Quảng Ninh: Tạo động lực thúc đẩy kinh tế di sản

Một trong những thế mạnh của Quảng Ninh là phát triển kinh tế từ di sản. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 630 di tích, trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích cấp quốc gia, 101 di tích cấp tỉnh và hơn 400 di tích đã được kiểm kê; 362 di sản văn hóa phi vật thể. Năm 2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu tổng thu từ hoạt động du lịch dự kiến đạt 50.000 tỷ đồng.

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: Việt Linh.

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: Việt Linh.

Đặt mục tiêu đón 20 triệu lượt du khách năm 2025

Năm 2025, tỉnh Quảng Ninh chọn chủ đề “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới”, đồng thời đặt mục tiêu đón 20 triệu lượt khách, trong đó 15,5 triệu khách du lịch nội địa và 4,5 triệu khách du lịch quốc tế. Để quyết tâm hoàn thành mục tiêu, tỉnh triển khai Đề án Phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và quốc tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tổ chức liên kết phát triển sản phẩm, thị trường, kết nối tour, tuyến, điểm du lịch giữa các địa phương trong tỉnh, trong vùng và liên vùng; khai thác tối đa lợi thế mới từ hệ thống giao thông chiến lược.

Quảng Ninh đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ, phát triển các sân golf theo quy hoạch; xây dựng các trung tâm du lịch trọng điểm tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái, Uông Bí, Cô Tô; đổi mới, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm du lịch, dịch vụ đã có nhằm tăng mức chi tiêu, doanh thu và hiệu quả kinh tế du lịch.

Địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; tận dụng tối đa cơ hội thị trường khách quốc tế và trong nước; kết nối, phát triển các chuyến bay qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, tuyến du lịch bằng đường biển. Đồng thời, đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của dịch vụ, nhất là sản phẩm: Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch biển đảo, vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh để Quảng Ninh thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn quanh năm.

Năm 2024, dù chịu ảnh hưởng nặng nề, bị thiệt hại lớn do bão số 3 gây ra nhưng ngành Du lịch tỉnh đã nỗ lực khắc phục hậu quả, sớm phục hồi và duy trì đà phát triển. Quảng Ninh thu hút trên 19 triệu lượt du khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách quốc tế ước đạt 3,5 triệu lượt. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 46.460 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023. 10 thị trường khách quốc tế lớn đến Quảng Ninh vẫn duy trì ổn định gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pháp, Australia, Anh, Đức, Nhật. Đặc biệt, thị trường Ấn Độ có nhiều khởi sắc với đoàn tham quan của các tỷ phú, công ty, tập đoàn lớn.

Tỉnh tổ chức được nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh, môi trường du lịch ở trong và ngoài nước như: Tổ chức đón đoàn đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race mùa giải 2023 - 2024; Lễ hội Carnaval Hạ Long 2024; Lễ hội Việt Nam tại thành phố Sapporo, tỉnh Hokkaido (Nhật Bản); Superfest Halong, Giải Taekwondo Cảnh sát châu Á mở rộng, Giải VnExpress Marathon Amazing Halong, Chung kết Hoa hậu sinh viên Việt Nam...

Cần thêm nhiều sản phẩm du lịch mới

Theo thống kê, tỉnh Quảng Ninh có 630 di tích, trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích cấp quốc gia, 101 di tích cấp tỉnh và hơn 400 di tích đã được kiểm kê; 362 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó di tích nổi tiếng trong và ngoài nước, thu hút đông đảo nhân dân và du khách là Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long 3 lần được UNESCO vinh danh là di sản thế giới với các giá trị về thẩm mỹ và địa chất, địa mạo. Hay Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử gắn liền với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308).

Tại Hội thảo khoa học "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - Góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh" mới đây, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, điều cốt lõi của kinh tế di sản là sự gắn kết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Đây không chỉ là việc khai thác giá trị kinh tế, mà còn là trách nhiệm bảo vệ các di sản cho các thế hệ tương lai, thông qua sự kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và phát huy các yếu tố văn hóa, lịch sử và tự nhiên với tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua đã cho thấy tư duy vượt trước, để lại nhiều kinh nghiệm quý cho các địa phương trong cả nước. Đó là chiến lược về một mô hình phát triển bền vững, rõ nét ngay từ các quy hoạch chiến lược của tỉnh, gắn liền với quá trình chuyển đổi từ "kinh tế nâu" sang "kinh tế xanh". Lấy trọng tâm là di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, tỉnh đã định hình các chính sách phát triển một cách dài hạn, không chỉ khai thác tiềm năng du lịch mà còn đặt ưu tiên cao vào việc gìn giữ các giá trị văn hóa, lịch sử và bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, theo ông Đặng Xuân Phương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, tỉnh đang phải đối diện với không ít thách thức trên con đường phát triển kinh tế di sản như chưa có nhiều cơ chế, chính sách hấp dẫn thúc đẩy; nhu cầu bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của tỉnh Quảng Ninh tuy đã được tích hợp vào các quy hoạch phát triển chung cấp tỉnh, cấp huyện (hiện nay đã quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050) nhưng việc lập các quy hoạch này chưa xem xét hệ thống di sản theo các dạng cấu trúc không gian địa - văn hóa đặc trưng như ở một số trung tâm văn hóa, du lịch lớn, do đó còn khó khăn cho việc kết nối hạ tầng trong các lĩnh vực giao thông, hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế đêm tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Ngoài ra, sự thiếu vắng các sản phẩm du lịch mới, độc đáo đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch 4 mùa đã làm giảm sức hút của kinh tế du lịch và dịch vụ, nhất là đối với nhu cầu của khách du lịch quốc tế có mức chi tiêu lớn đến từ các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Bắc Mỹ.

Theo ông Phương, để phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh thời gian tới, cần tiếp tục rà soát, đổi mới quy hoạch hạ tầng du lịch văn hóa, đặc biệt là quy hoạch các tuyến du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm văn hóa, lịch sử kết hợp du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp cao theo hướng tăng cường tính liên kết vùng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hiện đại hóa công cụ quản lý di sản, ứng dụng công nghệ, như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được đưa vào hệ thống bảo tàng, phục dựng di sản bằng công nghệ 3D… Tiếp tục cập nhật, số hóa hồ sơ di sản trên cơ sở khai thác có hiệu quả các nguồn tư liệu mới phát hiện trong nước và quốc tế được sưu tầm, phổ biến.

"Việc làm giàu hồ sơ di sản văn hóa sẽ góp phần nâng cao được giá trị của di sản và giúp cho việc giáo dục, phổ biến tri thức văn hóa, lịch sử gắn với di sản một cách chân thực hơn, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới" - ông Phương nhấn mạnh.

Thu Hiền

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/quang-ninh-tao-dong-luc-thuc-day-kinh-te-di-san-10297005.html