Quảng bá hình ảnh điểm đến thân thiện, nỗ lực vượt qua khủng hoảng
Hướng đi mới được nhiều địa phương có tiềm năng du lịch cũng như các doanh nghiệp lữ hành đồng loạt triển khai ngoài việc công bố các gói kích cầu, ký kết hợp tác còn có nhiều sản phẩm du lịch được thử nghiệm, nhiều tour tuyến mới được hình thành… Nhiều địa phương vốn xưa nay rụt rè quảng bá hình ảnh thì Covid-19 như một 'cú hích' để mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, quảng bá, làm mới mình và xác định du lịch như một hướng đi tiềm năng và bền vững.
Tích cực kích cầu, quảng bá hình ảnh
Ngày 3-11 vừa qua, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bắc Kạn chính thức được thành lập. Nói như lời Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình thì đây là tín hiệu vui cho du lịch Bắc Kạn để phát triển bài bản hơn. Cũng trong ngày ra mắt Hiệp hội, nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh cam kết giảm giá sản phẩm, dịch vụ từ 10-50%. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia về du lịch, Bắc Kạn hoàn toàn có đủ tiềm lực để vươn lên thành một điểm đến không thể bỏ qua trong vòng cung Đông Bắc. Dựa vào Vườn quốc gia Ba Bể, còn có thể hình thành nhiều tour du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao và ẩm thực, trải nghiệm văn hóa bản địa…
Ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, năm 2019, du lịch Bắc Kạn đón khoảng 500.000 lượt khách. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên lượng khách chỉ bằng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Với sự nỗ lực của các ngành, các cấp và khống chế thành công dịch bệnh, những tháng cuối năm 2020, du lịch Bắc Kạn cũng đã có những tín hiệu vui, nhiều đoàn khách lẻ đã chọn Bắc Kạn là điểm dừng chân và trải nghiệm.
Hồ Ba Bể có diện tích khoảng 500ha, trải dài hơn 8km, chỗ rộng nhất khoảng 2km. Để khám phá trọn vẹn di tích đặc biệt này, du khách phải mất 5 ngày trải nghiệm. Chính vì thế, trọng điểm phát triển trong thời gian tới mà ngành du lịch tỉnh Bắc Kạn muốn hướng tới là “giữ chân” du khách lưu trú càng lâu càng tốt. Cũng phải nói thêm rằng, trong vòng vài năm trở lại đây, các dịch vụ lưu trú tại Bắc Kạn phát triển nhanh đặc biệt là hệ thống homestay. Nguyễn Tuấn Linh - Giám đốc Công ty Du lịch MrLinh's Adventures là một trong những người tiên phong phát triển loại hình homestay ở Ba Bể cho biết, trước đây công ty MrLinh's Adventures chủ yếu đón khách nước ngoài và các tour thiên về trải nghiệm thiên nhiên và mạo hiểm. Sau dịch bệnh, công ty buộc phải có thêm nhiều hướng đi mới để tồn tại, mở tour đón khách trong nước, giảm giá homestay đến 30%, Nguyễn Tuấn Linh hy vọng Ba Bể sẽ trở thành điểm dừng chân hấp dẫn trong vòng cung Đông Bắc. Những tour leo núi, trekking của MrLinh's Adventures trước chỉ hấp dẫn khách nước ngoài thì nay được giới thiệu đến với đông đảo khách Việt và ít nhiều cũng trở thành những tour mới, lạ thu hút sự quan tâm của dân “xê dịch”. Không chỉ dừng lại ở việc hạ giá tour, nâng cao chất lượng dịch vụ hay là quảng bá hình ảnh của một nơi đẹp như tranh thủy mặc, những doanh nghiệp như MrLinh's Adventures còn đóng vai trò là cầu nối đưa các mặt hàng nông sản của Bắc Kạn đến với các thị trường tiềm năng như Hà Nội và các thành phố lớn. Đây được xem như sự chuyển hướng thông minh, vừa đảm bảo duy trì hoạt động du lịch trong bối cảnh khó khăn đồng thời góp phần tích cực hỗ trợ bà con miền núi tiêu thụ nông sản địa phương, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Đắk Nông - tour mạo hiểm khám phá hang động núi lửa
