Quảng Ngãi, 50 năm ngày trở về

Trong lòng mỗi cựu chiến binh (CCB) Lữ đoàn 52 (Đoàn Ba Tơ), ai cũng xúc động và hồi hộp chờ đợi đến ngày được trở về quê hương Quảng Ngãi, nơi mà cách đây 50 năm đơn vị đã từng sống, chiến đấu, góp phần giải phóng Quảng Ngãi, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cựu chiến binh Lữ đoàn 52 về thăm Di tích lịch sử chiến thắng Đá Bàn (Ba Tơ). Ảnh: TRẦN VĂN LŨY

Cựu chiến binh Lữ đoàn 52 về thăm Di tích lịch sử chiến thắng Đá Bàn (Ba Tơ). Ảnh: TRẦN VĂN LŨY

Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, vậy mà chúng tôi ai cũng háo hức mang ba lô lên đường vào thăm Quảng Ngãi, dự Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng huyện Minh Long (17/8/1974- 17/8/2024). Suốt chặng đường dài từ miền Bắc vào Quảng ngãi, trên xe luôn rộn rã tiếng cười nói, những mẩu chuyện về từng trận đánh, mỗi người một mũi tiến công, mỗi người một nhiệm vụ, cứ vậy chúng tôi say sưa kể lại cho nhau nghe. Rôm rả nhất là khi kể về trận đánh chi khu quân sự huyện Minh Long. Lữ đoàn 52 được giao nhiệm vụ cùng E576 pháo binh kết hợp với lực lượng vũ trang Quân khu 5 và bộ đội địa phương, dân quân du kích tấn công chi khu quân sự huyện Minh Long. Lúc đó, Đoàn Ba Tơ vừa hoàn thành nhiệm vụ giải phóng toàn bộ Phú Lâm Đông, Phú Lâm Tây (Nghĩa Hành) và hệ thống núi đồi chạy dọc theo tả ngạn sông Vệ, trên trục đường tỉnh lỵ từ Quảng Ngãi đi Minh Long ngược về phía tây. Những cuộc chiến vô cùng khốc liệt giành từng tấc đất với Quân đoàn 1 ngụy, tổn thất rất lớn về nhân lực.

Tiểu đoàn 9 được giao nhiệm vụ chốt giữ dãy núi Đình Cương, Bàn Cờ, nơi án ngữ trục tỉnh lộ từ Quảng Ngãi đi Minh Long. Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8 về hậu cứ ở Ba Tơ gấp rút tập luyện đánh địch trong công sự kiên cố, có hàng rào bảo vệ và trinh sát địa hình, nắm tình hình địch tại Chi khu quân sự Minh Long để lập phương án chiến đấu. Tiếng là 2 tiểu đoàn của Lữ đoàn 52 nhưng thực chiến có 2 đại đội, gồm Đại đội 1 của Tiểu đoàn 7 và Đại đội 7 của Tiểu đoàn 8 trực tiếp tấn công địch. Ngày 16/8/1974, khi hành quân vào vị trí chuẩn bị chờ đến ban đêm để tiếp cận trận địa, Tiểu đoàn bị máy bay A-37 thả bom, pháo bắn vào đội hình. Rạng sáng ngày 17/8/1974, gần vào đến vị trí tiếp cận căn cứ Minh Long, Đại đội 7 chúng tôi lại bị đánh bom. Được pháo binh của E576, Lữ đoàn 52 và lực lượng chi viện của địa phương yểm trợ, Đại đội 7 phá toang 8 hàng rào kẽm gai và xông lên chiếm lĩnh điểm cao, góp phần giải phóng Minh Long.

Đoàn Cựu chiến binh Lữ đoàn 52 tặng tranh lưu niệm cho Báo Quảng Ngãi . Ảnh: Ý THU

Đoàn Cựu chiến binh Lữ đoàn 52 tặng tranh lưu niệm cho Báo Quảng Ngãi . Ảnh: Ý THU

Khi vừa đến TP.Quảng Ngãi, đoàn chúng tôi được Ban Biên tập Báo Quảng Ngãi tiếp đón chân tình. Chúng tôi cảm thấy ấm lòng như những người thân thương trở về quê hương sau mấy chục năm xa cách. Ban Biên tập Báo Quảng Ngãi đã cử phóng viên đi cùng đoàn đến những địa danh nơi chúng tôi từng chiến đấu. Về Minh Long, Ban Chỉ huy Quân sự huyện cử người đón chúng tôi ngay địa bàn giáp ranh với huyện Nghĩa Hành. Chúng tôi vô cùng xúc động trước tình cảm trân quý của những đồng chí, những người anh em, của cán bộ và nhân dân huyện Minh Long. Minh Long hôm nay bạt ngàn màu xanh của núi rừng, màu xanh của hy vọng, màu xanh của ấm no. Đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây ngày càng nâng cao. Đường sá rộng mở, nhà cửa khang trang. Chúng tôi rất vui trước sự đổi thay, phát triển của quê hương Minh Long.

Tạm biệt Minh Long, chúng tôi về thăm Ba Tơ, là nơi Lữ đoàn 52 chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, giữ dân, giữ đất chống địch lấn chiếm. Ba Tơ là hậu cứ của Lữ đoàn 52, sau mỗi trận đánh, chúng tôi lại quay về nơi này để củng cố lực lượng và huấn luyện... Vào ngày 19 và 20/9/1974, Lữ đoàn 52 và E576 chúng tôi phối hợp với lực lượng vũ trang Quân khu 5 tấn công và giải phóng chi khu quân sự Giá Vực, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ Tiểu đoàn Biệt động biên phòng của địch. Huyện Ba Tơ hoàn toàn giải phóng. Gương chiến đấu anh dũng, hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ đã tô thắm thêm truyền thống của Lữ đoàn 52 và Trung đoàn 576.

Rời Ba Tơ, chúng tôi trở về núi Thị, xã Đức Lân (Mộ Đức). Tại đây, ngày 18/5/1974 và ngày 10/6/1974 đã diễn ra 2 trận chiến không cân sức, đơn vị chúng tôi bị tổn thất nặng nề, toàn bộ trung đội đón lõng (trung đội luồn phía sau để đánh địch) hy sinh không trở về. Cùng đi với chúng tôi về thăm chiến trường xưa có chị Nguyễn Thị Hoa, em gái của liệt sĩ Nguyễn Như Nam. Anh Nam hy sinh tại địa điểm này, đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt.

Cựu chiến binh Lữ đoàn 52 viếng mộ đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hành Thiện (Nghĩa Hành). Ảnh: BÁ SƠN

Cựu chiến binh Lữ đoàn 52 viếng mộ đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hành Thiện (Nghĩa Hành). Ảnh: BÁ SƠN

Về Quảng Ngãi, chúng tôi bồi hồi nhớ lại những năm tháng gắn bó với mảnh đất này, gắn bó với bao kỷ niệm gian khổ, hy sinh trong những năm tháng Lữ đoàn 52 và E576 đã tham gia chiến đấu, gắn liền với những chiến công.

Tạm biệt quê hương Quảng Ngãi trung dũng, kiên cường, nơi đã gắn bó máu thịt của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 52 trong những năm chiến đấu kiên cường. Biết bao nhiêu đồng đội đã nằm xuống nơi đây để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Quảng Ngãi đã đùm bọc, che chở, nhường cơm, sẻ muối, giúp đỡ bộ đội giải phóng trong những năm tháng kháng chiến. Quảng Ngãi luôn trong trái tim, nỗi nhớ của mỗi CCB Đoàn Ba Tơ. Chúng tôi vẫn mong một ngày sẽ lại được trở về Quảng Ngãi.

TRẦN VĂN LŨY

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202409/quang-ngai-50-nam-ngay-tro-ve-96a1a56/