Quảng bá du lịch và văn học dân gian từ truyện tranh

Truyện tranh là thể loại văn học, giải trí phù hợp với nhiều lứa tuổi, nhất là trẻ em. Do vậy, việc chọn thể loại này để truyền tải các thông điệp gắn với quảng bá du lịch, bảo tồn văn học dân gian là một cách làm hay.

Buổi ra mắt sách “Sự tích Chư Đang Ya” do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức mới đây tại Thư viện tỉnh là một minh chứng.

Kiến giải thú vị về nguồn gốc các địa danh

Đông đảo độc giả và các em học sinh trên địa bàn tỉnh thích thú đến với buổi ra mắt tập sách để tìm hiểu thêm về cách lý giải tên của ngọn núi lửa triệu năm ở xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh), là một trong những điểm đến nổi tiếng của Gia Lai. Ban tổ chức rất chu đáo khi mời đến sự kiện một số học sinh ở Chư Đang Ya.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ (trái) giao lưu cùng bạn đọc tại buổi ra mắt sách “Sự tích Chư Đang Ya”. Ảnh: Lam Nguyên

Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ (trái) giao lưu cùng bạn đọc tại buổi ra mắt sách “Sự tích Chư Đang Ya”. Ảnh: Lam Nguyên

“Sự tích Chư Đang Ya” là truyện cổ dân gian Jrai do Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) sưu tầm, biên soạn trong khuôn khổ Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023.

Sách gồm 20 trang do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, được biên soạn song ngữ Việt-Jrai với tranh minh họa đẹp mắt về nội dung nguồn gốc tên gọi núi lửa Chư Đang Ya.

Tại buổi lễ, Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ đã có cuộc trò chuyện thú vị với các em học sinh nhằm giải đáp thắc mắc xung quanh tập truyện cổ.

Em Nguyễn Lê Tiến Đạt-học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Pleiku) đặt câu hỏi: “Trên bìa sách “Sự tích Chư Đang Ya”, ngoài tựa đề tiếng Việt và tiếng Jrai còn có thêm tựa đề bằng tiếng Anh. Không biết trong thời gian sắp tới, các cuốn sách về văn hóa Tây Nguyên có được dịch ra tiếng Anh để bạn bè quốc tế hiểu thêm không?”.

Một học sinh khác nêu thắc mắc: “Theo truyện tranh này thì Chư Đang Ya có nghĩa là “núi có nhiều cây gừng dại”. Vậy nó chỉ có trong truyền thuyết hay có thật? Con đi với ba mẹ đến lễ hội hoa dã quỳ ở Chư Đang Ya thì chỉ thấy quảng bá sản vật là khoai lang và củ dong riềng thôi”.

Có em mong muốn được biết trước và sau tác phẩm này còn có những tác phẩm nào khác để có thể tìm đọc.

Giải đáp những câu hỏi của các em, Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ cho biết, đây là truyện cổ dân gian thứ 4 được ông sưu tầm, biên soạn nhằm quảng bá về địa danh và văn hóa truyền thống của đồng bào Jrai, Bahnar. Trước đó là 3 cuốn: “Sự tích Kon Jrang”, “Huyền thoại Vua Lửa” và “Sự tích Kông Kah King”.

Ngoài việc có thêm nhan đề tiếng Anh trên bìa, sau mỗi tập sách đều có phần tóm tắt nội dung bằng tiếng Anh nhằm giúp du khách quốc tế khi đến Gia Lai có thể tìm thấy kiến giải lý thú về các địa danh.

“Hy vọng thời gian tới, sách được dịch toàn bộ sang tiếng Anh hoặc các cháu học sinh cũng có thể tự dịch để quảng bá thêm theo cách của mình”-ông Tuệ khuyến khích.

Đồng thời, ông cho biết: Sau “Sự tích Chư Đang Ya”, ông sẽ tiếp tục sưu tầm, biên soạn những tập truyện cổ dân gian khác về núi Hàm Rồng, Pleiku… Về câu chuyện củ gừng dại từng xuất hiện trong sự tích nhưng nay không còn thấy nữa, tác giả khẳng định việc vận động trồng thêm gừng tại Chư Đang Ya là một ý tưởng hay dành cho ngành du lịch.

