Quảng Ngãi: Khá giả nhờ các mô hình du lịch nông nghiệp
Các mô hình vườn hoa, cây ăn trái kết hợp du lịch cộng đồng đã nâng cao giá trị sản phẩm giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân vùng nông thôn tỉnh Quảng Ngãi.
Trồng hoa gắn với phát triển du lịch
Nắm bắt xu hướng du khách thường tìm đến những nơi có phong cảnh đẹp vào những ngày lễ, cuối tuần để nghỉ ngơi, thư giãn, người dân xã Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng hoa phục vụ du lịch.
Ông Đặng Văn Minh, thôn Bình Đông, xã Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi chia biết, trước đây, gia đình chỉ trồng khoảng 1.000 chậu hoa bán dịp Tết. Từ năm ngoái đến nay, khi thấy du khách đến tham quan làng hoa ngày một nhiều, ông đã trồng thêm 600 chậu hoa đồng tiền để phục vụ thưởng lãm và bán cho du khách.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Vân, người dân xã Nghĩa Hà cho hay, hơn một năm nay chị đã chuyển diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa cúc. Bình quân mỗi sào đất chị trồng khoảng 15.000 cây hoa cúc. Sau hơn 2 tháng trồng và chăm sóc, chị Vân thu được khoảng 18 - 22 triệu đồng lợi nhuận.
Ông Trần Ngọc Xôn, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi thông tin, từ nguồn vốn 730 triệu đồng Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, địa phương đã xây dựng thuyết minh dự án chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoa Nghĩa Hà với 37 hộ, diện tích 3,1 ha. Dự án sẽ trợ giống, vật tư phân bón cho hộ dân trong làng hoa Nghĩa Hà; kết nối tiêu thụ sản phẩm hoa cho người dân. Đây là hướng đi mới nhằm mở rộng vùng hoa chuyên canh xã Nghĩa Hà.
Hình thành được vùng trồng hoa, xã Nghĩa Hà trở thành địa chỉ du lịch mới, thu hút sự quan tâm của du khách khắp nơi. Từ đầu năm đến nay, xã đã đón hơn 200 đoàn từ các trường học trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm tại vườn rau, vườn hoa, bước đầu tăng thêm thu nhập cho người dân.
Để hỗ trợ người dân phát triển vùng trồng hoa theo hướng bền vững, năm 2022, TP. Quảng Ngãi đầu tư 4 tỷ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật làng hoa Nghĩa Hà, trên diện tích 10 ha; hỗ trợ mô hình nhà lồng để trồng các giống hoa có giá trị kinh tế cao; đường giao thông đi lại thuận tiện cho người dân sản xuất và vận chuyển hoa.
Trong giai đoạn 2023 - 2030, TP. Quảng Ngãi định hướng phát triển làng hoa gắn với du lịch cộng đồng nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, cải tạo môi trường sinh thái, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Làng hoa sẽ trở thành nơi tham quan, học tập và điểm du lịch trải nghiệm cho nhiều người.
Phát triển du lịch cộng đồng
Tại Quảng Ngãi, một mô hình du lịch cộng đồng khác đang phát huy hiệu quả là HTX Nông nghiệp - Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành với 15 thành viên liên kết với 200 hộ dân trong thôn. HTX xây dựng mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lịch cộng đồng, mở ra cơ hội cho người dân cải thiện thu nhập và phát triển kinh tế.
Từ năm 2022 đến nay, gia đình ông Nguyễn Tấn Thảo (thôn Bình Thành, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành) được chính quyền hỗ trợ giống cây ăn quả, phân, thuốc và hỗ trợ kỹ thuật trồng theo hướng hữu cơ. Đồng thời còn được hỗ trợ gìn giữ, phát triển nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm hơn 20 năm nay của gia đình.
Với diện tích hơn 7 sào, ông Thảo trồng dâu xen với cây ăn quả, hàng tháng thu hoạch 2 lần, mỗi lần 40 - 45 kg kén tằm, với giá 180 đồng/kg. Trừ chi phí, gia đình ông thu về trên 8 triệu đồng/tháng.
Ông Võ Văn Hoàng ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân chia sẻ, ông được địa phương tạo điều kiện vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội 70 triệu đồng để trồng cây ăn quả. Với diện tích hơn 1 ha, ông trồng cam, quýt, bưởi, mít và mở rộng trồng dâu nuôi tằm. Thu nhập từ cây ăn quả hàng năm của gia đình khoảng 50 triệu đồng, nghề trồng dâu nuôi tằm 100 triệu đồng.
"Mỗi đoàn khách đến tham quan vườn trái cây HTX Nông nghiệp - Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành trả cho chủ vườn 500.000 đồng. Từ khi phát triển du lịch cộng đồng, đời sống người dân địa phương đã đổi thay đổi tốt hơn. Từ kết quả đạt được, bà con chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng cây ăn trái cùng các dịch vụ đi kèm để đáp ứng nhu cầu của du khách", ông Võ Văn Hoàng phấn khởi.
Ông Huỳnh Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành cho biết, từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, địa phương được hỗ trợ thực hiện mô hình trồng cây ăn quả với diện tích 2 ha.
Cùng với đó toàn xã hiện có 128 ha trồng cây ăn quả các loại như bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm… Đây là điều kiện để phát triển vùng chuyên canh trồng cây ăn quả, đồng thời phát triển du lịch cộng đồng.
Ngoài ra, địa phương còn hỗ trợ người dân gìn giữ 7,8 ha trồng dâu để nuôi tằm, vừa tạo việc làm cho người dân vừa phục vụ phát triển du lịch làng nghề.
Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hành, ông Đỗ Văn Kha thông tin, đơn vị đã phối hợp với địa phương ưu tiên nguồn vốn cho các hộ có mô hình trồng cây kết hợp du lịch cộng đồng. Hiện nay, dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm ở xã Hành Nhân là trên 6 tỷ đồng với hơn 150 hộ vay. Hầu hết các hộ vay điều sử dụng đúng mục đích và đem lại hiệu quả.
Tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt đề án phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có nội dung phát triển du lịch cộng đồng. Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư, khai thác, phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế. Đối với du lịch nông nghiệp, nông thôn, sẽ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn tham gia làm du lịch, kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch theo mô hình OCOP. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo mô hình homestay, mô hình du lịch miệt vườn, du lịch gắn với nghề nông nghiệp.