Quảng Nam khuyến cáo tiêu hủy cá ủ chua để tránh bị ngộ độc
Sở Y tế Quảng Nam khuyến cáo người dân trên địa bàn thực hiện việc sử dụng thực phẩm an toàn, không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua; đề nghị bà con tiêu hủy cá ủ chua nếu chưa sử dụng.
Sở Y tế Quảng Nam vừa có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố; Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam; Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn nhằm tăng cường biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam Mai Văn Mười cho biết, trước nguy cơ tiềm ẩn tiếp tục sẽ xảy ra các vụ ngộ độc khi người dân có thói quen sử dụng thức ăn truyền thống như thực phẩm lên men (cá chép ủ chua), Sở Y tế đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là vùng núi cao, tăng cường thông tin, truyền thông, giáo dục về kiến thức an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không đảm bảo an toàn thực phẩm trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm.
Ông Mười cũng khuyến cáo người dân trên địa bàn thực hiện việc sử dụng thực phẩm an toàn, không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua; đề nghị bà con tiêu hủy cá ủ chua nếu còn tại gia đình; không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng...; cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương như món cá chép làm chua.
Theo ông Mười, món cá chép ủ chua do bị nhiễm vi khuẩn clostridium botulinum nên đã gây ra ngộ độc thực phẩm đối với các trường hợp bị ngộ độc ở vụ vừa qua. Vi khuẩn clostridium botulinum tồn tại nhiều ở môi trường và có thể lẫn trong nhiều loại nguyên liệu thực phẩm. Đây là nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm, trước đây hay gặp ngộ độc thịt hộp, tuy nhiên các thực phẩm khác như rau, củ, quả, thịt, hải sản… nếu được sản xuất chế biến và bảo quản không đúng cách đều có thể gây ngộ độc độc tố clostridium botulinum.
Ngoài ra, tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng; không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ; không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc; không ăn nấm đã bị dập nát, hư hỏng…
Sở Y tế cũng đề nghị Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn tiếp tục rà soát các trường hợp liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm để phát hiện sớm, tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời, trường hợp có diễn biến nặng phải chuyển lên tuyến trên để điều trị kịp thời. Cần phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh và các đơn vị chức năng xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc để công khai kết quả kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Những vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra tại Quảng Nam đều ở các vùng sâu vùng xa; tại một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều phong tục, tập quán truyền thống trong chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm.