Quen rồi vị biển

Từng bước chân bền bỉ ra khơi, vào bờ theo con sóng bạc đầu, những đôi bàn tay chai sần lái thuyền, chở theo ước mơ làm giàu trên vùng biển quê hương; ngư dân ở làng chài Bình An, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) vẫn đều đặn đi biển mỗi ngày.

Phụ nữ cùng chồng đi đánh bắt hải sản gần bờ.

Băng qua những luồng lạch, theo sát đàn cá, từng con thuyền nhỏ chở đầy ắp hải sản lần lượt cập bờ. Nhìn giọt mồ hôi mặn chát xen giữa nụ cười trên gương mặt rám nắng của ngư dân đủ để hiểu, họ yêu biển đến nhường nào.

Mặt nám, da chì có hề chi

Ngư dân ở làng chài này thường nói vui rằng, mỗi gia đình sở hữu ít nhất hai ngôi nhà. Thoạt đầu, ai mới nghe lời tự giới thiệu đó sẽ cho rằng, ngư dân làng chài Bình An nói quá. Thế nhưng, khi quan sát công việc hằng ngày của họ mới hiểu được vì sao họ lại nói như vậy.

Nhà cửa của ngư dân ở trong làng được xây rất kiên cố. Dọc hai bên đường bê-tông liên thôn, có những ngôi nhà hai tầng với hàng rào, cổng ngõ xây cao kín kẽ. Vì ngư dân rất ít khi ở nhà cho nên nếu muốn gặp mặt, trò chuyện với họ thì phải tìm đến bãi thuyền, nơi tập trung tôm cá. Ngôi nhà thứ hai của ngư dân làng chài Bình An thường xuyên sử dụng chính là chiếc thuyền của họ. Hơi mặn của biển đã thấm đẫm bao giọt mồ hôi của ngư dân, những cuộc đời gắn bó mật thiết với biển xanh. Biển là cuộc sống, biển trao nguồn lợi kinh tế cho ngư dân là vậy.

Mũi thuyền vừa cập bờ, ông Nguyễn Văn Lô (49 tuổi) cười rạng rỡ. Với dáng đi nhanh nhẹn, mái tóc điểm vài sợi bạc thể hiện rõ chất ngư dân ăn sóng nói gió. Chiếc thuyền của ông Lô dài hơn 10m, rộng khoảng 2m, là loại thuyền 24 CV.

Mỗi chuyến ra khơi, ông Lô chủ yếu đánh bắt cá, tôm, mực ở vùng biển Vinh Hiền hoặc Lăng Cô. Hai vùng biển này cách làng Bình An khoảng 10 km, vừa phù hợp sức máy, cũng dễ gặp đàn cá. Trung bình mỗi chuyến đi đánh bắt gần bờ từ 17 giờ chiều hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, thuyền của ông Lô thu được vài chục kg cá cơm than, cá trích ve.

Ngoài khơi, ánh mặt trời dần lên cao. Mặt trời ửng đỏ như hối thúc ngư dân thu xếp rổ, thùng đựng cá để kịp cân cho thương lái đến mua. Chiếc xe thùng đông lạnh rồ ga ra sát mép sóng biển. Thương lái thu mua cá tôm rồi vận chuyển vào thành phố Đà Nẵng hoặc ngược ra thành phố Huế (Thừa Thiên Huế). Vài câu trao đổi, chốt giá giữa ngư dân với thương lái diễn ra chóng vánh. Buổi họp chợ cá trên bãi biển Bình An chỉ diễn trong khoảng một tiếng đồng hồ.

Ông Lô bảo rằng, để làm giàu từ nghề đánh bắt gần bờ thì không dễ, nhưng để có thu nhập khấm khá, đủ sinh sống trong gia đình thì là chuyện thực tế. Hiện nay, ở làng chài Bình An có khoảng 70% người dân đang làm nghề đánh bắt gần bờ. Vài năm trở lại đây, con số đó có xu hướng tăng dần.

Sáng sớm, đội thuyền đánh cá, câu mực nối đuôi, xếp hàng cập bờ tạo nên không khí nhộn nhịp, rộn một góc làng. Ngư dân làm nghề ở xứ này cùng chung tay giữ vệ sinh chung tại bãi biển. Rác thải, bao bì sau chuyến biển đêm được tập kết, chờ xe chuyên dụng đến thu gom. Nhờ đó, người từ nơi xa ghé đến hỏi mua rổ cá, vài cân mực cảm thấy dễ chịu hơn.

“Mùa này, tôi thường lái thuyền men theo dọc bờ biển. Bộ ngư cụ của tôi chỉ phù hợp đánh bắt ở vùng biển sâu khoảng 10m. Nhìn chung, hai năm gần đây, cá, tôm rồi mực cỡ lớn xuất hiện nhiều, cho nên ngư dân bội thu hơn. Vào mùa mực, chuyến nào may mắn gặp một luồng, thì đêm đó chắc chắn thu về vài ba tạ. Ngày xưa, gia đình tôi sống trong làng cũ; thời ông bà tôi đã bám biển Lộc Vĩnh ăn cá rồi. Sau này, cả nhà tôi chuyển ra gần biển hơn. Từ đó mà cái nghiệp làm biển gắn với bản thân tôi”, ông Lô chia sẻ.

