Quê nhà trong tâm thức nhà báo Nguyễn Linh Giang
Cuộc đời làm nghề của nhà báo Nguyễn Linh Giang, quê Quảng Trị, hiện sống ở TP.Hồ Chí Minh đã để lại nhiều tác phẩm đáng nhớ, có phóng sự từng gây chấn động dư luận cả nước một thời. Nhưng dù đi đâu, viết gì anh vẫn dành cho quê nhà một góc phập phồng trong ngực trái của mình.
Trong phóng sự "Theo dấu chân người đi tìm vàng" được chọn làm nhan đề cho tập phóng sự xuất bản cách đây ít năm, là những trải nghiệm khi tỉnh nhà vừa mới lập lại với nhiều gian khổ. Bài viết khá chi tiết và sinh động, nhiều đoạn ấn tượng khi "cơn sốt vàng" của những người mơ cuộc đổi đời trước trò chơi oái ăm của số phận ở vùng núi Quảng Trị, nay chỉ còn trong ký ức.
Bãi vàng Đakrông đặc tả mưa qua cảm nhận của người viết với nhiều cung bậc: "Mưa và mưa. Mưa gặm mòn ý nghĩ, mưa dột khắp lán dột sơ sài. Đâu đâu cũng ướt, sờ đâu cũng thấy nước. Mưa lăn tròn qua tấm kẽ ni lông làm ướt áo, thấm vào người làm ê ẩm cả một kiếp người. Từng giọt mưa rơi nghe lòng tê tái, thấm thía sự trầm luân, khổ ải của dân làm vàng. Gió lạnh rít liên hồi, thốc vào lán. Giàng ơi...". Nếu không có con mắt của cây bút phóng sự và ngôn từ, cảm xúc của một cử nhân văn khoa thực thụ thì khó lòng có những trang viết thấm đẫm thực trạng và nhân tình như vậy.
Hay trong phóng sự "Làng ung thư" nói về làng quê chôn nhau cắt rốn An Bình mà chưa được bình an, gần Ngã Tư Sòng thuộc huyện Cam Lộ phải chống chọi với căn bệnh nan y mà căn nguyên chưa thực sự tường minh, nguyên nhân mà nhiều người cho rằng có cơ sở nhất là do nguồn nước. Vì thế, cuối bài viết, tác giả ước ao: "...Và biết đâu, nhờ nguồn nước sạch trong sinh hoạt mà căn bệnh ung thư quái ác, căn bệnh ám ảnh bấy lâu nay sẽ không còn hoành hành ở làng quê vốn đã chịu nhiều mất mát, đau thương này".
Nhưng quê nhà không chỉ là những dấu ấn gian nan mà còn có cả nhiều niềm thương nỗi nhớ, nhiều hình nhiều vẻ trong cuộc hành trình lên rừng xuống biển, như khi Nguyễn Linh Giang tâm tình về "Về lại chiến trường xưa Khe Sanh", "Cồn Cỏ, đảo tiền tiêu" hay "Người Vân Kiều trên đỉnh Trường Sơn", "Tháng Bảy, về miền đất thiêng"... Đề tài dù lớn nhỏ, tác giả vẫn cố gắng tìm cách tiếp cận mới, góc nhìn mới và cách nói mới, không nhiều thì ít chứ không chịu đi theo lối mòn có sẵn một cách dễ dãi. Đó là điều mà lý luận thường nói đến tính phát hiện của báo chí nói chung và đặc biệt với thể loại phóng sự nói riêng.
Như khi thăm lại chiến trường xưa Khe Sanh, một nơi đã tốn nhiều bút mực, nhiều chuyện tưởng như mòn cũ thì người viết lại tìm một lối riêng tinh tế khai thác từ câu chuyện tình yêu mãnh liệt và bền chặt của những người phụ nữ ở những nơi xa xôi nguyện gắn bó với miền quê này. Từ chỗ yêu người, họ đã yêu đất Khe Sanh. Kết thúc bài viết có vẻ như một dự phóng lãng mạn song thật ra đều bắt đầu từ đường băng hiện thực.
