Quảng Nam: Ghi nhận thêm nhiều trường hợp ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng tại Hội An
Tính đến chiều 13/9, tổng số trường hợp bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng tại Hội An (tỉnh Quảng Nam) là hơn 50 người, trong đó có 23 người nước ngoài.
Chiều 13/9, ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, theo thống kê mới nhất, có trên 50 người bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng tại Hội An.
“Tổng số bệnh nhân trên 50 người, đa số bệnh nhân ổn định. Trong số này có 23 người nước ngoài. Các bệnh viện đang tiếp tục theo dõi bệnh nhân, cùng với đó, rà soát, khám sàng lọc và tiếp nhận bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời”, ông Mười thông tin.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam, sự việc xảy ra vào sáng ngày 11/9 khi một số người dân và du khách có ăn bánh mì mua tại Hộ kinh doanh Bánh mì Phượng (số 2B Phan Châu Trinh, phường Minh An, thành phố Hội An).
Đến 11 giờ cùng ngày, một số người có biểu hiện sốt cao, nôn mửa, đau bụng, đi phân lỏng nhiều lần và kéo dài. Sau đó các bệnh nhân đã đến Trung tâm y tế Hội An, Bệnh viện Đa Khoa Thái Bình Dương, phòng khám Khang Cường (Hội An); Bệnh viện Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn) để nhập viện, điều trị.
Theo ghi nhận, trong ngày 11/9, cơ sở Bánh mì Phượng Hội An bán tổng cộng 1.920 ổ bánh mì, ngày 12/9 bán tổng cộng 1.700 ổ.
Thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc: bánh mì (pa tê, thịt xíu gồm thịt và nước, xíu mại, rau răm, rau húng, hành, xà lách, sốt trứng gà tươi (trứng gà + dầu ăn), dưa leo, đu đủ chua, chả heo).
Đoàn điều tra, giám sát và xử lý ngộ độc thực phẩm Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam đề nghị cơ sở tạm dừng hoạt động chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống tại hộ kinh doanh Bánh mì Phượng đến khi có kết luận vụ ngộ độc thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền. Đề nghị cơ sở tích cực phối hợp với cơ quan y tế, cơ quan liên quan khác trong việc thực hiện các biện pháp cứu chữa người bị ngộ độc thực phẩm và cung cấp các mẫu lưu, các mẫu liên quan để xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, đề nghị cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong kinh doanh dịch vụ ăn uống (bán bánh mì) và phối hợp trong việc điều tra, xử lý sự cố về an toàn thực phẩm.
Đoàn điều tra, giám sát và xử lý ngộ độc thực phẩm đã tiến hành lấy mẫu lưu của cơ sở và mẫu có liên quan để gửi kiểm nghiệm. Khi có kết quả đoàn điều tra sẽ kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Được biết, thành phố Hội An cũng đã yêu cầu cơ sở này ngừng hoạt động trong ngày 13/9 để cơ quan chức năng đến kiểm tra.