Quảng Ninh phát triển trong trạng thái bình thường mới, tăng trưởng kinh tế giữ vững hai con số
Thực hiện hiệu quả chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19; giữ vững địa bàn an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới; tăng trưởng kinh tế Quảng Ninh 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 10,66% - đứng thứ 4 trong vùng Đồng bằng sông Hồng.
Tăng trưởng kinh tế đứng thứ 4 trong vùng đồng bằng sông Hồng
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 của Quảng Ninh ước đạt 10,66%, cao hơn 2,64 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2021 (8,02%).
Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 28.671 tỷ động, tăng 24% cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 22.221 tỷ đồng, tăng 23% cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 42.310 tỷ đồng, tăng 10,9% cùng kỳ.
Đặc biệt, qua 6 tháng, ngành du lịch của địa phương cũng đang phục hồi mạnh mẽ, vững chắc, ước đạt 5,5 triệu lượt khách, gấp 2,2 lần cùng kỳ.
Tỉnh đã đăng cai tổ chức chu đáo, thành công 7 môn thi đấu SEA Games 31, lan tỏa hình ảnh một Quảng Ninh an toàn, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại tới bạn bè quốc tế.
Cùng với đó, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng triển khai, niềm tin của doanh nghiệp đối với chính quyền được củng cố.
Quảng Ninh giữ vị trí quán quân về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong 6 năm liên tiếp (từ 2016-2021), quán quân về chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính SIPAS (từ 2019-2021) và á quân về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2021.
Tỉnh có mức tăng trưởng đứng thứ 4 trong vùng Đồng bằng sông Hồng, sau Bắc Ninh tăng 14,7%, Hải Dương tăng 11,82%, Hải Phòng tăng 11,1%.
Để làm được điều này, Quảng Ninh đã chủ động triển khai toàn diện, quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Đây là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 diện rộng toàn dân mũi 1, 2, 3, bảo đảm tuyệt đối an toàn, hiệu quả; là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Song song với đó, tỉnh đã xây dựng và triển khai có hiệu quả Kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 mũi 4 (liều nhắc lại) trên địa bàn tỉnh năm 2022 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, các cơ quan có thẩm quyền liên quan, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế.
Việc đi đầu thực hiện thành công chiến lược vaccine đã tạo hiệu quả rõ rệt, giảm sâu các ca mắc mới ngay từ đầu quý II/2022, đưa nhịp sống sôi động trở lại và nhanh chóng phục hồi vững chắc ngành du lịch.
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh chỉ ghi nhận trung bình vài chục ca mắc Covid-19/ngày. Quảng Ninh kiểm soát tốt tình hình, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Đối với phát triển kinh tế, Quảng Ninh đã tổ chức rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để ngành than phát triển ổn định và tăng số lượng tối đa đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế. Đặc biệt, đảm bảo không để thiếu than cho sản xuất điện, không để thiếu điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Tỉnh cũng phát huy tối đa vai trò trụ cột của ngành than, điện và công nghiệp chế biến, chế tạo trong tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách. Cùng với đó, Quảng Ninh cũng chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm công tác quản lý, điều hành ngân sách năm 2021, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan trong việc để tồn dư lớn dự toán chi thường xuyên ngân sách cấp tỉnh.
Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo công tác điều hành thu - chi ngân sách năm 2022; bảo đảm thu đúng, thu đủ, nuôi dưỡng nguồn thu; triệt để tiết kiệm các khoản chi đe tăng chi đầu tư phát triển; quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân, cơ cấu lại gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Phấn đấu GRDP năm 2022 đạt trên 11%
Quảng Ninh đặt mục tiêu cả năm 2022 phấn đấu GRDP đạt trên 11%, tổng thu ngân sách nhà nước không thấp hơn 52.600 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu trên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, cần thực hiện tốt quan điểm kế thừa, đổi mới và phát triển, tinh thần đoàn kết nhất trí, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đột phá để chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh".
Quảng Ninh cũng sẽ đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tích cực cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số toàn diện để phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế cho phát triển.
Tỉnh sẽ tập trung đẩy nhanh tốc độ xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược gắn với tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới để tận dụng các cơ hội và nguồn lực mới.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh sẽ kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, chăm lo các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, gắn kết hài hòa, chặt chẽ giữa phát triển đô thị và nông thôn; giữa công nghiệp, xây dựng, du lịch, dịch vụ với nông nghiệp; đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới.
Chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và khu vực dân doanh, nâng cao hiệu lực, hành động quyết liệt, thu hút đầu tư cũng là những vấn đề mà tỉnh chú trọng trong những tháng tới.
Hiện tại, Quảng Ninh ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới vào các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp sạch, giá trị gia tăng lớn tại các khu kinh tế, khu công nghiệp; phát triển doanh nghiệp, kinh tế số... tạo nền tảng vững chắc bảo đảm giữ đà tăng trưởng hai con số trong trung và dài hạn.
Ngoài ra, việc nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế là yêu cầu cấp bách trong tình hình hiện nay, nhất là nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, đất đai, than, khoáng sản, tài chính ngân sách, nguồn vốn đầu tư công, tài sản công và hạ tầng kinh tế-xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại.
Đồng thời, Quảng Ninh cũng hạ quyết tâm hoàn thành dứt điểm các công trình có tính chất cấp bách, trọng tâm, trọng điểm tạo động lực mới phát triển kinh tế-xã hội.