Quảng Ninh phấn đấu mục tiêu 8.800 hecta từ nuôi biển

Với hơn 2.000 đảo lớn nhỏ, dải bờ biển dài 250 km Quảng Ninh là địa phương có nhiều thế mạnh trong nuôi hải sản trên biển. Tỉnh đã và đang đẩy mạnh nhiều giải pháp để thu hút đầu tư; phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 8.800 hecta diện tích nuôi biển.

Thực hiện chiến lược biển, chiến lược phát triển thủy sản; tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách quan trọng thu hút nguồn lực phát triển nuôi biển. Trong đó, tỉnh đã có dự thảo hướng dẫn liên ngành về việc trình tự thực hiện cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển; giao khu vực biển và cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè.

Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước đặt ra Quy chuẩn địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản. Chủ trường này nhằm khuyến khích ngư dân chuyển đổi từ vật liệu phao xốp truyền thống sang vật liệu HDPE thân thiện với môi trường. Phao nổi và lồng nuôi thủy sản bằng vật liệu nhựa HDPE không những có độ nổi tốt như phao xốp mà còn có kết cấu bền vững, thích hợp với biến đổi khí hậu, tuổi thọ từ 30-50 năm. Bên cạnh đó, vật liệu nhựa HDPE được đánh giá an toàn với nguồn nước, hạn chế ô nhiễm môi tường.

Mô hình nuôi biển công nghiệp kết hợp với du lịch của STP Group tại Vân Đồn, Quảng Ninh

Mô hình nuôi biển công nghiệp kết hợp với du lịch của STP Group tại Vân Đồn, Quảng Ninh

Từ những chủ trương, chính sách cởi mở trong lĩnh vực nuôi biển, nhiều doanh nghiệp đã chọn Quảng Ninh là “bến đỗ” để phát triển. Theo bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát (STP Group), hiện tại, doanh nghiệp này đã triển khai mô hình trang trại nuôi biển kết hợp trải nghiệm du lịch tại đảo Phất Cờ (huyện Vân Đồn). Đây là mô hình áp dụng công nghệ mới, có nhiều ưu điểm nổi trội so với mô hình nuôi lồng gỗ truyền thống.

“Trên mô hình trên, chúng tôi đặc biệt nghiên cứu vật liệu HDPE và các tấm composit là các tấm vật liệu bảo vệ môi trường, có độ bền đến 50 năm. Tỉnh Quảng Ninh là một trong những tỉnh đang có quy chuẩn 08 yêu cầu bắt buộc phải chuyển đổi các vật liệu cũ bằng phao xốp sang vật liệu hdpe. Đặc biệt là các tỉnh như Hải Phòng, Khánh Hòa, đang triển khai ra quy chuẩn địa phương bắt buộc thay đổi vật liệu cũ tre, nứa, gỗ sang vật liệu này”, bà Nguyễn Thị Hải Bình cho biết.

Hiện nay, cơ bản các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành chuyển đổi phao xốp sang vật liệu bền vững với môi trường, với tỷ lệ đạt trên 99%. Anh Nguyễn Đức Linh, chủ bè nuôi trồng thủy sản ở khu 7 thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh chia sẻ, chi phí đầu tư vật liệu phao nhựa đắt hơn so với phao xốp; nhưng tính về hiệu quả lâu dài, ngư dân đã đồng thuận chuyển đổi.

“Trong chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa thì người dân cũng đồng tình ủng hộ. Vì phao xốp chỉ được 1-2 năm, phao này được 7-8 năm, 10 năm. Cũng mong nhà nước ủng hộ, cho vay vốn ưu đãi”, anh Nguyễn Đức Linh nói.

Quảng Ninh thay thế phao xốp bằng phao nhựa HDPE trong nuôi biển

Quảng Ninh thay thế phao xốp bằng phao nhựa HDPE trong nuôi biển

Thời gian qua, Quảng Ninh đã hình thành những vùng nuôi biển tập trung với các đối tượng hải sản chủ lực như: Các loài cá biển như cá song, vược, giò, chim vây vàng; nhuyễn thể như hàu, ngao, ngêu, tu hài... Bên cạnh đó, Quảng Ninh đã xác định được hơn 9.300 hecta khu vực biển dự kiến thu hút các dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản, chiếm 20,2% tổng diện tích quy hoạch nuôi trồng thủy sản.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong lĩnh vực nuôi biển, nhưng theo đánh giá của ngành chức năng, Quảng Ninh vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng trong lĩnh vực kinh tế này. Tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết, hiệu quả thấp, chủ yếu theo hộ gia đình chiếm đến gần 99%, vùng nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị chưa nhiều, các lồng bè nuôi biển tập trung chủ yếu vùng bờ.

“Hiện nay, thách thức lớn nhất trong nghề nuôi trồng thủy sản không chỉ ở tỉnh Quảng Ninh mà trên cả nước đó vẫn là sản xuất manh mún, chưa theo quy hoạch. Ngoài ra công nghệ nuôi hiện nay chưa được cập nhật. Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ kết hợp với các Viện Nghiên cứu, trường Đại học để tìm ra các giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho bà con ngư dân”, ông Đặng Xuân Trường, trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết thêm.

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích nuôi biển đạt trên 8.800ha, sản lượng nuôi biển đạt khoảng gần 60.000 tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng giai đoạn 2020-2025 là 8,0%, giá trị sản xuất theo giá cố định trên 4.600 tỷ đồng; có 100% cơ sở nuôi biển đạt điều kiện về an toàn thực phẩm có giám sát nguồn gốc sản phẩm nuôi theo quy định tại Luật Thủy sản.

Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh, để thực hiện được mục tiêu này, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường thẩm định, cấp các mã vùng nuôi, mã cho cơ sở chế biến an toàn, xây dựng các mô hình liên kết vùng, nuôi trồng làm nền tảng để sản phẩm thủy sản có thể tiếp cận các thị trường khó tính, mang lại giá trị cao.

“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện nhiều chủ trương chính sách về nuôi biển. Chúng tôi sẽ rà soát lại quy hoạch, để tập trung phát triển những vùng thích hợp nuôi biển...”, ông Đỗ Đình Minh thông tin.

Với tiềm năng sẵn có cộng thêm những chính sách tiên phong trong lĩnh vực nuôi biển, Quảng Ninh đặt mục tiêu trở thành “trung tâm” nuôi trồng thủy sản của khu vực miền Bắc.

Hương Giang/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/quang-ninh-phan-dau-muc-tieu-8800-hecta-tu-nuoi-bien-post1062552.vov