Quê hương, bóng mát cuộc đời
Có những ngày xưa thơ ấu làm cho ta mãi nhớ thương trong suốt cuộc đời. Nó đi theo ta trên cả cuộc hành trình của một kiếp con người. Nó không thể quên, nó không thể mất bởi vì nó giản dị, đơn sơ, nhẹ nhàng quá, nhưng nó lại thấm đẫm trong lòng ta, gắn chặt vào tâm hồn ta, nó theo ta để lớn lên cùng năm tháng và để ấp ủ trong tim.
Không thể nào quên bởi những ngày xưa thơ ấu ấy, nó quyện vào cùng với quê hương, với cuộc sống, với tình gia tộc, làng xóm, bạn bè. Sinh ra và lớn lên, ai cũng gắn mình vào một vùng quê, nơi chôn nhau cắt rốn. Gắn với những tháng ngày tuổi nhỏ sống trong sự chở che, bao bọc của những người thân. Rồi lớn lên không tư lự, không lo toan, cho đến một ngày đủ cánh đủ lông. Đủ can đảm để bay đi đến những chân trời xa lạ, làm cuộc viễn du để gầy dựng tương lai. Nhưng mà, dù có đi đâu, dù có làm gì, dù có những lúc thành công hay thất bại. Những cái lúc tâm hồn cảm thấy trống trải, bơ vơ, bỗng chợt nhớ và thèm ghê để có được những ngày xưa thân ái bên cha mẹ cùng những anh em ruột thịt của mình. Cùng với ông bà nội, ngoại hai bên đang sống trong tuổi già bên cạnh mảnh ruộng, vườn cây, luống khoai, ao cá. Xa hơn nữa, chở đậm thương yêu cùng những người bạn nhỏ vô tư, cắp tay nhau dung dăng đi học, từ trường làng bậc tiểu học cho đến trung học. Những trò nghịch ngợm ngày xưa của cái thuở “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” . Những dấu roi thầy cô dạy dỗ như vẫn còn hằn đâu đây trong trang sách của cuộc đời. Những ngày hè vui tít không gian, sông suối, ruộng đồng với những cánh diều bay lộng trời, vút tận tầng cao. Những buổi đưa trâu bò ra bãi rồi mỗi đứa một cần câu nhẹ nhàng ngồi làm khách ở bờ sông. Câu chán, cả bọn vụt ầm nhau nhào hết xuống sông, tha hồ vùng vẫy thỏa thuê, một khúc sông quê luôn đậm mãi trong đời. Bơi mệt xong lại nhảy lên bờ, đi tìm những cây hoang mọc lạng để leo trèo hái trái, để thả sức ra phá phách mà không sợ bị chửi, bị mắng vốn mày là con nhà nào, mày chết với tao.
Trong cái làng Đại Nẫm, Xuân Phong ngày xưa đó, có nhiều loại cây trái được trồng và chăm sóc nhưng cũng có những loại mọc hoang. Bên vệ đường, bên bờ sông mép suối, bên những ụ gò mối hoang hay những doi đất gò không thuộc về ai, vì nó chỉ được dư ra khi đất bốn bên được khai thành những đám ruộng bình bằng vuông vức chung quanh. Những cây me cổ thụ, những cây keo già có gai chạy dọc theo cành. Những cây xoài đầy trái lúc lỉu, vàng ươm nhưng không ai hái vì trái nhỏ và nhiều xơ hơn là có thịt, mà mút lấy nước lại là rất ngọt. Có những khu đất thổ mộ mọc đầy những cây táo gai, trái nhỏ chua chua, ngọt ngọt, làm đứa nhỏ nào cũng thèm, cũng chịu xước cả tay chân để hái. Có những đám ruộng lúa gặt sớm, mặt ruộng đất còn ẩm, người ta đã cày lật rồi bừa ốp để gieo thêm một ít đậu xanh hay đen. Đậu có trái người ta thu hoạch xong là bỏ, nhưng cây đậu thì vẫn còn sống vẫn cố mang cho đời những trái nho nhỏ, ngắn hơn và cong queo như cố lưu truyền hạt giống, những trái đậu đó chính là niềm vui của chúng tôi. Cả bọn xếp ngang đi từng đám ruộng, tìm hái những trái đậu rài còn sót, đựng đầy trong nón, trong túi, rồi xúm nhau vào một chòi nào đó bên đồng, nổi lửa lên để luộc. Trái đậu còn non chưa già, luộc chín