Quê hương ở đó

Không dưng mà tôi lại nhớ về khoảnh vườn nhỏ của bà tôi. Ở đó có một cây lê rất to đơn độc, sum suê cành lá. Xung quanh là những cây mác mật, cây vải, bụi chuối lá và một cây trám thân thẳng đứng. Những ngày ở quê thật tuyệt. Buổi sáng bắt đầu bằng tiếng con mèo mướp meo meo lanh lảnh trong sự tĩnh mịch của không gian. Trừ những ngày mùa đông, khoảnh vườn lung linh đốm nắng. Cái nắng ở quê sao mà đẹp quá, màu nắng dịu dàng mà rực rỡ. Nắng nhảy múa qua những vòm lá. Không phải trong nắng có sương mà trong sương có nắng.

Tiếng chổi sột soạt làm tôi bừng tỉnh. Bà thường dậy rất sớm. Có hôm bà dọn dẹp đồ đạc. Có hôm tôi thấy bà bó gối ngồi bên bếp lửa. Một góc nhà bừng sáng lên và tiếng than chạm vào nhau tí tách. Ánh sáng hắt ra từ đám lửa soi tỏ khuôn mặt bà. Khuôn mặt dãi dầu vì mưa nắng. Bà tôi lưng đã còng, tóc đã bạc, nhưng vẫn minh mẫn lạ thường, gần 80 tuổi mà vẫn xâu được kim, vẫn thuộc từng câu Phong slư. Hằng ngày bà ra vườn nhổ cỏ, chăm chút cho từng luống rau. Bây giờ thảnh thơi, cuộc sống no ấm nhưng bà vẫn giữ nếp cũ: đầu quấn “ngàng” gọn gàng, quần rộng, áo cánh “xanh xi lâm”, vẫn miếng trầu đỏ tươi. Ngoài kia, bình minh đã lên. Màu nắng tinh khiết ban mai xuyên qua khe ván xua tan không khí tịch liêu. Rồi tiếng bà lẩm bẩm mắng con mèo khi nó cứ luẩn quẩn vướng chân bà. Rồi bà lặng lẽ ngồi nhai trầu, nhìn ra ngoài vườn. Lúc này tiếng giun dế ở góc vườn nhỏ đã tắt. Nụ hoa nhài khẽ đung đưa. Tiếng gà gáy muộn từ xa xa vọng vào nghe mơ hồ, hoang hoải. Không gian như ngừng trôi, bình yên đến nao lòng.

Thỉnh thoảng, tôi và em gái rủ nhau ra chợ. Vẫn nếp cũ, chợ họp năm ngày một phiên. Chợ thường đông vào buổi sáng và tan lúc gần trưa. Thật lạ, có vẻ như bánh dợm ngô chỉ duy nhất ở quê tôi có. Đó là ngô vừa cứng hạt, không non không già được tách vỏ và xay nhuyễn, đồ chín làm bột bánh. Nhân bánh là đậu xanh có thêm chút thịt băm hay tóp mỡ phi hành. Bánh vừa có vị thơm bùi của ngô, vừa thoang thoảng mùi lá chuối từ lá gói, ăn một lần nhớ mãi. Bây giờ, món ấy vẫn còn nhưng có vẻ ít hơn vì hình như lối sống hiện đại, con người hối hả, không còn thời gian đâu để thưởng thức những món quê mùa như thế.

Dấu xưa còn sót lại nơi phố chợ.

Dấu xưa còn sót lại nơi phố chợ.

Những ngày tháng Bảy, bầu trời mây trắng lưa thưa. Nắng suốt ngày từ lúc mặt trời vừa lên đến khi xuống núi. Có tiếng nổ lách tách của những cây tre nơi gian chái nhà chứa thóc, ngô. Trưa hè, tôi thường mắc võng nằm chơi bên hiên nhà sàn, hít hà mùi đặc trưng của hoa trái trong vườn, của mùi thơm mát dịu từ đồng lúa trổ đòng. Thế mà cũng có hôm trời đang nắng vàng mà chỉ sau một vài cơn gió, mây xám xịt vần vũ bầu trời, rồi cơn mưa sầm sập trút xuống. Mưa tiếp mưa kéo dài cả tuần. Trong lòng như có điều gì không vui, mà cảnh vật cũng như buồn day dứt. Bỗng dưng tôi thèm được treo chiếc võng trong vườn bà tôi ngày cũ, vào một buổi trưa nắng.

Tôi về thăm quê vào một ngày mưa ngâu. Đường quê lầy lội và trơn. Dãy nhà sàn san sát được nối với nhau bởi đôi tấm ván nơi hiên nhà. Mưa rơi ướt áo, hơi lạnh tái tê luồn vào thịt da. Bà cặm cụi nhóm bếp cho cháu sưởi ấm, hơi ấm lan tỏa khắp căn nhà sàn đơn sơ. Mọi người ngồi quây quần bên bếp lửa, ấm cúng và gần gũi.

Chuyện xưa tôi kể chỉ còn trong hoài niệm. Điều làm tôi tiếc nuối là chút hình ảnh cổ kính ngày xưa giờ đã mai một. Những hàng tre, khóm mai đan dày, xanh ngắt phía sau làng, nơi bờ sông, giờ đã bị bê tông hóa. Những căn nhà gỗ xưa lợp ngói âm dương sẫm màu thời gian giờ chỉ còn trơ trọi vài ba căn. Dẫu biết con người ta cũng cần ngày một hiện đại, ngày một sung túc và “lên đời”, phải nhà cao cửa rộng, không lẽ cứ nhà gỗ, mái ngói âm dương mãi sao..., vẫn là biết vậy, nhưng sao vẫn cảm thấy luyến tiếc. Sau bữa tối, tôi dạo bước ra ngõ và vòng qua cánh đồng để hưởng chút ánh trăng. Đường làng giờ không còn tăm tối mà đã thắp điện sáng rõ. Giờ mọi thứ đã khác, chỉ có mùi hương của hoa lá vẫn thế, mùi thơm của ký ức, của quê hương.

Xuân Thương

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/que-huong-o-do-3170868.html