Quảng Ninh bứt phá trong hành trình chuyển đổi số toàn diện

Với định hướng phát triển đồng bộ trên cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, Quảng Ninh đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền tảng số bền vững, hướng tới tăng trưởng kinh tế dài hạn và nâng cao chất lượng sống của người dân.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế số

Theo thống kê, tỷ trọng kinh tế số của tỉnh Quảng Ninh năm 2024 đạt 7,1% GRDP. Dù còn khiêm tốn, nhưng cho thấy xu hướng phát triển bền vững. Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao trong xuất khẩu đạt 33,13%, đóng góp lớn vào cơ cấu kinh tế địa phương.

Giai đoạn 2024-2026, tỉnh triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, tập trung vào sản xuất, thương mại, kế toán, nhân sự... Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được khuyến khích thử nghiệm mô hình mới theo cơ chế sandbox linh hoạt. Từ đó hình thành các chuỗi cung ứng thông minh, mô hình sản xuất - kinh doanh số hóa, thích ứng với nền kinh tế mới.

Tính đến hết quý I/2025, 100% hộ dân trên toàn tỉnh Quảng Ninh đã được phủ sóng Internet băng rộng. Hạ tầng số đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi để chính quyền số phát triển. Cổng dịch vụ công tỉnh tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia, cho phép người dân thực hiện thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi. 100% cơ quan nhà nước sử dụng hệ thống xử lý văn bản điện tử và thực hiện quy trình “một cửa liên thông” trên nền tảng số.

Hạ tầng số của tỉnh Quảng Ninh đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi để chính quyền số phát triển. Ảnh T.D

Hạ tầng số của tỉnh Quảng Ninh đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi để chính quyền số phát triển. Ảnh T.D

Trong giai đoạn 2025-2030, tỉnh Quảng Ninh dự kiến đầu tư hơn 125 tỷ đồng cho 14 dự án chuyển đổi số, tập trung vào nâng cấp hạ tầng công nghệ, phát triển trung tâm dữ liệu điện toán đám mây, đào tạo nguồn nhân lực số và hoàn thiện hệ sinh thái dữ liệu mở. Ngành du lịch sẽ đi đầu trong triển khai ứng dụng dữ liệu lớn, AI, tự động hóa trong marketing và chăm sóc khách hàng.

Trên nền tảng dữ liệu dùng chung, tỉnh đẩy mạnh chia sẻ thông tin liên ngành, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu lớn (Big Data), phục vụ điều hành chính sách, tối ưu hóa năng lực quản lý nhà nước.

Ngoài ra, phong trào “Bình dân học vụ số” lan tỏa khắp các địa phương với hàng ngàn người dân được hướng dẫn kỹ năng sử dụng ứng dụng VNeID, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán số. Các lớp học cộng đồng, hoạt động truyền thông lưu động giúp rút ngắn khoảng cách số giữa các nhóm dân cư, nhất là người cao tuổi và cư dân vùng sâu, vùng xa.

Du lịch số - bệ phóng mới cho ngành kinh tế mũi nhọn

Với mục tiêu trở thành trung tâm du lịch quốc tế vào năm 2030, chuyển đổi số đã và đang trở thành đòn bẩy quan trọng trong chiến lược phát triển ngành du lịch Quảng Ninh. Theo Kế hoạch số 214/KH-UBND, tỉnh lấy trải nghiệm và sự hài lòng của du khách làm trung tâm cho mọi hành động chuyển đổi số.

Hơn 200 điểm di tích đã được số hóa, tích hợp mã QR song ngữ giúp du khách dễ dàng tra cứu thông tin. Các điểm đến trọng yếu như Vịnh Hạ Long, Yên Tử được trang bị hệ thống vé điện tử, camera giám sát, thuyết minh tự động, bản đồ số tương tác và ứng dụng di sản 3D. Bảo tàng Quảng Ninh tiên phong xây dựng "bảo tàng ảo", thuyết minh đa ngôn ngữ và vé tham quan bằng mã QR, mở ra trải nghiệm không gian văn hóa số tiện lợi, hiện đại.

Các doanh nghiệp lưu trú, lữ hành nhanh chóng nắm bắt xu hướng khi áp dụng AI chatbot, hệ thống quản lý khách sạn số, thanh toán không tiền mặt và đặt phòng tự động. Một số đơn vị còn đưa công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) vào sản phẩm, giúp khách hàng "du lịch thử" trước khi mua dịch vụ.

Du khách check-in qua điện thoại tại đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh T.D

Du khách check-in qua điện thoại tại đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh T.D

Đáng chú ý, nhờ chuyển đổi số, các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã giảm được từ 20-30% chi phí vận hành, đồng thời tăng mức độ hài lòng của khách hàng nhờ sự thuận tiện và minh bạch trong giao dịch. Tăng trưởng doanh thu từ khách du lịch sử dụng nền tảng số tăng trung bình 15% mỗi năm.

Từ đầu năm 2025, ngành du lịch cũng triển khai số hóa toàn diện các di tích lịch sử, văn hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung phục vụ quảng bá di sản qua nền tảng E-magazine, bản đồ di sản số, video 3D và ứng dụng du lịch thông minh. Thông tin song ngữ được chuẩn hóa, gắn mã QR, tích hợp trên các app di động và nền tảng du lịch địa phương.

Tỉnh cũng vận động các doanh nghiệp tích cực tham gia sàn thương mại điện tử, khai thác mạng xã hội và nền tảng booking toàn cầu để tiếp cận khách hàng quốc tế, thúc đẩy thanh toán số, nâng cao hiệu quả quảng bá.

Theo ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh cho biết: tỉnh Quảng Ninh phấn đấu 100% cơ quan nhà nước đạt chính quyền điện tử mức độ cao, đồng nghĩa với việc hệ thống xử lý văn bản điện tử, một cửa điện tử, cổng dịch vụ công được khai thác, sử dụng triệt để. Về kinh tế số, tiếp tục đẩy mạnh mô hình KCN, KKT thông minh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển dịch vụ số.

Tiếp tục khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, mở rộng hợp tác quốc tế về công nghệ. "Trong giai đoạn mới, tỉnh sẽ mở rộng hỗ trợ cho các ngành kinh tế chủ lực ứng dụng công nghệ cao, như thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, du lịch số (xây dựng thêm cổng thông tin du lịch thông minh, ứng dụng VR, AR) và duy trì công nghiệp chế biến thế mạnh" - ông Tiến chia sẻ.

Chuyển đổi số tại Quảng Ninh không chỉ là một chương trình hành động mà đã trở thành xu thế phát triển tất yếu, được thúc đẩy bởi chiến lược rõ ràng, nguồn lực mạnh mẽ và sự đồng thuận từ mọi tầng lớp xã hội. Với nỗ lực liên tục, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch - một ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Ninh đang chứng minh rằng, công nghệ số chính là chìa khóa để bứt phá và dẫn đầu trong thời đại kinh tế số.

Tỉnh phấn đấu đến 2030, 100% điểm đến du lịch được tích hợp công nghệ số; 100% doanh nghiệp kinh doanh du lịch có hoạt động số hóa trong quản lý, vận hành hoặc tiếp thị. Cùng với đó là xây dựng trung tâm điều phối du lịch thông minh cấp tỉnh, kết nối dữ liệu theo thời gian thực giữa các điểm đến, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Tiến Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quang-ninh-but-pha-trong-hanh-trinh-chuyen-doi-so-toan-dien-176442.html