Quảng Hòa tập trung phát triển cây rau màu
Những ngày này, trên những cánh đồng, vườn rau xanh mướt trải dài, nông dân huyện Quảng Hòa tích cực bám đồng ruộng chăm sóc các loại rau màu. Không khí sản xuất náo nức, tươi vui hiện hữu trên từng cánh đồng su hào, bắp cải, các loại đậu, đỗ, cà chua, khoai tây..., góp phần đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, từng bước nâng cao đời sống cho nông dân.
Tận dụng nguồn đất đai màu mỡ, người dân xác định “không để đất nghỉ”, tranh thủ thời gian, thời tiết thuận lợi xen canh, gối vụ trồng các loại rau, củ, quả ngắn ngày có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ như: cà chua, cải bắp, su hào, súp lơ xanh, rau gia vị... Bên cạnh canh tác theo phương thức truyền thống, nhiều hộ nông dân áp dụng các mô hình trồng rau sạch theo hướng VietGAP an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Theo người dân, rau vụ đông dễ trồng, nhanh phát triển, thời gian trồng đến thu hoạch khoảng 35 - 40 ngày, mang lại thu nhập cao.
Là địa phương có truyền thống sản xuất vụ đông, người dân xã Quảng Hưng chủ động đưa các loại rau màu có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, từng bước nâng cao đời sống cho bà con. Chủ tịch UBND xã Quảng Hưng Lương Thị Ngọc cho biết: Để phát triển vùng rau màu, xã chỉ đạo, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, lựa chọn cây trồng phù hợp với thời vụ, thổ nhưỡng. Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc hóa học, sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, khuyến khích người dân đầu tư xây dựng hệ thống tưới nước tự động… để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Hiện nay, diện tích trồng rau của xã 23,1 ha, tập trung tại các xóm: Đầu Cầu 1, Đầu Cầu 2, Bản Làng. Từ trồng rau, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Rau màu được xác định là cây vụ đông chủ lực, ngoài việc cung cấp thực phẩm hằng ngày cho người dân, còn được bán ra thị trường đem lại hiệu quả kinh tế. Vừa nhanh tay thu hoạch những cây bắp cải cuộn chắc, cắt bỏ những lá gốc già, chị Bế Thị Thương, xóm Đầu Cầu 1 chia sẻ: Năm nay gia đình tôi trồng hơn 2.000 m2 rau màu các loại như: su hào, bắp cải, khoai tây, súp lơ… Hiện, giá bán cà chua 10 - 15 nghìn đồng/kg, bắp cải 10 nghìn đồng/kg… Trừ chi phí sản xuất, gia đình tôi thu về trên 20 triệu đồng, cao hơn 2 - 3 lần so với cây trồng khác.

Nông dân xã Quảng Hưng (Quảng Hòa) chăm sóc rau màu vụ đông.
Tại cánh đồng xã Phúc Sen, không khí làm việc rất sôi động, rộn ràng. Với mục tiêu không cho đất nghỉ, nông dân vừa thu hoạch, vừa tiến hành chăm sóc các loại cây trồng xen canh để đảm bảo gối vụ liên tục. Điều đáng mừng đối với bà con là thị trường tiêu thụ và giá bán các loại rau, củ, quả khá ổn định, cao hơn hẳn so với vụ đông năm 2024. Theo chị Nông Thị Quý, xóm Khào, xã Phúc Sen, gia đình tôi trồng hơn 2.000 m2 cà chua, bắp cải, củ cải và khoai lang. Riêng khoai lang mỗi vụ thu hoạch trên 6 tấn củ, bán ra thị trường với giá từ 7 - 15 nghìn đồng/kg, trừ hết chi phí đầu tư thu nhập trên 40 triệu đồng.
Vụ đông năm nay, huyện trồng 810 ha cây trồng các loại, trong đó, 10 ha khoai tây, năng suất ước đạt 115 tạ/ha, sản lượng ước đạt 115 tấn; 350 ha rau các loại, năng suất ước đạt 120 tạ/ha, sản lượng ước đạt 4.200 tấn; 70 ha ngô sinh khối, năng suất ước đạt 300 tạ/ha, sản lượng ước đạt 2.100 tấn; 250 ha thuốc lá, năng suất ước đạt 25 tạ/ha, sản lượng ước đạt 625 tấn... Triển khai mô hình trồng khoai tây vụ đông gắn với thị trường liên kết tiêu thụ sản phẩm, quy mô 6,5 ha với 55 hộ dân xã Phi Hải tham gia, kinh phí thực hiện mô hình hơn 430 triệu đồng.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quang Hòa Đàm Đình Đạo khẳng định: Với mục tiêu nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác, huyện chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh việc đa dạng hóa cây trồng, đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; liên kết với các doanh nghiệp sản xuất và bao tiêu sản phẩm, nhất là các loại cây rau màu giá trị nhằm tăng giá trị kinh tế trong sản xuất và thu nhập cho nông dân. Tiếp tục quy hoạch vùng chuyên canh cho từng loại cây trồng, mô hình, dự án; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện các mô hình trồng rau, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tạo ra các loại nông sản sạch phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương và mở rộng thị trường.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/quang-hoa-tap-trung-phat-trien-cay-rau-mau-3175465.html