Quảng Bình: Hơn 180 tỷ đồng đầu tư xây dựng Nông thôn mới trong năm 2022
Dự kiến, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là hơn 180 tỷ đồng từ vốn ngân sách, vốn tín dụng và vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp, nông dân.
Ông Dương Đức Phố - Chủ tịch UBND xã Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy) chia sẻ, sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, địa phương tranh thủ nguồn lực cấp trên, huy động các doanh nghiệp, nhân dân đầu tư cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng trên địa bàn theo hướng hiện đại. Diện mạo nông thôn Xuân Thủy ngày càng khởi sắc.
Đời sống người dân từng bước đi vào ổn định, khá giả nhờ kết hợp chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ... Địa phương đang huy động nguồn lực xây dựng đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
Cùng đó, ông Hà Xuân Hưng - Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh) khẳng định, xây dựng Nông thôn mới cần liên tục, có điểm xuất phát nhưng không có điểm dừng. Đạt chuẩn Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao là tiền đề, làm cơ sở xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, hướng đến nông thôn văn minh.
Từ đầu năm nay, xã Hàm Ninh huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, hoàn thành các tuyến đường với chiều dài trên 7.600m, ngân sách huyện đã chi 3,8 tỷ đồng, để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, phấn đấu xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian không xa.
Ông Mai Văn Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, các Ban, ngành đã tổ chức thẩm định và xét công nhận bốn xã Thái Thủy (huyện Lệ Thủy); Sơn Lộc (huyện Bố Trạch); Quảng Đông (huyện Quảng Trạch); Đồng Hóa (huyện Tuyên Hóa) đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021, trình UBND tỉnh công nhận tại Quyết định số 728/QĐ-UBND.
Tỉnh cũng đang ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách Trung ương đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới tại các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch); Cảnh Hóa, Quảng Thạch (huyện Quảng Trạch); Cao Quảng (huyện Tuyên Hóa); Yên Hóa, Tân Hóa (huyện Minh Hóa), đảm bảo có ít nhất năm xã đạt chuẩn Nông thôn mới cuối năm 2022.
Đồng thời, huy động, lồng ghép nguồn vốn từ ngân sách địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư cho các xã phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, đảm bảo có ít nhất 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm nay.
Các xã đang xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu gồm: Lương Ninh (huyện Quảng Ninh), Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy), Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới).
Để đảm bảo mục tiêu đề ra, kế hoạch năm 2022, từ nguồn ngân sách Trung ương phân bổ cho các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hơn 167 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng hơn 12 tỷ đồng.
UBND tỉnh giao các Sở, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương, chủ đầu tư triển khai phân bổ vốn và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định; các huyện, thị xã, thành phố trình HĐND huyện, thị xã, thành phố thông qua về phân bổ chi tiết danh mục công trình, dự án cho các đơn vị, địa phương trực thuộc, theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng.
Ngoài ra, tỉnh cùng các ban ngành tăng cường huy động, lồng ghép nguồn vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư cho các xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, nhưng còn thiếu một số tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt theo kết quả rà soát, đánh giá theo Quyết định số 318/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí Quốc gia về xã Nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tập trung đầu tư các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, trường học, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.