Cuộc sống về đêm của ngư dân đánh bắt gần bờ như ông Lô cũng đầy cảm xúc đan xen. Giữa trời đêm, sau mấy phút thả lưới, cách quên thời gian của chủ thuyền chính là... ngóng về bờ. Ánh điện thấp thoáng ẩn sau màn sương đêm, rồi âm thanh karaoke của nhóm thanh niên trong bờ hát vọng ra biển khi to, khi nhỏ. Tất cả những điều đó khiến tâm trạng ngư dân đang thức chờ cá vui buồn bất chợt. “Nếu trời trong veo, có gió mát thì còn khỏe; chứ vào những đêm mưa bất chợt trút xuống, chúng tôi chỉ muốn về bờ ngay thôi; nhưng rồi nghĩ lại, phải chờ đàn cá dính vào lưới rồi mới về thì mới đủ tiền dầu nhớt”, ông Lô nói.

Ở ngư trường, ai cũng như ai...

Mùi hương nồng mang theo hơi muối đã tạo ra hình ảnh những ngư dân kiên cường, chịu khó. Làm ăn dựa vào biển, hơn ai hết, từng ngư dân làng chài Bình An đều hiểu yếu tố may mắn sẽ giúp họ vượt qua những lúc khó khăn. Dù tấm lưới dính nhiều hay ít cá thì sau khi kéo lưới lên thuyền, nụ cười luôn xuất hiện trên gương mặt mỗi ngư dân. Thời gian trôi đi, những kinh nghiệm làm nghề được đúc rút. Nghề đánh bắt gần bờ ở vùng biển Lộc Vĩnh phụ thuộc rất nhiều vào chế độ thủy triều, nước đứng, nước chảy...

Những năm gần đây, thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Dẫu vậy, người dân ở làng chài Bình An đều một lòng hướng về biển. Những tháng mùa hè thời tiết ổn định, họ tập trung làm nghề lưới. Khi sản lượng cá giảm dần, dân làng này sẽ linh hoạt thay đổi công việc sang lặn bắt tôm hùm. Đó là cách giúp ngư dân tự khắc phục những khó khăn, từ đó duy trì đời sống kinh tế được ổn định.

Một điều thú vị khác ở làng chài Bình An là đa số phụ nữ sẽ trực tiếp ra khơi, đối diện với sóng gió, ăn trên thuyền, ngủ bên lưới. Đặc thù công việc đánh bắt gần bờ là tối đi sáng về. Khoảng thời gian làm việc ngắn như vậy phù hợp với sức lao động của chị em phụ nữ. Khi có sự xuất hiện của chị em trên thuyền, từng mẻ kéo lưới, gỡ cá tôm được thực hiện gọn gàng, nhanh chóng. Hay chỉ đơn giản là dăm ba câu nói qua nói lại, pha trò trên biển của chị em phụ nữ sẽ giúp xua đi cái mệt nhọc giữa đêm khuya.

Năm nay, bà Lê Thị Hồng vừa bước sang tuổi 48 nhưng đã có 38 năm đi biển. Tròn 10 tuổi, cô bé làng chài thuở đó đã lên thuyền ra khơi. Ở làng biển, trẻ con trong nhà theo cha mẹ ra khơi từ nhỏ. Tình yêu với biển cả được nhen nhóm từ sớm là điều kiện cần để một ngư dân sẵn sàng sống với nghề trong cả cuộc đời của mình.

“Nhớ hồi tôi mới bước lên thuyền, cũng chóng mặt, say sóng lắm. Đi vài ngày sẽ quen với cái nghiêng ngả của sóng biển. Khi đã ra khơi đánh cá thì đàn ông hay phụ nữ đều như nhau, ở ngư trường, ai cũng như ai. Công việc này cần nhất là sức bền và chịu khó. Hai bàn tay tôi phồng đỏ sau mấy tiếng kéo lưới. Mới đầu đau nhức lắm mà chừ nó chai hết rồi”, bà Hồng xòe bàn tay chia sẻ.

Tính cách xởi lởi là điều dễ thấy nhất của phụ nữ làng biển Bình An. Họ cho rằng, nếu phải ở nhà suốt vài ngày thì đầu óc, tâm lý trở nên bức bối, khó chịu, chỉ muốn đi biển. Dù nắng hay mưa thì khi vác lưới ra khơi, niềm vui sẽ ùa về. Có những đợt bão lớn kèm theo mưa kéo dài đổ bộ vào Huế, vùng biển Lộc Vĩnh hung tợn khác thường. Không được phép ra biển, bà Hồng thấp thỏm ra vào bến thuyền. Một phần là bà phải đi kiểm tra tài sản thuyền ghe của gia đình, điều quan trọng nhất là trông bão sớm tan để thỏa sức ra khơi.

Khi thả lưới lại nhớ về nhà, đến khi ở nhà thì trông đợi đi biển. Phụ nữ làng biển Bình An chính là những đóa hoa vươn khơi bám biển. Những người phụ nữ ở làng Bình An can trường trước sóng gió biển khơi, nhờ có biển mà đời sống kinh tế gia đình được bảo đảm.

Trong ba người con trai của bà Hồng thì có hai người con lớn đang học đại học, cao đẳng. Người con trai út vừa bước qua tuổi 15. Dù nhỏ nhất nhà nhưng cậu con trai út của bà Hồng rất thích làm nghề biển. Như thấy chính bản thân mình ngày thơ bé, bà Hồng cho con trai út lên thuyền, tập làm mọi công việc để rèn khả năng chịu đựng trước thiên nhiên.

“Nghề biển đã nuôi sống dân làng tôi nhiều đời qua. Ngồi cầm lái điều khiển chiếc thuyền chạy đến vùng có cá, chúng tôi chỉ mong biển bình yên để mọi việc luôn được an toàn”, bà Hồng bày tỏ.

BÀI, ẢNH: NGUYỄN VĂN HAI - TRƯỜNG AN/ BÁO NHÂN DÂN

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/bien-dao-que-huong/quen-roi-vi-bien-75141.html