Em A Nhâm (bìa trái, học sinh Trường Tiểu học và THCS Chư Đang Ya) thích thú tìm hiểu về sự tích núi lửa Chư Đang Ya. Ảnh: L.N

Em A Nhâm (bìa trái, học sinh Trường Tiểu học và THCS Chư Đang Ya) thích thú tìm hiểu về sự tích núi lửa Chư Đang Ya. Ảnh: L.N

Chăm chú đọc truyện và ngắm những bức tranh minh họa đẹp mắt trong tập sách, em A Nhâm-học sinh lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Chư Đang Ya (xã Chư Đang Ya) bày tỏ cảm xúc: “Truyện hay lắm, em rất thích. Trong phần biên dịch tiếng Jrai có một số từ em không hiểu nhưng vẫn nắm được nội dung. Em sẽ mang truyện này về cho các bạn cùng lớp và bạn bè làng Xóa đọc chung”.

Lý giải về đôi chỗ khó hiểu, bà Siu HNoan (Phòng Giáo dục trung học, Giáo dục chính trị và Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo), người biên dịch cuốn sách-cho hay: Tiếng Jrai ở mỗi vùng miền có những phương ngữ khác nhau. Khi biên dịch, chúng tôi chọn ngôn ngữ chuẩn là tiếng Jrai Chor (vùng Ayun Pa, Phú Thiện, Ia Pa, Chư Sê). Việc dân tộc Jrai ở một số vùng khác không hiểu toàn bộ nội dung là điều bình thường, quan trọng là hiểu được cốt truyện.

Phát triển du lịch, bảo tồn văn học dân gian

Phát biểu tại buổi ra mắt sách, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung đánh giá cao tâm huyết của Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ khi dành thời gian nghiên cứu, sưu tầm, mang đến cho người đọc những kiến giải thú vị về các địa danh nổi tiếng thông qua các sự tích, huyền thoại.

Với cách làm này, Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” đã được triển khai hiệu quả.

“Tới đây, Sở tiếp tục hỗ trợ ra mắt những truyện cổ dân gian khác về Pleiku, Hàm Rồng, Biển Hồ, Ia Ly… Qua các tác phẩm này, các em học sinh hiểu rõ hơn, hệ thống được quá trình sinh tồn, phát triển của cư dân Gia Lai, góp phần quảng bá vùng đất mình sinh sống đến bạn bè trong và ngoài tỉnh”-ông Nhung nói.

Dịp này, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch trao tặng sách cho thư viện các huyện, thị xã, thư viện các trường học trên địa bàn tỉnh và độc giả tham dự buổi ra mắt sách.

Bìa sách "Sự tích Chư Đang Ya". Ảnh: Lam Nguyên

Bìa sách "Sự tích Chư Đang Ya". Ảnh: Lam Nguyên

Ra mắt các tập truyện cổ dân gian là sự chung tay thực hiện mục tiêu Kế hoạch số 1251/KH-UBND của UBND tỉnh về “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030”, trong đó tập trung ở 2 dân tộc Bahnar và Jrai (chiếm gần 43% dân số toàn tỉnh).

Mục tiêu giai đoạn 1 (2023-2026) là phấn đấu sưu tầm, biên dịch, số hóa, xuất bản 15% tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số để phát huy, truyền dạy; in tái bản 50.000 cuốn/truyện tranh để chuyển giao cho thư viện các cấp, hệ thống trường học và các thiết chế văn hóa cơ sở. Ngoài ra, sẽ phục dựng, quay phim từ 1 đến 2 thể loại văn học dân gian của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một.

Trước đó, từ năm 2015, thực hiện đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị sử thi của người Bahnar ở Gia Lai qua hình thức truyện tranh”, nhà văn Thu Loan và nhóm thực hiện đề tài đã chuyển thể 6 sử thi Bahnar ở Gia Lai thành 10 truyện tranh với tranh vẽ sinh động, nội dung hấp dẫn.

Đặc biệt, tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ VII (năm học 2020-2021), Dự án “Đánh giá hiệu quả việc bảo tồn truyện cổ tích Jrai bằng truyện tranh cho học sinh tiểu học Jrai” do 2 học sinh Hà Kpă HHuyền và Hồ Thị Hồng Nhung (Trường THPT Pleime, huyện Chư Prông) thực hiện đã xuất sắc đạt giải nhất.

Đến nay, các em đã sưu tầm hơn 30 truyện cổ tích của đồng bào Jrai, chia thành 3 phần: cổ tích về các loài vật, cổ tích sinh hoạt và cổ tích thần kỳ.

Với cách tiếp cận gần gũi mà hấp dẫn từ truyện tranh, ngành du lịch Gia Lai có điều kiện bổ sung “câu chuyện du lịch” để thu hút du khách. Văn hóa và văn học dân gian còn vượt qua phạm vi các buôn làng để làm giàu thêm trí tưởng tượng của trẻ thơ, nhân lên lòng yêu mến dành cho vùng đất cao nguyên.

LAM NGUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/quang-ba-du-lich-va-van-hoc-dan-gian-tu-truyen-tranh-post260052.html