Quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nhất khi Houthi tấn công Biển Đỏ
Một cuộc khảo sát Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn cầu của S&P Global công bố trong tuần này cho thấy, nền kinh tế Anh bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong số các nước châu Âu do sự gián đoạn vận chuyển ở Biển Đỏ.
Theo RT, khảo sát của S&P Global cho biết, 12% các nhà sản xuất ở Anh báo cáo rằng thời gian giao hàng đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào các tàu đi qua Biển Đỏ, buộc các công ty vận tải phải định tuyến lại các tàu qua mũi phía nam châu Phi. Các công ty châu Âu chịu ảnh hưởng ít hơn bao gồm ở Hy Lạp (9%), Pháp và Đức (đều 8%).
“Dựa trên các lý do được các công ty thành viên ban hội đồng PMI đưa ra cho thấy, cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đã có tác động đặc biệt nghiêm trọng đến các công ty châu Âu trong tháng 1. Trong số các quốc gia châu Âu được theo dõi, các doanh nghiệp ở Anh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng Biển Đỏ”, các nhà phân tích của S&P nhận định.
Các doanh nghiệp Anh tham gia khảo sát cho biết thời gian giao hàng đã bị chậm lại khoảng 12 - 18 ngày, “làm gián đoạn lịch trình sản xuất và làm tăng áp lực lạm phát”.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy, việc định tuyến lại các chuyến tàu để tránh Biển Đỏ cũng dẫn đến giá vận chuyển cao hơn, khiến chi phí đầu vào trong tháng 1/2024 của các nhà sản xuất Anh tăng lần đầu tiên kể từ tháng 4 năm ngoái. Trong đó, giá cả của ngành hóa chất, điện tử, năng lượng, thực phẩm, kim loại, bao bì và gỗ được ghi nhận tăng.
Chi phí đầu ra tại Anh cũng tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2023, do các nhà sản xuất buộc phải chuyển chi phí gia tăng sang cho khách hàng. Tuy nhiên, số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm do nhu cầu yếu hơn cả trong và ngoài nước Anh.
Chỉ số PMI của ngành sản xuất Anh đã tăng lên 47 điểm trong tháng 1/2024, nhưng không đạt được kỳ vọng trước đó và vẫn duy trì dưới ngưỡng 50 điểm. Điều này báo hiệu rằng tình trạng hoạt động của ngành sản xuất tiếp tục suy giảm.
Lực lượng Houthi là phe đối lập với lực lượng chính phủ ở Yemen. Nhóm quân sự này đã nắm quyền kiểm soát thủ đô Sanaa của Yemen từ năm 2014.
Khi cuộc xung đột Israel – Hamas nổ ra, Houthi đã thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV tại Biển Đỏ, cảnh báo sẽ nhắm mục tiêu vào tất cả các tàu hướng tới Israel và các công ty vận tải biển giao dịch với các cảng ở Israel. Nhóm này tuyên bố các cuộc tấn công này là động thái đáp trả chiến dịch quân sự của Israel tại Dải Gaza.
Ngày 19/11/2023, Houthi đã công bố video dùng trực thăng đổ bộ một con tàu chở hàng Galaxy Leader mà nhóm này cho là có liên hệ với Israel, tiến hành bắt giữ 25 con tin là thủy thủ đoàn. "Tất cả các tàu của Israel hoặc tàu có giao dịch với Israel sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp", lực lượng này tuyên bố.
Đầu tháng 12, Houthi tăng cường các cuộc tấn công tàu chở dầu, chở hàng và các tàu khác ở Biển Đỏ. Động thái này đã làm gián đoạn tuyến hàng hải quan trọng nối châu Âu, Bắc Mỹ với châu Á thông qua kênh đào Suez và khiến chi phí vận chuyển hàng hóa tăng mạnh, vì các công ty vận tải phải tìm các tuyến đường thay thế bằng cách vòng qua châu Phi.
Trong khi đó, tuyến đường Biển Đỏ chiếm khoảng 15% thương mại đường biển toàn cầu và là tuyến đường thủy quan trọng trong giao thương giữa châu Á và châu Âu. Lưu lượng hàng hóa trong khu vực đã giảm đáng kể trong 3 tháng qua do các cuộc tấn công của Houthi.
Theo báo cáo của Financial Times, trong tuần cuối tháng 1/2024 (tính đến ngày 28/1), khối lượng giao dịch ở eo biển Bab al-Mandab (nối Biển Đỏ và Vịnh Aden) đã giảm 65% so với cuối tháng 10 năm ngoái. S&P dự báo, hoạt động vận tải biển ở Biển Đỏ có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn ít nhất là trong quý 2/2024.