Quảng Nam yêu cầu thanh tra rà soát các dự án chậm tiến độ kéo dài
Quảng Nam yêu cầu thanh tra rà soát các dự án chậm tiến độ kéo dài nhưng chủ đầu tư chậm thực hiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án để xử lý theo quy định.
Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Nam Hưng về việc xử lý vướng mắc thủ tục đầu tư một số dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, ông Hưng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Thanh tra Sở rà soát các dự án chậm tiến độ kéo dài nhưng chủ đầu tư chậm thực hiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án để xử lý theo quy định trước khi đề nghị UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án; trong đó, làm việc cụ thể với các sở, ngành, đơn vị liên quan để xác định nếu do lỗi của chủ đầu tư thì xử phạt theo quy định; trường hợp do lỗi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì lập biên bản, báo cáo UBND tỉnh xem xét điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án; đồng thời, rà soát các dự án đã đề xuất điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án nhưng có vướng mắc về việc nợ thuế kéo dài trước đây hoặc một số vướng mắc khác chưa được giải quyết thì kiểm tra, đánh giá, tham mưu lại UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo.
Về phân kỳ tiến độ thực hiện dự án, ông Hưng kết luận, về cơ bản là thực hiện tuân thủ chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 7413/UBND-KTN ngày 30/9/2024 của UBND tỉnh. Riêng đối với một vài trường hợp cụ thể không thể đảm bảo toàn bộ quỹ đất tái định cư theo quy hoạch chi tiết được duyệt nằm ở phân kỳ 1 để phục vụ bố trí tái định cư khi giải phóng mặt bằng phân kỳ 2 thì làm việc cụ thể với chủ đầu tư, địa phương nơi có dự án để có cam kết đảm bảo điều kiện bố trí tái định cư khi giải phóng mặt bằng phân kỳ 2 (như điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết đất ở khai thác sang đất ở tái định cư ở phân kỳ 1 để bố trí tái định cư hoặc bố trí tái định cư tại khu vực khác phù hợp).
Điển hình như Dự án Khu đô thị Phúc Viên tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc cụ thể với chủ đầu tư, các sở, ngành liên quan và UBND thị xã Điện Bàn để phân kỳ giai đoạn 1 trước toàn bộ quỹ đất tái định cư (không có đất ở khai thác) để phục vụ bố trí tái định cư; phần còn lại chia làm 2 kỳ, trong đó phân kỳ 2 phải có đảm bảo đủ quỹ đất tái định cư để phục vụ giải phóng mặt bằng phần còn lại của dự án (phân kỳ 3).
Đồng thời, việc phân kỳ theo quy hoạch chi tiết được duyệt đảm bảo liền kề nhau, kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với hạ tầng chung của khu vực, đảm bảo các hạ tầng thiết yếu phục vụ người dân làm nhà, sinh sống; có thể chưa xem xét đến việc đảm bảo tỷ lệ cơ cấu sử dụng đất theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, nhưng phải yêu cầu địa phương, chủ đầu tư cam kết giải phóng được mặt bằng để tiếp tục triển khai thực hiện hoàn thành toàn bộ dự án.
Trường hợp không thể hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án thì phải có phương án điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo tỷ lệ cơ cấu sử dụng đất của dự án theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, sớm kết thúc dự án, nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng.
Đối với các dự án mà chủ đầu tư có đề xuất điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết để phù hợp với định hướng phát triển mới trong giai đoạn hiện nay hoặc để phát huy hiệu quả sử dụng đất, chủ đầu tư thực hiện thủ tục rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, lập hồ sơ, thủ tục đề xuất, gửi UBND cấp huyện để kiểm tra, rà soát, đánh giá sự phù hợp với quy hoạch có liên quan, đáp ứng các chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài dự án.
Trường hợp đồng ý, UBND cấp huyện có văn bản gửi Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh xem xét, thống nhất chủ trương để thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết, làm căn cứ thực hiện thủ tục điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và điều chỉnh các pháp lý khác có liên quan (nếu có) theo đúng quy định; trường hợp không đồng ý, UBND cấp huyện có văn bản trả lời cho chủ đầu tư để tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.
Về ký quỹ thực hiện dự án, ông Hưng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện theo đúng quy định hiện hành của pháp luật và chỉ đạo của UBND tỉnh tại khoản 4 Công văn số 7413/UBND-KTN ngày 30/9/2024; trường hợp doanh nghiệp không chấp hành, xem xét, tham mưu UBND tỉnh thu hồi dự án.
Về lập dự toán, hợp đồng với đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể phục vụ công tác bồi thường, ông Hưng đề nghị các địa phương thực hiện việc lập dự toán thực hiện nhiệm vụ thẩm định giá đất cụ thể theo đúng qui định tại điểm a, khoản 1, Điều 6 của Thông tư số 136/2017/TT-BTC ngày 22/12/2017 của Bộ Tài chính quy định về lập, quản lý, sử dụng kinh phí chi hoạt động kinh tế đối với các nhiệm vụ chi về tài nguyên môi trường, cụ thể là “chi phí thực hiện nhiệm vụ, dự án chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá: dự toán lập căn cứ vào nội dung công việc, khối lượng cần thực hiện, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và được cấp có thể quyền phê duyệt”; đồng thời, vận dụng các định mức cũ tại Thông tư số 20/2015/TT-BTNMT ngày 27/4/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường để tham khảo đối với các nội dung công việc có quy trình kỹ thuật tương đồng với quy định tại Nghị định số 71/2024/NĐ-CP ngày 27/6/2024 của Chính phủ quy định về giá đất.
Đối với các dự án thực hiện khắc phục theo Kế hoạch số 1892/KHUBND ngày 19/3/2024 của UBND tỉnh, cho phép Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận hồ sơ, thủ tục đề nghị của nhà đầu tư về giải quyết các tồn tại, vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện dự án tại bộ phận văn thư Sở (không thực hiện quy trình thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công) để kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết. Đối với các hồ sơ đã tham mưu UBND tỉnh giải quyết nhưng chưa được kết thúc quy trình thủ tục hành chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc trực tiếp với Trung tâm Phục vụ hành chính công để xử lý, kết thúc quy trình.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đôn đốc các địa phương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục và thẩm định, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 để kịp thời thực hiện các thủ tục về đất đai theo quy định; đồng thời có trách nhiệm phối hợp, theo dõi, hướng dẫn các địa phương trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và giải quyết các vướng mắc, phát sinh liên quan đến thủ tục về đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xác định giá đất cụ thể phục vụ công tác bồi thường… theo đúng quy định.
Đối với việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, theo yêu cầu của ông Hưng, các dự án đã hoàn thành, nghiệm thu, đưa vào sử dụng và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, không có vướng mắc trong việc xác định giá đất trước đây thì giải quyết cấp 100% Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ lẻ) theo quy định; các dự án đã hoàn thành, nghiệm thu, đưa vào sử dụng, đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính trước đây nhưng có vướng mắc trong việc xác định giá đất thì giải quyết cấp 100% Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ lẻ) sau khi chủ đầu tư đã khắc phục xong về nghĩa vụ tài chính; đối với các dự án có phân kỳ tiến độ thực hiện dự án thì thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ lẻ) theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn 7413/UBND-KTN ngày 30/11/2024.