rồi ăn nghe cứ bùi bùi. Đưa trái đậu lên miệng cắn một đầu, lấy tay nắm vỏ đầu kia kéo ra là trong miệng có một hàng đậu hột chín bùi, nhai hoài không ngán. Sung sướng nhất là hàng cây trứng cá, cây cao vươn cành ra bốn phía, mát rượi cả một vùng trời tuổi thơ. Trái treo từng chùm lúc lắc trong tán lá, hái ăn thơm mà vị ngọt, cắn bụp một cái, giọt nước ngọt ngào chảy tuôn vào cổ rồi còn mãi nơi đầu miệng. Thân cây trứng cá không có gai, cành cây lại dẻo, hái trái ăn xong mỗi đứa cứ tha hồ chọn một cháng ba, nằm vắt chân nhún nhảy, đu đưa, ngắm trời xanh qua tàn lá lưa thưa, có giọt nắng dọi hồng trên mi, trên mắt. Cũng ngọt ngào nhưng lại cũng gian nan nhất là lúc cố hái cho được trái chùm quân. Cây chùm quân mọc nhiều ở quê tôi miệt Xuân Phong, Thượng Cà, chim ăn trái xong rồi vung vãi khắp nơi, hạt thì nhỏ mà cây lại là loại cây cổ thụ, thân to và sống lâu có khi bằng cả một đời người. Trái chùm quân tròn nhỏ chỉ bằng ngón tay cái, có hạt nhỏ bên trong, vị chua chua, ngọt ngọt, nhưng ngọt nhiều khi trái đã chín đều. Trong vườn rộng nhà nào cũng có đôi ba cây để làm vốn bán theo mùa trái chín. Từ tháng chạp cho đến ra giêng cây bắt đầu ra hoa, những chùm hoa tim tím, trăng trắng, đong đưa trên đầu những ngọn cây, hương hoa nhẹ nhàng bay trong gió trên cao. Hết giêng thì từng chùm hoa trắng tím đã rụng rơi đầy trên mặt đất để lại trên cây là những chùm trái non xanh mướt. Đến hết tháng ba, những ngày đầu hạ là đã có trái chín bói lai rai, để hái bán cho đến hết tháng bảy, tháng tám hàng năm, cây chùm quân là loại cây có gai, mà lại là loại gai dài, rất cứng và nhọn, mọc đầy quanh thân từ gốc lên đến tận từng cành. Không thể trèo cây hái trái nếu không rọc hết gai vào lúc trái non chưa chín. Cây mọc hoang trong vườn nhà, người ta lựa vào lúc mùa ốc ruốc rộ đầy nơi cửa biển là trên này róc gai chùm quân đem bán. Gai chùm quân cứng và nhọn, dùng để lể ốc ruốc là tuyệt vời. Còn cái thú ngồi lể ốc ruốc hàng giờ cùng với cây gai chùm quân thì không sao nói hết được, nó gần như nghiện ngập, như say sưa khó dứt ra cho đến khi nguyên rổ ốc không còn một con mới chịu đứng lên. Hái trái chùm quân vào mùa trái chín phải chuẩn bị một cái thang cao, áp thang vào tàn cây có trái chín rồi leo theo thang lên hái. Trái chùm quân chín quá thì dễ bị giập, nên khi hái đem bán thì phải nhẹ tay, trái giập thì chỉ bán được trái rời ít tiền bởi không xỏ được thành từng xâu như xâu chuỗi hạt bồ đề, cho trẻ em dưới phố thích quàng đeo trên cổ.
Nhớ lắm! Thèm lắm, cái tuổi thơ hoa mộng ngày nào, cứ mỗi bận về quê lại lui cui đi tìm ký ức. Nhắn tin đứa này, gọi hỏi đứa kia, chỉ mong gặp được nhau, để tìm về một khoảng trời ngày xưa còn nhỏ rong chơi, quậy phá cùng với học hành. Sau này lớn lên mỗi đứa một phương, cùng đều mang những tâm hồn non trẻ vào đời. Cũng có đứa thành công, có đứa thất bại, thậm chí có đứa sa ngã, bấp bênh. Cũng như ngày xưa cứ giành nhau để cột cho được sợi dây lèo của chiếc diều bay định mệnh cuộc đời. Không biết cột dây lèo nên có cái diều bay lên, có cái bay xuống, lại có cái lắc lư, lảo đảo rồi cắm đầu bên bờ ruộng. Mang theo suốt cả cuộc đời tuổi thơ tha thiết nhớ hoài.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/que-huong-bong-mat-cuoc-doi-112308.html