Đăk Nông, vốn xưa nay không được “chấm sao” trên bản đồ du lịch, trả lời câu hỏi của PV ANTĐ về nguồn thu từ du lịch hàng năm của Đắk Nông chiếm bao nhiêu % GDP, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nói vui là: “Có lẽ xin phép không nói ra con số cụ thể, sợ làm nản lòng các nhà đầu tư”. Nói như thế nhưng không có nghĩa là Đắk Nông không có cơ hội phát triển du lịch. Xét ở một góc độ nào đó, Đắk Nông có nhiều phần giống Bắc Kạn (tất nhiên du lịch Bắc Kạn đã đi trước nhiều năm), nghĩa là tiềm năng thì nhiều, song đều ở dạng hoang sơ cần thúc đẩy khai thác và khai thác thế nào để phát triển du lịch hiệu quả mà vẫn bảo tồn nguyên vẹn được thiên nhiên và môi trường. “Có bột mới gột nên hồ”, Đắk Nông đang sở hữu một công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận. Hệ thống hang động núi lửa giữ được nguyên nét hoang sơ. Cảnh sắc thiên nhiên thì hùng vĩ với thác Đray Sáp, Gia Long, thác Lụa, Lưu Ly, Bảy tầng; các vườn quốc gia Tà Đùng, Nam Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung với hệ sinh thái rừng đa dạng, hệ động thực vật rừng bao gồm nhiều gene quý hiếm, đặc hữu, nhiều ốc đảo lớn, nhỏ, đa dạng động thục vật. Cùng với đó là giá trị độc đáo của địa chất, địa mạo gắn với việc hình thành hệ thống hang động (100 hang), những mỏ đá saphia, quặng alumin, wolfram… mang sắc thái riêng được hình thành bởi sự phun trào của núi lửa cách đây 3,5 triệu năm cũng là những đặc điểm riêng biệt của hệ thống công viên địa chất.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chia sẻ thêm, cùng với các sản phẩm du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, địa phương này còn có tiềm năng lớn về du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng (homestay)… Với 70% dân số làm nông nghiệp, cùng với nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của 40 dân tộc anh em, du lịch chính là phương cách để xóa đói, giảm nghèo.
Ninh Bình nỗ lực khéo khách trở lại
Là một trong những trung tâm du lịch lớn ở phía Bắc, Ninh Bình được biết đến với một loạt các di tích, di sản đặc biệt quan trọng. Để phục hồi du lịch địa phương, mới đây, Ninh Bình cũng đã đưa ra một loạt các tour tuyến mới. Tháng 6-2020, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã mở thêm tour Khám phá Tràng An bằng kayak nhằm tạo sức hấp dẫn mới cho một sản phẩm truyền thống. Mới đây nhất còn có tour Bái Đính đêm. Trong khoảng 1 giờ đồng hồ, du khách sẽ được thăm điện Tam Thế, lễ Phật, nghe giảng Phật pháp, hướng dẫn thiền định và tham quan tháp Báo Thiên - ngôi bảo tháp cao nhất Đông Nam Á. Từ tầng 13 của ngôi bảo tháp, du khách sẽ được ngắm toàn cảnh chùa Bái Đính về đêm. Kết thúc hành trình, du khách sẽ có những phút giây thư giãn, thưởng trà và nghe thiền ca tại quán cà phê Chuông Gió trên đỉnh núi Đính. Ngoài hai sản phẩm trên, Ninh Bình còn đưa ra các sản phẩm mới như: Dịch vụ Helitour - ngắm cảnh Tràng An từ trực thăng, khai thác phố đi bộ và chợ đêm tại thành phố Ninh Bình...
Thời gian tới, Doanh nghiệp Xuân Trường sẽ tiếp tục đồng hành với Ninh Bình để xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa mang tính bản địa, đáng chú ý có tour về cội nguồn, tìm hiểu phong tục tập quán của người Việt cổ cách đây 3.000 năm thông qua các dấu vết khảo cổ học; hay tour trekking (đi bộ) vùng lõi di sản Tràng An, thăm khu rừng vối và những hang núi đá nguyên sinh. Đây sẽ là tour chọn lọc đối tượng khách, mỗi ngày chỉ đón khoảng 1.000 người để không làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên môi trường.
Cùng với đó, Ninh Bình cũng đang nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các tuyến tham quan như: Tuyến đường nối rừng Cúc Phương đến biển Kim Sơn, tuyến du lịch trên sông từ thành phố Ninh Bình - Tràng An kết nối đến các điểm du lịch… nhằm đa dạng hóa sản phẩm và kích cầu du lịch hậu dịch Covid-19.