Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội, Cố vấn cao cấp Tập đoàn Đèo Cả trình bày tham luận tại Hội thảo.

Hiện nay, có rất nhiều chủ đề liên quan tới tài chính xanh, tiêu dùng xanh… đều đã được các diễn giả trình bày ở các diễn đàn, hội nghị. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được những hoạt động xanh này thì cần yếu tố con người. Vì vậy, hội thảo hôm nay là một trong những hoạt động then chốt để phát giúp cho việc phát triển môi trường xanh cũng như việc cụ thể về nguồn nhân lực xanh thành công.

“Chuyển đổi số chính là quá trình thay đổi toàn diện cách thức sinh hoạt, làm việc, cũng như phương thức sản xuất tổ chức các nhân và xã hội. Vì vậy, mô hình chiến lược “3 trong 1” chính là cách để thực thi thành công vấn đề quản trị nguồn nhân lực xanh ở môi trường chuyển đổi số.

Đây là chiến lược giúp cho chúng ta có thể thực hiện việc quản trị nhân lực xanh một cách tự nhiên, đạt được thành tựu ở hiện tại, trong tương lai và còn có thể tránh được tổn thất xảy ra trong quá trình thực hiện theo cách thức nhanh và không có bước đệm…”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Hải nhấn mạnh.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thúy Hương – Giảng viên cao cấp Khoa Quản trị Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có tham luận về “Cách tiếp cận hành vi xanh và quản trị nhân lực xanh trong nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thúy Hương – Giảng viên cao cấp Khoa Quản trị Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có tham luận về “Cách tiếp cận hành vi xanh và quản trị nhân lực xanh trong nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”.

Có tham luận về “Cách tiếp cận hành vi xanh và quản trị nhân lực xanh trong nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thúy Hương – Giảng viên cao cấp Khoa Quản trị Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, các nghiên cứu về hành vi xanh và quản trị nhân lực xanh đã được thực hiện từ rất lâu ở nhiều quốc gia trên thế giới (như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…). Thực tế cho thấy, ngành quản trị nhân lực xanh đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực xanh thông qua các hướng dẫn, tình huống, định hướng hành vi của người lao động trong quá trình thực hiện công việc.

Ở Việt Nam, phát triển kinh tế xanh đang được đề cập đến trong nhiều văn kiện của đất nước; là nhân tố không thể tách rời để phát huy giá trị của nguồn lực xanh. Điều này đã giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp phát triển nâng cao năng suất lao động, thực hiện tốt chủ trương về vấn đề quản lý nguồn nhân lực trong môi trường lao động hiện tại.

“Tuy nhiên, những ví dụ về quản trị nhân lực xanh hay hành tinh xanh hiện nay còn ít và không được chia sẻ nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như thực hiện trong xã hội. Đặc biệt, một trong những vấn đề mà tất cả các tổ chức ở thời điểm này rất quan tâm là về trách nhiệm xã hội cũng như tính bền vững của môi trường…

Vì thế, việc học hỏi kinh kinh nghiệm quốc tế nhằm giúp các tổ chức Việt Nam tiếp cận hành vi xanh và quản trị nhân lực xanh… trong môi trường chuyển đổi số hiện nay là vô cùng quan trọng” - Phó Giáo sư Phạm Thúy Hương nhận định.

 Ban điều hành Hội thảo.

Ban điều hành Hội thảo.

Bên cạnh đó, tại hội thảo còn có 3 bài tham luận được trình bày đó là: “Vai trò của Công đoàn trong việc xây dựng quan hệ lao động xanh ở Việt Nam” do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Hà – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn; tham luận “Quản trị nhân lực xanh trong bối cảnh chuyển đổi số - Lý luận, thực tiễn và hàm ý chính sách” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Hà – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Lao động Xã hội; tham luận “Phát triển kinh tế xanh ngành dệt may giai đoạn chuyển đổi số và một số liên hệ đến đội ngũ nhân lực” do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hưng – Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên trình bày.

Ngoài ra, cũng có rất nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý nhằm tìm ra hướng phát triển quản trị nguồn nhân lực xanh trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Kim Minh Châu

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/quan-tri-nhan-luc-xanh-la-giai-phap-cot-loi-de-phat-trien-nen-kinh-te-xanh-post243537.gd