Quảng Ninh tiếp tục giữ vững vị trí 'quán quân' PAPI năm 2024
Với trên 47,8212 điểm, Quảng Ninh đứng đầu về Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2024.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam. Ảnh: Kiều Chinh/Mekong ASEAN.
Sáng 15/4, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức công bố "Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh" (PAPI) năm 2024.
Tại lễ công bố chỉ số PAPI 2024, tỉnh Quảng Ninh được xếp ở nhóm các tỉnh đạt điểm số cao nhất và đứng vị trí dẫn đầu toàn quốc với điểm tổng hợp đạt 47,82 điểm. Năm 2024 là năm thứ 3 tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số PAPI, trước đó là các năm 2020 và 2022.
Theo báo cáo phân tích chung, Quảng Ninh có 7/8 trục chỉ số nằm trong nhóm cao nhất toàn quốc, trong đó trục chỉ số nội dung cung ứng dịch vụ công đạt 8,42 điểm dẫn đầu toàn quốc. Kết quả PAPI là sự phản ánh thực chất, khách quan các giải pháp đồng bộ của tỉnh đã triển khai thời gian qua trong việc nâng cao hiệu quả điều hành của bộ máy chính quyền, đáp ứng sự hài lòng của người dân.
Đặc biệt, năm 2024, Quảng Ninh được sự ghi nhận của người dân về những nỗ lực trong việc khắc phục thiệt hại và khôi phục đời sống, kinh tế xã hội sau bão số 3 YAGI.
Xếp thứ 2 và thứ 3 về chỉ số PAPI 2024 là Tây Ninh (47,35 điểm) và Bình Thuận (47,13 điểm). Trong khi đó, Cần Thơ, Kon Tum, Kiên Giang nhằm trong nhóm cuối cùng.


Ba vấn đề người dân quan ngại nhất
Thay mặt nhóm nghiên cứu PAPI, bà Đỗ Thanh Huyền, Thành viên nhóm nghiên cứu PAPI, Chuyên gia phân tích chính sách công, Phòng Quản trị và Tham gia, UNDP tại Việt Nam đã trình bày những phát hiện của nghiên cứu PAPI 2024.
Theo báo cáo, tham nhũng nổi lên là mối quan ngại lớn nhất của người dân trong năm 2024, với 22,58% số người trả lời khảo sát cho rằng đây là vấn đề hệ trọng cần Nhà nước ưu tiên giải quyết trong thời gian tới, tăng 17% so với năm 2023.
Đói nghèo là vấn đề đáng quan ngại đứng thứ hai, sau tham nhũng, với tỷ lệ 14,2% số người được hỏi đề cập đến vấn đề này. Mặc dù, Báo cáo PAPI 2024 cho biết tỷ lệ người trả lời khảo sát đánh giá tình hình kinh tế hộ gia đình là "kém" hoặc "rất kém" đã giảm xuống 10,2% trong năm 2024, mức thấp nhất kể từ năm 2019. Tiếp theo đó là vấn đề việc làm, với 12,64% số người trả lời cho rằng đây là vấn đề cần được ưu tiên giải quyết.
Những phát hiện từ khảo sát PAPI năm 2024
Đi sâu vào chỉ số PAPI, người dân hài lòng hơn với hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2024. Báo cáo PAPI 2024 đặc biệt nhấn mạnh những cải thiện ở các chỉ số nội dung "Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương", "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công", "Quản trị môi trường" và "Quản trị điện tử".
Mặc dù đã có những bước tiến quan trọng, báo cáo cũng chỉ ra, dư địa để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản trị công nói chung còn rất lớn. Chỉ có 3 trong số 8 lĩnh vực quản trị và hành chính công được PAPI đo lường, gồm: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ hành chính công và dịch vụ công, đạt được điểm số khá từ đánh giá của người dân trên phạm vi toàn quốc.
Ngoài ra, sự khác biệt về mức độ hài lòng với hiệu quả quản trị địa phương vẫn tồn tại giữa các nhóm phân tổ theo giới tính, dân tộc, loại hình hộ khẩu và khu vực sinh sống.
Phụ nữ vẫn tiếp tục đánh giá về hiệu quả quản trị thấp hơn nam giới, đặc biệt trong các khía cạnh về sự tham gia và tính công khai, minh bạch trong quá trình ra quyết định ở địa phương. Mức độ hài lòng của người dân thuộc các nhóm dân tộc thiểu số thấp hơn so với người Kinh ở nhiều chiều cạnh. Các địa phương miền núi và vùng cao đạt điểm thấp hơn các địa phương vùng đồng bằng ở các chỉ số đánh giá về sự tham gia của người dân, tính công khai, minh bạch trong việc ra quyết định và quản trị điện tử.
Về quản trị điện tử, mặc dù đã có những bước tiến trên phạm vi toàn quốc, nhưng khoảng cách số vẫn tồn tại, đặc biệt là trong khả năng tiếp cận và sử dụng internet và dịch vụ công điện tử giữa các nhóm nam - nữ, dân tộc
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: "Những phát hiện từ khảo sát PAPI năm 2024 cho thấy nhu cầu cấp thiết và cơ hội to lớn của việc thúc đẩy bình đẳng giới, hòa nhập xã hội và khả năng tiếp cận dịch vụ công một cách công bằng thông qua các cải cách quản trị đang được triển khai trong năm 2025".
Theo đó, đại diện UNDP cho rằng, những phát hiện này gợi mở một lộ trình dựa trên bằng chứng thực tiễn hướng tới nâng cao hiệu quả quản trị công lấy người dân làm trung tâm, đảm bảo những cải cách thể chế hiện nay và tới đây sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân Việt Nam.
Chuyển đổi số có thể là phương thức thay đổi "luật chơi"
Năm 2024, đánh dấu một giai đoạn phục hồi và tăng trưởng vững chắc của nền kinh tế Việt Nam sau những biến động toàn cầu do đại dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị thế giới. Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực công, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả quản trị công. Bảo vệ môi trường được chú trọng, chính sách thúc đẩy năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được triển khai mạnh mẽ.
Năm 2025 đã đi qua được 1/4 chặng đường với nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới. Việt Nam vẫn đang quyết tâm thực hiện tầm nhìn phát triển của mình trong Kỷ nguyên mới. Đảng và Nhà nước Việt Nam đang thực hiện một cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, xây dựng một hệ thống chính trị tinh, gọn, nhẹ, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Theo bà Đỗ Thanh Huyền, những cải cách trong tổ chức chính quyền địa phương hiện nay là cơ hội lớn để giải quyết những điểm nghẽn trong thực thi chính sách bởi các tỉnh, thành phố có thể học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm tốt từ các địa phương.
Trong đó, chuyển đổi số có thể là phương thức thay đổi "luật chơi".Do đó,cần tiếp tục phát triển quản trị điện tử, quản trị số, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tiếp tục nâng cao tính minh bạch và cải thiện hiệu quả cũng như điều kiện tiếp cận dịch vụ công, bà Đỗ Thanh Huyền chia sẻ.
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (với tên viết tắt tiếng Anh là PAPI) là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở. Sau khảo sát thí điểm vào năm 2009 và thực hiện trên quy mô lớn hơn vào năm 2010, khảo sát PAPI đã tiến hành trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011.
Năm 2024, có 18.894 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên đã tham gia khảo sát PAPI. Trong suốt 16 năm qua, có tới 216.673 lượt người dân trên phạm vi toàn quốc đã tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công từ trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp thông qua nghiên cứu PAPI từ năm 2009.
PAPI đo lường 8 chỉ số nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng DVC; quản trị môi trường; và quản trị điện tử.