Quảng Nam: Chính quyền chậm giải quyết quyền lợi cho người dân, đường Văn Thị Thừa vẫn bị chắn lối
Sau gần một năm đường Văn Thị Thừa (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) vẫn bị người dân dùng các vật dụng chắn ngang làm các phương tiện lưu thông qua lại gặp trở ngại.
Mở lối đi ‘né’ vị trí bị rào chắn
Trước đó, Tạp chí Giao thông vận tải phản ánh về việc đường Văn Thị Thừa (thị trấn Nam Phước) bị người dân dùng cành cây, thép B40 rào chắn tại hai vị trí trên tuyến khiến các phương tiện không thể lưu thông qua lại.
Nguyên nhân khiến người dân chặn đường Văn Thị Thừa là do chính quyền huyện Duy Xuyên chưa giải quyết thỏa đáng, chậm đền bù diện tích đất đã thu hồi của hai hộ ông Trần Văn Thu (53 tuổi) và ông Nguyễn Ngọc Xinh (69 tuổi, trú khối Phước Xuyên) để xây dựng tuyến đường vào năm 2019.
Ghi nhận của PV sáng 8/1, trên tuyến đường Văn Thị Thừa còn bị người dân rào chắn tại một vị trí, nằm ngay giữa ngã tư. Các vật dụng như cành cây, thép B40, dây đã hư hỏng, hoen rỉ do lâu ngày. Bên cạnh có một lối đi mà người dân tự mở nhằm ‘thông’ vị trí bị rào chắn.
Một người dân ở khối phố Phước Xuyên bức xúc cho hay, tuyến đường Văn Thị Thừa hoàn thành và đưa vào sử dụng đã lâu mà giờ bị chắn ngang không thể đi lại khiến người dân địa phương ai cũng ngán ngẩm. “Chính quyền nên xem xét, sớm giải quyết các vướng mắc để mở lại tuyến đường, chứ không thể để con đường bị chặn mãi như thế này được”, người dân nói.
Ông Nguyễn Ngọc Xinh (hộ dân chặn đường) cho biết, gia đình có 350 m2 (180 m2 đất ở, 170 m2 đất vườn) bị ảnh hưởng nằm trong tuyến đường. Khi có dự án làm đường, gia đình đã tự nguyện hiến 170 m2 đất, cây cối và đồng ý phương án đất đổi đất cho 180 m2 đất của chính quyền. Thế nhưng, gần 4 năm trôi qua 180m2 đất của ông vẫn chưa được đền bù, giải quyết.
Ông Xinh cũng nhiều lần làm việc với chính quyền, tuy nhiên qua kiểm tra UBND huyện nhận thấy phương án đổi đất là không không đúng theo quy định nên ra quyết định hủy toàn bộ nội dung cam kết đền bù trước đó. Thay vào đó bằng phương án bồi thường tiền theo giá nhà nước hơn 1 triệu đồng/m2. Thế nhưng do giá đền bù quá thấp nên gia đình ông Xinh không chấp nhận.
“Mới đây huyện có thông báo việc nâng giá đền bù đất từ 1 triệu đồng lên 2 triệu đồng. Những đến nay gia đình vẫn chưa nhận được tiền đền bù từ địa phương. Do người dân quá bức xúc nên con trai trong nhà đã mở một lối đi sát bên đường Văn Thị Thừa để bà con đi lại”, ông Xinh nói.
Khi nào đường được mở lại?
Từ tháng 2/2023 đến nay, gia đình ông Trần Văn Thu đã dùng lưới sắt, cành cây, dây rào chắn ngang đường Văn Thị Thừa, ngăn xe qua lại. Giữa hàng rào gắn biển ghi "Đất chưa đền bù, mong bà con vui lòng đi đường khác". Gia đình ông Thu cũng có 700 m2 đất ở bị thu hồi do nằm trong dự án, huyện Duy Xuyên cũng cam kết đất đổi đất, sau 6 tháng sẽ bàn giao đất tuy nhiên không thực hiện và đưa ra phương án đền bù khác.
Ông Thu cho biết, vào giữa tháng 12/2023 huyện lên phương án bồi thường cho gia đình 200 m2 đất tái định cư, còn 500 m2 sẽ được đền bù với mức giá 2 triệu đồng/m2. "Gia đình cũng đã đồng ý với phương án của huyện, tuy nhiên khi nào chúng tôi nhận được tiền thì mới tháo gỡ rào chắn trên đường Văn Thị Thừa”, ông Thu nói.
Ông Văn Bá Thanh, Chủ tịch thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên cho biết, dự án đường Văn Thị Thừa được khởi công vào đầu năm 2019 với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ đồng, đến cuối năm thì hoàn thành đưa vào sử dụng.
Đường Văn Thị Thừa nối QL14H với đường Chu Văn An, thị trấn Nam Phước. Tuyến đường dài gần 1 km, rộng 11 m, chia hai làn xe, mỗi ngày có rất nhiều xe máy, ôtô lưu thông qua tuyến đường này.
Theo ông Thanh, trước đó trong quá trình làm công tác GPMB ông Nguyễn Văn Hưng, Phó chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước ký cam kết hỗ trợ, đền bù đất bị ảnh hưởng của hai hộ gia đình ông Xinh và ông Thu theo phương án đất đổi đất. Tuy nhiên sau khi xem xét thì phương nào mà thị trấn đã cam kết không phù hợp nên không thể giải quyết những quyền mà người dân đưa ra.
Ông Nguyễn Thế Đức, Phó chủ tịch huyện Duy Xuyên cho biết, khi triển khai dự án huyện giao cho UBND thị trấn Nam Phước thực hiện công tác GPMB, vận động nhân dân hiến đất làm đường. Tuy nhiên việc hoán đổi đất là trái quy định. Sau khi rà soát, huyện đã hủy các quyết định trước đây và đưa ra phương án mới.
“Hiện đã có phương án đền bù, hai hộ dân cũng đã đồng thuận. Dự kiến trước ngày 15/1 chúng tôi sẽ ra quyết định thu hồi đất và chi trả số tiền đền bù cho ông Thu và ông Xinh, đưa tuyến đường Văn Thị Thừa trở lại hoạt động bình thường”, ông Đức nói.