Quảng Ninh: Siết chặt quản lý thị trường dịp cận Tết
Công tác quản lý thị trường (QLTT) luôn được tỉnh Quảng Ninh chú trọng và quan tâm nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán.
Gần sát Tết Nguyên đán Giáp thìn 2024, nhu cầu mua sắm người dân tăng cao. Tình hình thị trường trở nên sôi động hơn và đây cũng là thời điểm các đối tượng thường xuyên lợi dụng vận chuyển, buôn bán, kinh doanh hàng hóa trái pháp luật gia tăng trên địa bàn.
Để đảm bảo ổn định tình hình thị trường tại địa phương, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh chủ động xây dựng kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm 2023, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp thìn, bắt đầu từ ngày 20/11/2023 đến ngày 29/2/2024.
Tham gia làm việc thực tế cùng Tổ công tác của Đội QLTT số 5 (phụ trách khu vực TP Hạ Long) kiểm tra một số cơ sở kinh doanh thực phẩm, bánh kẹo, rượu bia,.. thuộc các chuỗi cửa hàng và tại chợ truyền thống, chúng tôi có cơ hội “mục sở thị”, tiếp cận với chương trình kiểm tra của lực lượng QLTT.
Ông Lê Trọng Niệm, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 5 cho biết: Đội QLTT số 5 xác định địa bàn TP Hạ Long - thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa bàn trọng tâm, trọng điểm, sôi động. Song cũng là địa bàn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp về buôn bán, kinh doanh hàng hóa trái pháp luật trên địa bàn.
Thời gian qua, Đội QLTT số 5 đã xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác; tổ chức, triển khai, thực hiện tập trung vào các nhóm giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, ký cam kết đến các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các quy định hoạt động trong kinh doanh thương mại;… Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, địa bàn và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm vận chuyển, buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu, hàng hóa vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, tập trung vào các nhóm mặt hàng thiết yếu, sử dụng nhiều trong dịp Tết, như: Thực phẩm, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát… Đồng thời, đơn vị cũng thực hiện phối hợp tốt với các ngành, các lực lượng chức năng, đảm bảo lưu thông hàng hóa hợp pháp; kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng, các tụ điểm phức tạp trung chuyển, kinh doanh hàng hóa trái phép trên địa bàn. Qua đó, góp phần giữ ổn định tình hình thị trường, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, nhân dân địa phương, cũng như du khách thập phương.
Chỉ trong 1 tháng từ ngày 15/12/2023 đến 15/1/2024, Đội QLTT số 5 đã phát hiện xử lý 26 vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên địa bàn TP Hạ Long với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là 430,5 triệu đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy là 558,17 triệu đồng; trị giá phát mại hàng hóa là 95 triệu đồng.
“Trong đợt ra quân thực hiện Kế hoạch cao điểm, Đội QLTT số 5 đã phát hiện hộ kinh doanh Bùi Thùy Trang (địa chỉ tại phường Yết Kiêu, TP Hạ Long) đang bày bán gần 1 tấn thực phẩm đông lạnh có dấu hiệu nhập lậu và thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Vụ việc đã được Cục Quản lý thị trường hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật. Tiếp đó, đơn vị cũng đã kiếm tra, phát hiện một cửa hàng kinh doanh rượu, thuốc lá trên địa bàn phường Bạch Đằng đang bày bán hơn 400 sản phẩm rượu, thuốc lá điếu nhập lậu. Đáng chú ý hơn cơ sở này không có giấy phép bán lẻ rượu theo quy định. Đơn vị đã tạm giữ toàn bộ tang vật để hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xử lý”, ông Lê Trọng Niệm thông tin thêm.
Chị Trần Thị Thanh Nga, chủ sơ sở kinh doanh Alma (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) cho biết: Nguồn hàng năm nay tương đối dồi dào nhưng sức mua của người dân giảm so với cùng kỳ mọi năm. Chúng tôi đã ký cam kết nói không với hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo an toàn cũng như quyền lợi cho người tiêu dùng...
Quản lý chuỗi 9 cửa hàng Nông sản sạch trên địa bàn TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, chị Vũ Thị Ngọc Hạnh cho biết: Bên cạnh những mặt hàng như bánh kẹo, nước giải khát, đồ khô, các cửa hàng Nông sản sạch còn kinh doanh những sản phẩm tươi sống như rau, củ, quả, thịt, cá… Các sản phẩm tươi sống đều nhập về mới hàng ngày và đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng kèm hóa đơn chứng từ, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và hầu hết các sản phẩm đều có chứng nhận Ocop. Bên cạnh lực lượng QLTT thì các cửa hàng cũng thường xuyên được các cơ quan chức năng của thành phố kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các quy định hiện hành.