Quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại các cửa hàng 'Tự hào hàng Việt Nam'
Các ngành chức năng của tỉnh Hà Giang đã tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc thù của tỉnh tại các cửa hàng 'Tự hào hàng Việt Nam'.
Hà Giang là tỉnh có nhiều thuận lợi trong phát triển du lịch, giàu tiềm năng và tài nguyên văn hóa, trong đó ẩm thực địa phương là một thế mạnh cần được phát huy.
Sự đa dạng về văn hóa dân tộc và được thiên nhiên ưu đãi về sản vật giúp cho Hà Giang có nhiều mặt hàng đặc sản và quà tặng chinh phục được người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, Hà Giang đã triển khai đồng bộ công tác quảng bá nhằm đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của địa phương, sản phẩm OCOP theo hướng bền vững. Có thể dễ dàng nhận thấy, tại các điểm du lịch của tỉnh đều có những gian hàng, quầy hàng quảng bá các sản phẩm thế mạnh, mang đậm dấu ấn của đất và người nơi cao nguyên đá.
Đại diện UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Trong những năm qua, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác triển khai tổ chức các điểm trưng bày, quảng bá và bán các sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh tại thành phố Hà Giang và các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và khách du lịch.
Các ngành chức năng của Hà Giang cũng đã tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP đặc thù của tỉnh tại các cửa hàng "Tự hào hàng Việt Nam", các điểm trưng bày sản phẩm của Liên minh Hợp tác xã, Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến công thương và các điểm đưa đón khách du lịch tại các huyện, thành phố trong tỉnh…
Đặc biệt, tỉnh cũng tập trung đầu tư cho các sản phẩm nằm trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, từ tháng 3/2018 đến tháng 7/2023, tỉnh Hà Giang đã tiến hành đánh giá, phân loại được 282 sản phẩm OCOP; trong đó có 235 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao và 45 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh. Đặc biệt, Hà Giang có 02 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp Quốc gia là Trà xanh hộp 100 gam và Hồng trà hộp 100 gam của HTX chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì.
Cùng với đó, có thể kể đến một số sản phẩm OCOP đặc thù của Hà Giang hấp dẫn đối với khách du lịch và người tiêu dùng như: Mật ong bạc hà tại 4 huyện cao nguyên đá là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ; cam sành tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên; thịt Bò khô huyện Đồng Văn, Chè Shan tuyết và Shan tuyết cổ thụ tại các huyện vùng cao; các sản phẩm cây dược liệu, Lợn đen Lũng Pù huyện Mèo Vạc, Hồng không hạt Quản Bạ, Gà xương đen tại 4 huyện cao nguyên đá, gạo Khẩu Mang huyện Đồng Văn…
Sản phẩm có bao bì mẫu mã đẹp, hiện đại
Cùng với phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng của sản phẩm, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh công tác quảng bá, thông tin tuyên truyền, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm OCOP. Qua đó, đã góp phần kết nối, thu hút các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang cũng tiến hành đánh giá tiềm năng của các thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.
Nhằm nâng cao hiệu quả của công tác xúc tiến, quảng bá, kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP, trong những năm qua, công tác thông tin tuyên truyền và quảng bá các sản phẩm OCOP đã được các cơ quan chức năng của Hà Giang thường xuyên cập nhật thông tin về sản phẩm như: xuất xứ của sản phẩm, chất lượng, giá cả, thị trường tiêu thụ… trên các phương tiện thông tin đại chúng.
"Các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh Hà Giang, được thiết kế với bao bì mẫu mã đẹp, hiện đại giúp những du khách như chúng tôi không chỉ có cơ hội dùng sản phẩm tốt, mà còn hiểu thêm về những nét đẹp văn hóa, truyền thống của bà con các dân tộc và đặc biệt là thêm yêu, thêm tự hào về các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam", chị Nguyễn Thanh Hương (Hà Nội) cho biết.