Quảng Trị đề nghị kiểm tra lại việc phân luồng giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Sáng 22/4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã có buổi làm việc với Cục Đường bộ và các đơn vị có liên quan về phương án phân luồng giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Trước đó, Cục đường bộ ra quyết định phân luồng giao thông trên cao tốc này (cấm các phương tiện xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm và xe từ 6 trục trở lên lưu thông trên tuyến đường này), gây ra những phản ánh từ phía người dân các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và chính quyền, sở, ban ngành chức năng địa phương.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng liên quan, từ khi đưa vào khai thác ngày 31/12/2022 đến ngày 21/4/2024, trên tuyến cao tốc này đã xảy ra 44 vụ TNGT, khiến 8 người chết và 28 người bị thương, trong đó địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra 9 vụ, khiến 1 người chết, 3 người bị thương.
Tại buổi làm việc vào sáng 22/4, đại diện Cục đường bộ và các đơn vị có liên quan cho rằng, trước khi đưa ra quyết định phân luồng giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn từ ngày 4/4 đã có những nghiên cứu với các cơ sở khoa học để phân luồng.
Cụ thể, trên tuyến Quốc lộ 1A, lưu lượng xe trung bình hiện đạt 26.852 PCU (số xe quy đổi trên ngày đêm), trong khi giới hạn tải trọng tuyến đường này có thể đạt từ 31.000 - 33.500 PCU. Trong khi đó, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã đạt đỉnh mãn tải do có nhiều phương tiện lưu thông. Chính vì vậy, sau khi họp và thống nhất, Cục Đường bộ đã có quyết định phân luồng giao thông từ ngày 4/4 kể trên.
Tuy nhiên, đáp lại giải thích kể trên của Cục đường bộ và một số cơ quan, đơn vị, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, các sở, ban ngành chức năng địa phương và đông đảo cơ quan thông tấn báo chí đã đặt ra nhiều câu hỏi về phương án phân luồng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn như: Cơ sở khoa học nào khi ra quyết định phân luồng lại trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn từ ngày 4/4 với việc xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm, xe từ 6 trục trở lên không được phép lưu thông trên tuyến cao tốc này?. Sao không phân luồng theo phương án xe con, xe khách dưới 24 chỗ về Quốc lộ 1A và ngược lại, đưa xe có trọng tải lớn lên cao tốc?.
Ngoài ra, đại diện các sở, ban ngành chức năng của tỉnh Quảng Trị đưa ra một thực tế rằng, việc phân luồng giao thông kể trên của Cục đường bộ đã khiến cho các xe có tải trọng lớn không chỉ đổ về Quốc lộ 1A qua địa bàn, mà còn đi vào nhiều tuyến đường tỉnh, đường liên xã để né trạm thu phí BOT Trường Thịnh đặt trên Quốc lộ 1A đoạn giáp ranh giữa TP Đông Hà và huyện Triệu Phong khiến nhiều con đường có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp bị hư hỏng nặng, gây ra TNGT cho người dân.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị cho hay, sau khi Cục Đường bộ có quyết định phân luồng các phương tiện có trọng tải lớn từ cao tốc Cam Lộ - La Sơn về Quốc lộ 1A khiến dư luận nhân dân hết sức bất bình. Trên thực tế, tuyến Quốc lộ 1A nối Quảng Trị - Thừa Thiên Huế hầu hết đi qua các khu đô thị lớn của Quảng Trị, nên các đường ngang giao cắt ngã tư rất nhiều.
Lưu lượng và mật độ dân cư trên địa bàn quá lớn khiến xảy ra liên tiếp các vụ TNGT, đặc biệt là từ sau khi có quyết định phân luồng cao tốc từ ngày 4/4 gây nhức nhối trong nhân dân.
“Việc xây dựng cao tốc nhằm giảm tải cho Quốc lộ 1A, song chỉ sau hơn 1 năm đưa tuyến đường này vào sử dụng đã cho thấy có nhiều bất cập, đặc biệt về khảo sát, tư vấn, thiết kế và xây dựng. Như vậy trách nhiệm này thuộc về ai?. Cục đường bộ cần thiết phải kiểm tra lại việc phân luồng kể trên nhằm chọn lựa giải pháp tốt nhất không chỉ từ cơ sở khoa học mà đơn vị đã nêu, mà còn phải từ cơ sở thực tế để có giải pháp hợp lý, đảm bảo ATGT trên tuyến Quốc lộ 1A”, ông Nguyễn Chiến Thắng nhấn mạnh.
Thượng tá Hoàng Văn Trung, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, từ ngày 4/4 đến nay, đã có 3 vụ TNGT trên tuyến Quốc lộ 1A khiến 1 người chết, 3 người bị thương liên quan đến các xe contairne và xe tải.
“Thực tế đã chứng minh căn cứ để điều tiết, phân luồng giao thông của Cục đường bộ là chưa toàn diện cả về cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn và cơ sở khoa học. Đây rõ ràng là biện pháp phân luồng mang tính cưỡng chế trong khi địa phương chưa đồng thuận. Thực tiễn quyết định này cũng chưa được thấu đáo khi Quảng Trị chưa có tuyến đường tránh, mật độ giao cắt giữa các tuyến đường nối rất lớn. Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 216 tuyến đường giao cắt với Quốc lộ 1A gây tiềm ẩn nguy cơ TNGT là rất lớn, đặc biệt tình trạng va chạm giữa xe máy và các phương tiện có trọng tải lớn”, Thượng tá Hoàng Văn Trung cho hay, đồng thời đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam cần thiết phải xem xét lại phương án phân luồng giao thông kể trên.
“Nếu như chúng ta đưa xe nhỏ về Quốc lộ1A, đưa xe lớn lên cao tốc thì rõ ràng sẽ giảm tải được giao thông rất nhiều, cũng như sẽ kiềm chế được TGNT cả trên Quốc lộ 1A và trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Hoặc phải thực hiện theo phương án điều tiết, phân luồng giao thông theo khung giờ một cách hợp lý”, Thượng tá Hoàng Văn Trung đề xuất.
Kết luận buổi làm việc, đại diện cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị - ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị gửi gắm mong muốn tới Cục Đường bộ về tiếp tục nghiên cứu triển khai các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế và đặc thù của địa phương sao cho hợp lý nhằm đảm bảo tính mạng của người dân.
Như Báo CAND đã phản ánh, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn có chiều dài 98,35km, điểm đầu thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyên Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Với quy mô 2 làn xe cơ giới, bề rộng mặt đường không có dải phân cách giữa, đồng thời tuyến đi qua khu vực đồi núi nên sau thời gian khai thác đã bộc lộ nhiều bất cập.