Quảng Trị: Nạo vét khẩn cấp, khơi thông luồng lạch tại cảng cá Cửa Tùng
Trước tình trạng bồi lấp nghiêm trọng diễn ra tại luồng lạch cảng cá và khu neo đậu tránh bão Cửa Tùng, UBND tỉnh Quảng Trị đã có chủ trương nạo vét khẩn cấp, khơi thông luồng lạch tại cảng cá này.
Cảng cá Cửa Tùng, huyện Vĩnh Lĩnh (Quảng Trị) có độ sâu luồng hơn 3m và chiều rộng vào luồng là 60m. Hiện nay, luồng vào cảng và khu neo đậu tránh trú bão ngày càng bị bồi lấp, chiều rộng luồng có đoạn chỉ còn 15-16 m, độ sâu nhiều nơi chỉ còn nửa mét.
Thời gian qua đã có nhiều vụ tàu cá bị mắc cạn trong lúc di chuyển ra vào. Chính vì thế, công tác cập cảng của các tàu cá có công suất lớn gặp rất nhiều khó khăn, để có thể thuận tiện trong việc khi thác hải sản, các tàu cá có công xuất lớn thường phải thuê các tàu thuyền nhỏ để trung chuyển ra ngoài cửa biển.
Năm 2019, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư 5 tỷ đồng để nạo vét luồng lạch ra, vào cửa biển Cửa Tùng. Tuy nhiên, sau đợt mưa lũ lịch sử năm 2020 đến nay, tình trạng bồi lấp luồng lạch lại tiếp tục tái diễn.
Trước tình trạng này, UBND tỉnh Quảng Trị đã có chủ trương nạo vét khẩn cấp, khơi thông luồng lạch tại cảng cá Cửa Tùng bằng hình thức xã hội hóa trước mùa mưa bão năm nay.
Theo đó, UBND huyện Vĩnh Linh đã giao một doanh nghiệp nạo vét, khơi thông luồng lạch chính ra vào cảng Cửa Tùng để giải quyết nhu cầu đi lại của ngư dân.
Thời gian nạo vét, khơi thông luồng trong vòng nửa tháng kể từ ngày 30/7, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền của ngư dân ra vào cảng, buôn bán và tàu thuyền vào neo đậu tránh bão.
Theo ông Nguyễn Tiến Long, Cảng Trưởng Cảng cá Cửa Tùng cho biết: “Từ ngày 30/7 đến nay, việc nạo vét phần nào đã khơi thông được luồng vào cảng cá Cửa Tùng. Gần đây đã có 5 tàu cá của Thừa Thiên Huế đã cập cảng Cửa Tùng bán hàng thủy sản mà không cần lai dắt.
Đề nghị nhà đầu tư cũng như cơ quan có liên quan đẩy nhanh tiến độ để cho tàu thuyền vào cảng, đặc biệt trước mùa mưa bão năm nay. Nên có một kế hoạch dài lâu, hàng năm bằng ngân sách hoặc bằng nguồn vốn nào đó để duy tu, nạo vét luồng lạch, đảm bảo cho tàu thuyền thuận lợi cập cảng”.