Quảng Ninh: Những ngày đầu hoạt động chính quyền hai cấp tại đặc khu Cô Tô
Đặc khu Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, ngay trong những ngày đầu hoạt động, toàn bộ máy nhanh chóng ổn định tổ chức, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, thủ tục cho người dân.
Nhanh chóng ổn định tổ chức, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, thủ tục
Đặc khu Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, ngay trong những ngày đầu hoạt động, toàn bộ máy nhanh chóng ổn định tổ chức, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, thủ tục cho người dân. Đây không chỉ là bước đi chiến lược trong sắp xếp tổ chức hành chính mà còn mở ra kỳ vọng về cực tăng trưởng mới tại vùng biển Đông Bắc.

Người dân phấn khởi khi thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công đặc khu Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh
Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, ngày 3/7, tại Trung tâm phục vụ hành chính công đặc khu Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, không khí làm việc khẩn trương, trách nhiệm. Người dân đến liên hệ công việc đều được hướng dẫn tận tình, quy trình xử lý thủ tục diễn ra nhanh gọn, thuận tiện.
Đại diện lãnh đạo Trung tâm hành chính công đặc khu Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh cho biết: Để đáp ứng yêu cầu mới trong công tác giải quyết thủ tục hành chính, Trung tâm phục vụ hành chính công đã chủ động rà soát, kiện toàn bộ máy, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, theo hướng chuyên nghiệp, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là các nền tảng số.

Trung tâm phục vụ hành chính công đặc khu Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh
Với đặc thù Cô Tô nơi đảo xa, nhiều địa bàn xa trung tâm, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, do đó, đơn vị tập trung các giải pháp hành chính số, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện thủ tục ngay tại nơi cư trú.
Hiện nay, người dân ở các đảo như Thanh Lân có thể nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu tiến độ giải quyết qua cổng dịch vụ công, hoặc kết nối với cán bộ hỗ trợ qua môi trường mạng. Những thủ tục cần thiết được cán bộ Trung tâm trực tiếp hướng dẫn, tiếp nhận qua hình thức trực tuyến hoặc lưu động định kỳ. Tất cả nhằm bảo đảm nguyên tắc “Chính quyền phục vụ, lấy người dân làm trung tâm”.
Viên chức chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai số 12 tại Trung tâm hành chính công đặc khu Cô Tô Nguyễn Thị Minh Thanh cho biết: Từ ngày 1/7, bắt đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, tôi thấy rất tiện lợi cho người dân không phải đi lại nhiều cơ quan chức năng như trước đây. Đặc biệt, người dân có thể thực hiện được các thủ tục hành chính ở bất kỳ đâu, thay vì trước đây phải thực hiện ở nơi cư trú. Tại Trung tâm bộ phận đăng ký đất đai có lượng người dân đến thực hiện thủ tục hành chính nhiều, chỉ tính trong 3 ngày gần đây, đơn vị tiếp nhận hơn 20 hồ sơ của người dân, trong đó, tập trung giao dịch đảm bảo, đăng ký biến động đất đai, chuyển nhượng thừa kế cho tặng…

Bà Nguyễn Thị Sứ, ở khu 4, đặc khu Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh làm thủ tục hành chính về đất đai
Bà Nguyễn Thị Sứ, ở khu 4, đặc khu Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh bày tỏ: Là người dân, tôi cảm thấy rất vui khi sáp nhập và thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, rất tiện lợi. Đội ngũ cán bộ hướng dẫn nhiệt tình, tôi cao tuổi hầu hết các bước thực hiện thủ tục hành chính cán bộ làm giúp trên môi trường mạng.
Trước đó, tại đặc khu Cô Tô, Đảng ủy đặc khu đã tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ và Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ đặc khu lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ngay sau đó, Hội đồng nhân dân đặc khu Cô Tô tổ chức kỳ họp thứ nhất, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để công bố các nghị quyết về tổ chức nhân sự và chương trình hành động.
Mở ra kỳ vọng về cực tăng trưởng mới tại vùng biển Đông Bắc
Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Quyết Tiến cho rằng: Đặc khu Cô Tô là một trong 2 địa phương không sáp nhập địa giới hành chính, chỉ tổ chức lại bộ máy, đây là lợi thế giúp chính quyền mới nhanh chóng đi vào vận hành ổn định.

Một góc đặc khu Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh nhìn từ biển
Ông Tiến yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền đặc khu cần chủ động cụ thể hóa, vận dụng linh hoạt 4 nghị quyết trụ cột của Bộ Chính trị vào điều kiện thực tế địa phương, chuyển mạnh từ “quản lý hành chính” sang “quản trị phát triển”, từ “giải quyết công việc” sang “tạo lập giá trị”.
Đặc khu Cô Tô là đảo nhỏ, thuần biển, với tiềm năng lớn về kinh tế hàng hải, khai thác tài nguyên sinh học và du lịch nghỉ dưỡng. Diện tích biển bao quanh Cô Tô rộng hơn 300 km2, môi trường tự nhiên còn nguyên sơ, giàu hệ sinh thái rạn san hô, hải sản quý hiếm. Với việc trở thành đặc khu, Cô Tô được kỳ vọng sẽ thu hút đầu tư vào các lĩnh vực bền vững như: Nghiên cứu biển sâu, du lịch sinh thái, năng lượng tái tạo ngoài khơi.

Đặc khu Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh phát triển thế mạnh du lịch biển
Cùng với đó, đặc khu Cô Tô có lợi thế nằm trên tuyến hàng hải quốc tế, có thể phát triển logistics, cảng nước sâu, du lịch tàu biển. Cô Tô đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đến nay, đặc khu Cô Tô có 3 đồn biên phòng đóng quân ở những vị trí quan trọng: Đồn biên phòng Cô Tô, Đồn biên phòng Thanh Lân và Đồn biên phòng đảo Trần.
Cuộc sống của người dân nơi đây ngoài khai thác đánh bắt thủy hải sản, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm gần 70% cơ cấu kinh tế. Những năm gần đây, hằng năm, Cô Tô đón trên 300.000 khách du lịch, tăng gấp 10 lần so với trước năm 2013. Tính riêng dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2025, Cô Tô đã đón hơn 20.000 lượt du khách (tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước), khẳng định vị thế của Cô Tô là một trong những điểm đến biển đảo lý tưởng tại miền Bắc.
Ngày 16/6/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 1679/NQ-UBTVQH15 sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Ninh năm 2025. Theo đó, toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến và xã Thanh Lân thành đặc khu Cô Tô. Đặc khu Cô Tô có diện tích 5.368 ha, dân số 7.151 người.