Quảng Nam: Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

Tỉnh Quảng Nam yêu cầu triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa quy trình, thủ tục để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 24.000 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023). Hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 4 có dấu hiệu khởi sắc hơn so với những tháng trước đó khi ngành dệt may, sản xuất trang phục đã có nhiều đơn đặt hàng mới. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2024 ước tính tăng 4% so với tháng trước và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 35,7%).

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn những khó khăn, đó là nguồn thu ngân sách từ thủy điện, bia rượu giảm; tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi; tỷ lệ giải ngân cao hơn cùng kỳ nhưng thấp với cả nước. Ngoài ra, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước, cùng với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao, điều này cho thấy hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn…

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp.

Trước tình hình đó, mới đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Nam; các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Nam tăng cường vai trò quản lý nhà nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, người dân, doanh nghiệp trong hoạt động ngân hàng, nhất là hoạt động tín dụng và các dịch vụ thanh toán. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung tháo gỡ khó khăn trong hoạt động phục vụ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dưới các hình thức phù hợp, đặc biệt là các vấn đề vốn cho sản xuất kinh doanh; tập trung ngăn chặn nạn tín dụng đen...

Công an tỉnh Quảng Nam có nhiệm vụ chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; rà soát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để kịp thời có các giải pháp tháo gỡ.

Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đẩy mạnh cho vay các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước một cách thuận lợi, nhanh chóng để phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống ở khu vực nông thôn, các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận và vay vốn của doanh nghiệp, người dân đảm bảo đúng quy định.

Hạ Vĩ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-nam-day-manh-thao-go-kho-khan-cho-san-xuat-kinh-doanh-319947.html