Quảng Nam tháo gỡ xung đột giữa gia súc thả rông và đàn voi trong khu bảo tồn
Nhiều năm qua, việc chăn thả gia súc (trâu, bò) trong Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam (nằm trên địa bàn 2 xã Quế Lâm, Phước Ninh thuộc huyện Nông Sơn; sau đây gọi tắt là KBT) gây tác động xấu tới hệ sinh thái rừng, môi trường sống của động vật hoang dã, làm ô nhiễm nguồn nước, suy giảm đa dạng sinh học và tác động xấu đối với sức khỏe cộng đồng. Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng đang tìm giải pháp giải quyết việc chăn thả gia súc trong KBT, hướng tới sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Ông Mai Văn Dưỡng - Giám đốc Ban Quản lý KBT cho biết, sau ngày đất nước giải phóng, nhiều hộ dân ở Quế Sơn lên khu vực này để làm kinh tế mới. Đến giai đoạn sau này (từ năm 2000 đến 2004), Nhà nước có chủ trương di dời những hộ dân ra khỏi vùng lõi KBT. Dù nhà dân đã được di dời ra bên ngoài, tuy nhiên người dân vẫn duy trì việc chăn thả gia súc trong KBT nhiều năm qua. Đến nay, có 70 hộ gia đình tại xã Phước Ninh và Quế Lâm (huyện Nông Sơn) đang chăn thả khoảng 1.000 con gia súc trong lâm phận KBT.
Việc chăn thả gia súc trái phép trong KBT gây tác động xấu tới hệ sinh thái rừng, môi trường sống của động vật hoang dã, làm ô nhiễm nguồn nước, suy giảm đa dạng sinh học và tạo tác động xấu đối với sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, Ban quản lý KBT muốn triển khai trồng các loại thực vật để tạo nguồn thức ăn dồi dào cho đàn voi, hoặc xây dựng các hồ muối khoáng cho voi uống… cũng không được, do gia súc quá nhiều nên chúng phá hoại.“Chăn nuôi gia súc được coi là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình tại đây, nên không thể cấm họ không nuôi. Nhưng họ chăn thả trong KBT thì dẫn đến nhiều hệ lụy. Qua các lần làm việc, người dân cơ bản thống nhất đưa gia súc ra khỏi KBT. Tuy nhiên ngoài lâm phận KBT thì không có điểm chăn thả tập trung quy mô lớn. Nhiều hộ đàn gia súc cả trăm con, nếu đưa ra thì không biết để đàn gia súc chăn thả ở đâu?”- ông Dưỡng cho hay.
Để “giải bài toán” trên, mới đây Hội đồng Quản lý đa ngành (MSMC) huyện Nông Sơn đã tổ chức Diễn đàn đối thoại lần thứ hai với chủ đề “Chăn thả gia súc trong Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi Quảng Nam - Các giải pháp giải quyết thực trạng chăn thả gia súc trong KBT, hướng tới sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển”. Đây là hoạt động được hỗ trợ kỹ thuật bởi Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Diễn đàn đối thoại hướng tới việc làm rõ những mâu thuẫn và xung đột giữa tình trạng chăn thả gia súc của các hộ gia đình tại xã Phước Ninh, Quế Lâm trong lâm phận KBT với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; đối thoại đa phương nhằm tìm ra tiếng nói chung, sự đồng thuận, hợp tác toàn diện để giải quyết những mâu thuẫn và xung đột. Cùng đó, thảo luận giải pháp hỗ trợ bền vững cho nhóm cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng trong vùng đệm KBT, đề ra lộ trình thực hiện và vai trò tham gia của các bên có liên quan.
Qua đối thoại, các hộ cam kết thời gian tới sẽ không tăng đàn gia súc, đồng thời mỗi năm sẽ giảm đàn 10%. Những hộ có số lượng gia súc nhỏ lẻ dưới 10 con có đất làm chuồng, trồng cỏ sẽ đưa ra khỏi lâm phận KBT. Phòng Nông nghiệp và Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn sẽ hỗ trợ làm chuồng trại, kỹ thuật trồng cỏ và dịch vụ thú y cho các hộ di dời này. Đối với các hộ hiện đang chăn thả trong khu vực rừng trồng, cho phép làm chuồng tạm tại vị trí giáp ranh được chỉ định bởi KBT để thu gom hết đàn trâu bò và di dời sang nơi khác, vị trí chăn thả mới. Bên cạnh đó, Ban Quản lý KBT có trách nhiệm chủ trì phối hợp cùng hạt Kiểm Lâm huyện, các xã Phước Ninh, Quế Lâm, các ban ngành có liên quan khác lên phương án thực hiện với tiến độ cụ thể…
“Diễn đàn đối thoại vừa qua là cơ hội để chúng tôi đặt mình vào vị trí của các hộ gia đình sống phụ thuộc vào rừng, từ đó có cái nhìn đa chiều hơn về công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Đây được coi là bước đệm để chúng tôi tạo ra các giải pháp mang tính bền vững không chỉ hỗ trợ sinh kế cho bà con sống phụ thuộc vào rừng mà còn góp phần thực hiện sứ mệnh lớn lao - sứ mệnh bảo tồn đa dạng sinh học”, ông Nguyễn Chí Tùng – Phó chủ tịch UBND huyện Nông Sơn chia sẻ.