Đây là bài viết đã gần 30 năm: "Khe Sanh đang mở rộng vòng tay chào đón những con người đến đây xây dựng quê mới. Hàng chục làng kinh tế mới của dân các huyện trong tỉnh, như Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh đã được hình thành dọc các trục lộ ngoại vi thị trấn; dân đã an cư lạc nghiệp. Với khí hậu ôn hòa, giao thông thuận lợi, sức hấp dẫn của chiến trường xưa đang thu hút ngày càng đông các đoàn khách đến du lịch, tham quan Khe Sanh. Nằm ở trung đoạn Đường 9 từ Lào qua Việt Nam, không bao lâu nữa tuyến du lịch đường bộ thông thương với Thái Lan sẽ tạo cho du khách nhiều cơ hội dừng chân ở đây. Và lúc đó, bạn hỡi, như lời của chị Ninh: đất Khe Sanh mến người lắm! Tôi tin rằng sẽ còn nhiều người như chị Tươi, chị Ninh một lần đến với Khe Sanh và không cưỡng lại được lòng mình, đã sống trọn với mảnh đất này".
Cũng như viết về Thành Cổ Quảng Trị trong bài "Tháng Bảy, về miền đất thiêng", nhà báo Nguyễn Linh Giang cũng có cách nhìn khác về "thủ phủ của nghĩa trang" mà rất nhiều người đã nói đến, ấy là anh gọi tên, còn có một nghĩa trang khác, đó là: " Nghĩa - trang - trong - lòng - dân". Cũng bắt đầu từ những con số cộng với khả năng quan sát của một cây bút phóng sự, anh đã có một thông điệp nhưng lại mang tính thống kê cảm xúc với chi tiết bất ngờ: "...người dân Thành Cổ mỗi lần đào móng làm nhà, chuẩn bị xây dựng một công trình lại chuẩn bị tiểu sành, hương hoa bởi họ biết mỗi lần đào đất lên, thế nào cũng gặp hài cốt liệt sĩ. Một Thành Cổ nhỏ bé, rộng bốn ki lô mét vuông, sau giải phóng chỉ có ba nghìn một trăm ba mươi hai gia đình mà có đến năm trăm gia đình thương binh liệt sĩ. Trung bình cứ hai người dân chăm sóc một ngôi mộ liệt sĩ".
Phóng sự Nguyễn Linh Giang thường nóng hổi hiện thực, giàu chi tiết sinh động và ngòi bút sắc sảo được gây men từ cảm xúc tinh tế, thấm thía một tình yêu cuộc sống, nặng nợ với cuộc đời này. Tác giả là người đề cao sự thật, tôn thờ sự thật, tất nhiên đó là sự thật đã được tinh lọc qua tri nhận và xúc cảm, qua những nghiền ngẫm, từng trải của người cầm bút, một sự thật cần được phụng sự đến cùng. Anh luôn tâm nguyện dấn thân vì nghề nghiệp đến cùng: "Mình có thể chết cho sự thật lên tiếng!". Đọc anh, chợt nhớ đến hình ảnh ngày xưa của người phương Tây khi tuyên thệ trước tòa bên cuốn Kinh Thánh của giáo dân mộ đạo: "Tôi chỉ nói sự thật, hoàn toàn sự thật và không có gì ngoài sự thật".
Và với quê nhà thì cây bút phóng sự Nguyễn Linh Giang càng không ngừng nhúng vào sự thật trước lúc viết ra bằng cả tấm lòng...Vì thế nhiều phóng sự của anh (cũng như nhiều bài viết thể loại báo chí khác nữa) dù có thể chưa hẳn đã là vàng nhưng vẫn hiện hữu lấp lánh gọi mời người đọc.