Quan trọng nhất là phải mở rộng không gian phát triển

TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Việc Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng sẽ tạo động lực lớn cho thành phố vươn lên. Song, để Đà Nẵng thực sự đột phá, quan trọng nhất là phải mở rộng không gian phát triển.

Nhiều thuận lợi để lập Khu thương mại tự do

Nhìn vào bản dự thảo Nghị quyết sắp được Quốc hội xem xét thông qua, có thể thấy, các chính sách được đề xuất đã mở rộng hơn điều kiện phát triển cho TP. Đà Nẵng.

Theo đó, thành phố đề xuất áp dụng chính sách về thí điểm thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật gồm trung tâm logistics; chính sách về cho phép thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới; chính sách cho phép HĐND thành phố quyết định hỗ trợ từ ngân sách thành phố không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị, chi phí di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị, công nghệ, chi phí đối với các dự án đầu tư mới của nhà đầu tư chiến lược hoặc đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn... Đặc biệt, đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng đang được đặt rất nhiều kỳ vọng.

TS. Nguyễn Đình Cung. Ảnh: Báo Đầu tư

Tôi là một trong số những người đã kiến nghị đưa Khu thương mại tự do như một thử nghiệm vào nước ta, thực hiện tại các địa phương là Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh. Chúng tôi xác định thử nghiệm này là một chiến lược của Trung ương, là cải cách đột phá về thể chế của Trung ương chứ không phải là “xin - cho” của chính quyền địa phương, như cách mà một số nước đã làm.

Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, Khu thương mại tự do phải là nơi hoàn toàn tự do, ở đó các hoạt động về sản xuất công nghiệp, thương mại không phải chịu bất cứ thủ tục hải quan, thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu với nước ngoài (nhưng với các vùng khác trong cùng lãnh thổ vẫn phải thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành); hàng hóa được tự do giao dịch ngoại tệ. Các Khu thương mại tự do đều gắn liền với cảng, và phải có quy mô đủ lớn mới thực sự tạo tác động.

Thực tế cho thấy, Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để thành lập Khu thương mại tự do, nhất là có Cảng Liên Chiểu. Song, để thực sự tạo tác động, Khu thương mại tự do Đà Nẵng phải đủ lớn, đủ tự do, đủ hấp dẫn để thu hút người ta vào.

Nếu được Quốc hội chấp thuận, Khu thương mại tự do Đà Nẵng có thể tiếp cận theo hướng chọn một số ngành vào đó, nếu ai đáp ứng điều kiện thì cho vào, chỉ cần thông báo cho phía thành phố. Còn việc miễn thủ tục hải quan, thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Quốc hội cần xem xét miễn thuế không chỉ cho doanh nghiệp mà cả thuế thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động trình độ chuyên môn cao, để thu hút được họ; chi tiết, cụ thể thì giao Chính phủ hoặc Thủ tướng quyết định. Khi có sự tự do như thế thì Đà Nẵng được hưởng lợi bằng những giá trị mà Khu thương mại tự do đó tạo ra, thu hút nhiều người đến với Đà Nẵng để sinh sống, làm việc, du lịch, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia, qua đó tạo ra thành phố dịch vụ tốt.

Về lâu dài, chúng ta cần có một khung khổ nền tảng để thành lập Khu thương mại tự do, phải thực sự tạo đột phá về thể chế với những chính sách vượt trội để có được những Khu thương mại tự do đúng nghĩa. Tôi tin, chúng ta có đủ trí tuệ, đủ nhân lực để thành lập khu này.

Hai việc cần làm để mở rộng không gian phát triển

Lập Khu thương mại tự do hay các chính sách đề xuất trong dự thảo Nghị quyết đều mang tính đặc thù, sẽ tạo thêm cơ hội cho Đà Nẵng phát triển. Song, muốn Đà Nẵng phát triển đột phá, trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ…; là cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24.01.2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quan trọng nhất là phải mở rộng không gian phát triển cho thành phố. Muốn vậy, cần làm hai việc sau.

Một là, Nhà nước cần phải ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho Đà Nẵng. Về đường bộ, ngoài việc xây dựng cao tốc nối Đà Nẵng với các tỉnh dọc ven biển, còn phải mở ra để kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, sang Lào, sang Thái Lan. Về đường biển, cần tập trung xây dựng cảng Liên Chiểu. Về đường hàng không, cần nâng cấp và mở rộng sân bay Đà Nẵng. Các công trình này buộc phải có đầu tư của Nhà nước. Chỉ khi thực hiện được các dự án đó mới tạo ra vị thế dẫn dắt của Đà Nẵng, các tỉnh xung quanh mới có vị thế bổ sung.

Hai là, hãy để Đà Nẵng được sử dụng nguồn thu ngân sách của mình trong một khoảng thời gian đủ dài, có thể là 10 năm không phải nộp về ngân sách Trung ương. Toàn bộ nguồn thu trong khoảng thời gian đó sẽ được giữ lại để đầu tư cho thành phố.

Hai việc này phải được làm song song mới thực sự mở rộng không gian phát triển cho Đà Nẵng.

Đan Thanh ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/lap-phap/quan-trong-nhat-la-phai-mo-r%E1%BB%99ng-khong-gian-phat-trien-i376641/