Quảng Ninh: Cần sớm làm rõ nhóm 'người lạ' phá xưởng chế biến sứa của ngư dân
Dù đang là cao điểm của mùa vụ đánh bắt, thu mua và chế biến sứa biển, nhưng ở xã đảo Minh Châu thuộc huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) khung cảnh tan hoang, hiu hắt… bởi xưởng sứa của các hộ dân nơi đây bị nhóm đối tượng lạ phá tan hoang nhiều tháng nay vẫn chưa được cơ quan chức năng làm rõ?
Nhóm 'đối tượng lạ' ra đảo phá xưởng sứa của người dân
Phản ánh từ người dân, suốt hơn 5 tháng qua, mọi hoạt động của xưởng chế biến sứa gần hàng chục nghìn m2 của gia đình ông Hoàng Văn Thặm trú tại thôn Tân Lập, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn thuê đất Bãi Triều để xây dựng Xưởng chế biến thủy sản tại xã Minh Châu phải dừng hoạt động.
Theo ông Vũ Văn Quang, người trông coi xưởng cho biết, nguồn cơn xuất phát từ việc ngày 5/12/2023, giữa ban ngày, một đoàn người lạ mặt bất ngờ tới, phá dỡ nhiều hạng mục tài sản, đuổi hết công nhân lao động xưởng sứa.
“Sáng 5/12, sau khi nhóm người lạ đến đe dọa, hàng chục nhân công sợ chạy hết lên rừng. Ở dưới xưởng, họ cứ đập uỳnh uỳnh. Lúc sau xuống, họ đã phá hết, thiệt hại về tài sản từ vụ việc lên tới 50 - 60 triệu đồng” - ông Quang cho hay.
Theo tìm hiểu, xưởng sứa bị phá ở vị trí Vụng Nồi Tai nằm trên phần đất được UBND huyện Vân Đồn cho hộ gia đình ông Hoàng Văn Thặm thuê theo Quyết định số 155/QĐ-UBND (Quyết định 155) ký từ năm 2007.
“Chúng tôi hoạt động đúng pháp luật, khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng đất thì chủ xưởng chế biến thủy sản phải tự tháo dỡ và không được bồi thường. Nhiều năm nay xưởng luôn tạo công ăn việc làm cho nhân công, phát huy thế mạnh địa phương trong nuôi trồng, chế biến thủy sản để phát triển, bám biển. Việc xưởng sứa bị nhóm đối tượng phá khiến người dân địa phương hoang mang’- ông Quang nói.
Theo anh N.V.T, công nhân làm việc tại nhà xưởng cho biết: Hôm đó, vài chục công nhân đang phân loại và chế biến sứa thì nhóm đối tượng đi thuyền ca nô đến, đuổi công nhân sợ hãi bỏ chạy trong rừng. “Chúng tôi thấy họ dùng búa phá hết bể, tường, nhà xưởng rồi quay lại chiếc ca nô máy di chuyển. Sau đó, chúng tôi sợ quá xin nghỉ việc để về quê vì sợ bị hành hung” - anh T. nói.
Còn theo anh Hoàng Trọng Vinh (SN 1994, con ông chủ xưởng Hoàng Văn Thặm) cho biết: Khu nhà xưởng gia đình hoạt động được nhiều năm, đúng pháp luật, tạo công ăn, việc làm cho hàng chục hộ dân khai thác sứa ở huyện đảo, hàng trăm công nhân lao động mùa vụ. Hành vi của nhóm người phá xưởng sứa là vi phạm nghiêm trọng, xâm phạm đến tài sản, tính mạng của gia đình tôi, gây mất an ninh và náo loạn địa phương. Hành vi đập phá được tổ chức bài bản, có tổ chức, mang tính côn đồ và bất chấp pháp luật nên cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ" - anh Vinh bức xúc.
Cũng theo phản ánh của gia đình anh Vinh, gia đình đã từng có đơn trình báo việc đe dọa của nhóm người trên cho công an xã Minh Châu, UBND xã Minh Châu, công an Huyện Vân Đồn, UBND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) và vẫn chờ các cơ quan này vào cuộc làm rõ để có phương án ngăn ngừa, bảo vệ người dân.
Qua hình ảnh video người dân ghi lại, nhóm “người lạ” chủ yếu là thanh niên. Theo tìm hiểu của PV Đại Đoàn Kết, xưởng chế biến sứa tại Vụng Nồi Tai thời gian qua tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người lao động. Doanh thu ước tính mỗi mùa vụ lên đến hàng chục tỉ đồng.
Cần vào cuộc quyết liệt để an dân
Ngày 22/4, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, lãnh đạo xã Minh Châu xác nhận có việc xưởng chế biến sứa gần hàng chục nghìn m2 của gia đình ông Hoàng Văn Thặm trú tại thôn Tân Lập, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn bị nhóm ‘người lạ’ đập phá. “UBND đã có văn bản báo cáo UBND huyện về việc trên, hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ. Hiện vẫn chưa xác định được nhóm đối tượng phá xưởng sứa người dân”, vị này nói.
Cũng theo vị lãnh đạo xã này, thời điểm phá xưởng sứa nêu trên chưa nhận công tác ở địa phương, nhưng quan điểm của chính quyền xã là an dân, tạo điều kiện để ngư dân yên tâm bám biển, khai thác nguồn lợi thủy hải sản. Việc làm rõ nhóm đối tượng hung hãn, phá xưởng sứa của người dân để răn đe, an dân là cần thiết.
Nhìn nhận vụ việc trên, Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi trên được xem là hành vi phá hoại tài sản của người khác, có thể bị xử phạt hành chính theo điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức.
Người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu. Bên cạnh đó, hành vi này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
Tùy vào giá trị của tài sản và hành vi gây ra mà tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản sẽ áp dụng các khung hình phạt khác nhau. Đồng thời, việc xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì người phạm tội còn phải thực hiện thủ tục bồi thường thiệt hại cho bị hại theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015.