Quảng bá vẻ đẹp vùng đất A Lưới qua nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc
Bảo tàng Mỹ thuật Huế hiện đang tổ chức Triển lãm 'Nét đẹp A Lưới qua nghệ thuật ký họa'. Trong khuôn khổ triển lãm, các hoạt động văn hóa đặc sắc đã góp phần giới thiệu, quảng bá về mảnh đất, con người huyện vùng cao này của tỉnh Thừa Thiên Huế đến với công chúng.
Nằm ở dải đất hẹp của miền Trung Việt Nam, Thừa Thiên Huế là mảnh đất có bề dày lịch sử và văn hóa; là nơi hội tụ và giao thoa nhiều nền văn hóa khác nhau từ tôn giáo - tín ngưỡng, kiến trúc, mỹ thuật, ẩm thực, trang phục, nếp sống,.. với cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp và hữu tình.
Huế tự hào đã và đang gìn giữ một "gia tài" di sản văn hóa tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam, trong đó có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể với nhiều công trình kiến trúc; công trình văn hóa, di tích lịch sử... và hàng trăm lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa Huế.
A Lưới là một huyện miền núi biên giới thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây, nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích hào hùng và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như: dãy rừng nguyên sinh, thác A Nôr, suối Đăq Pling, Suối Pâr le, địa đạo Động So, đồi A Biah, đường Hồ Chí Minh huyền thoại...
Với các kiểu kiến trúc nhà cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số như nhà Moong (nhà sàn dài) của người Pa Cô, nhà Rông của người Tà Ôi, nhà Gươl của người Cơ Tu. Đây là vùng đất hội tụ những sắc màu văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc anh em Pa Cô, Tà Ôi, Pa Hy, Cơ Tu…
Bảo tàng Mỹ thuật Huế cho hay, trong xu hướng đô thị hóa hiện nay, những di sản văn hóa này đang dần bị lãng quên hoặc có thể bị phá bỏ, vì vậy cần phải được bảo tồn và gìn giữ. Do đó, nhằm góp phần bảo tồn, giữ gìn và quảng bá giá trị di sản văn hóa Huế nói chung; mảnh đất và con người A Lưới nói riêng đến công chúng trong nước và bạn bè quốc tế qua góc nhìn của mỹ thuật tạo hình, đơn vị này đã tổ chức Chương trình ký họa về di sản Cố đô Huế với chủ đề "Hành trình ký họa Nét đẹp văn hóa truyền thống A Lưới". Hoạt động thu hút sự tham gia của gần 50 thành viên đến từ Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội và các họa sĩ Huế.
Bằng tài năng, nhiệt huyết và tình yêu đối với mảnh đất và con người A Lưới, các thành viên đã hăng say sáng tác gần 200 tác phẩm ký họa có chất lượng với nhiều bút pháp và nội dung phong phú về mảnh đất và con người A Lưới. Những nét đẹp văn hóa truyền thống của A Lưới đã được các nghệ sĩ, họa sĩ đưa vào trong tác phẩm của mình và đã góp phần tái hiện nên bức tranh văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc về kiến trúc, phong tục tập quán, sinh hoạt hằng ngày của đồng bào nơi đây.
Các tác phẩm sáng tác có chất lượng đã được Bảo tàng Mỹ thuật Huế lựa chọn để tổ chức trưng bày triển lãm "Nét đẹp A Lưới qua nghệ thuật Ký họa". Qua đó, góp phần giữ gìn giá trị di sản văn hóa Huế, quảng bá và tôn vinh các giá trị đến du khách trong nước và bạn bè quốc tế.
Trong khuôn khổ triển lãm, Bảo tàng Mỹ thuật Huế phối hợp với UBND huyện A Lưới đã tổ chức hoạt động trưng bày giới thiệu và quảng diễn nghề dệt Dèng. Phối hợp với NTK Viết Bảo tổ chức trưng bày và trình diễn áo dài có sự kết hợp, sử dụng nền tranh của một số tác phẩm ký họa về A Lưới và ứng dụng vải thổ cẩm Dèng A Lưới; Trình diễn bộ sưu tập thời trang hiện đại ứng dụng vải thổ cẩm Dèng A Lưới. Hoạt động nhằm góp phần bảo tồn, quảng bá tôn vinh và phát triển nghề dệt Dèng A Lưới của đồng bào dân tộc Tà Ôi - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cũng như tà Áo dài Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách.
"Dù có mặt ở Huế, nhưng tôi không có điều kiện để đến tham quan trực tiếp tại huyện vùng cao như A Lưới. Triển lãm và các hoạt động liên quan được tổ chức ngay tại TP Huế dịp này đã cho tôi cơ hội tìm hiểu về mảnh đất và con người ở A Lưới. Biết thêm nhiều nét đặc sắc về văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây", Anh Nguyễn Hải (du khách Hà Nội) chia sẻ.
Được biết, trong những năm gần đây, dệt Dèng A Lưới đã được giới thiệu rộng rãi đến công chúng và du khách trong ngoài nước qua các kỳ Festival Nghề truyền thống Huế, các kỳ hội chợ, triển lãm. Đặc biệt, vải thổ cẩm Dèng của A Lưới được trình diễn trên sân khấu thời trang và vươn xa ra các nước trên thế giới qua các bộ sưu tập của các nhà thiết kế thời trang.
Dệt Dèng cũng đã trở thành nguyên liệu cho các sản phẩm thời trang như giày, túi xách, ví, mũ nón... thổ cẩm, tạo nên sự đa dạng và đặc sắc trong sự ứng dụng; qua đó thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghề dệt Dèng; góp phần gìn giữ và tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Triển lãm "Nét đẹp A Lưới qua nghệ thuật ký họa" và các hoạt động liên quan sẽ mở cửa cho du khách vào tham quan miễn phí tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị (số 17 Lê Lợi, TP Huế) đến hết ngày 20/7/2023.