Quảng Ninh: Ngân hàng triển khai chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, Quảng Ninh có 9.683 khách hàng ghi nhận tổng dư nợ thiệt hại lên tới 10.982,4 tỷ đồng. Đã có 5 ngân hàng thương mại thống nhất chính sách hỗ trợ thuộc thẩm quyền.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, văn bản của tỉnh Quảng Ninh đề nghị tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng đang vay vốn chịu ảnh hưởng do cơn bão số 3, ngày 19/9, một số ngân hàng thương mại đã thống nhất chính sách hỗ trợ thuộc thẩm quyền.
Trước đó, ngày 18/9, tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản gửi Chủ tịch Hội đồng quản trị các ngân hàng, đề nghị tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng đang vay vốn chịu ảnh hưởng do cơn bão số 3.
Thống kê sơ bộ tính đến ngày 16/9/2024, thiệt hại về người và tài sản trên địa bản tỉnh Quảng Ninh ước tính khoảng 24.223 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại nhà ở, công trình kiến trúc 6.447 tỷ đồng; lâm nghiệp: 5.207 tỷ đồng; thủy sản: 3.692 tỷ đồng; văn hóa du lịch: 2.485 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã ghi nhận có 9.683 khách hàng gặp khó khăn với tổng dư nợ thiệt hại lên tới 10.982,4 tỷ đồng.
Trong số này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có 2.583 khách hàng với tổng dư nợ thiệt hại là 2.416,5 tỷ đồng; Ngân hàng Công thương Việt Nam có 735 khách hàng với tổng dư nợ 3.738,8 tỷ đồng; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam có 337 khách hàng với tổng dư nợ 1.791,5 tỷ đồng.
Cơn bão số 3 đã gây ra những thiệt hại nặng nề, nhiều cá nhân và doanh nghiệp gần như mất hoàn toàn tài sản. Đặc biệt là trong các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, với nhiều bè nuôi thủy sản bị trôi, cây cối bị gãy đổ. Các dịch vụ kinh doanh cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, như tàu du lịch và tàu hàng bị chìm và hư hỏng. Trong số các khách hàng vay nợ, đã có nhiều người dân, doanh nghiệp gần như mất trắng tài sản, nhiều khách hàng không còn khả năng trả nợ.
Để kịp thời ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng hành, chia sẻ cùng các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn; tỉnh Quảng Ninh đề nghị Chủ tịch Hội đồng quản trị các ngân hàng đề xuất Hội đồng thành viên có các cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: Khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới đối với những khách hàng không còn tài sản thế chấp, cho vay mới với lãi suất phù hợp
Thực hiện Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và đề nghị của tỉnh Quảng Ninh, ngày 19/9, đã có 5 ngân hàng thương mại gồm: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank); Ngoại thương Việt Nam (VCB); Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Công Thương Việt Nam (Vietinbank); Bản Việt (BVBank) triển khai các chính sách hỗ trợ.
Cụ thể như: Điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm; miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả; giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng vay mới, đặc biệt là khoản vay ngắn hạn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh phát sinh từ ngày 6/9. Chương trình hỗ trợ được áp dụng chung đối với các tỉnh, thành phố bị thiệt hại sau bão số 3.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ban hành Gói tín dụng 200.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay vốn để phục hồi hoạt động sau ảnh hưởng của bão kể cả cho vay ngắn, trung, dài hạn với mức lãi suất ưu đãi hơn mức cho vay thông thường.
Hiện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục cập nhật, tổng hợp thiệt hại của khách hàng, báo cáo Ngân hàng Nhà nước để chỉ đạo các ngân hàng thương mại bao gồm cả các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Đồng thời, có chương trình tín dụng cho vay mới với lãi suất hợp lý, trong đó cho vay không có tài sản bảo đảm đối với khách hàng hiện hữu bị thiệt hại do bão để có vốn khôi phục sản xuất, kinh doanh.