Quốc gia Nam Á vượt mặt nhiều cường quốc thế giới dù tăng trưởng giảm tốc

Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ chậm lại trong quý 2 khi đạt gần 7% nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng 4,7% của Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Báo cáo được công bố hôm 30/8 cho thấy tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ chậm lại còn 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 2, nhưng vẫn là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Mặc dù tăng trường GDP giảm tốc trong quý 2 nhưng Ấn Độ vẫn là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Ảnh:Indiatvnews

Mặc dù tăng trường GDP giảm tốc trong quý 2 nhưng Ấn Độ vẫn là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Ảnh:Indiatvnews

Số liệu này thấp hơn mức dự báo 6,9% của giới chuyên gia và mức tăng trưởng 7,8% trong quý 1. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 2 của Ấn Độ vẫn nhanh hơn mức tăng trưởng 4,7% của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và lớn nhất châu Á.

Giới chuyên gia nhận định, đà giảm tốc của nền kinh tế Nam Á dự kiến chỉ là tạm thời vì lạm phát được dự báo giảm và chi tiêu của chính phủ tăng sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng tới.

Ông V. Anantha Nageswaran - Cố vấn kinh tế trưởng của Ấn Độ, cho biết triển vọng tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ khá sáng sủa nhờ nhu cầu đầu tư mạnh mẽ và tâm lý kinh doanh lạc quan.

“Về trung hạn, nền kinh tế Ấn Độ có thể tăng trưởng với tốc độ 7% trở lên trên cơ sở bền vững nếu chúng ta có thể xây dựng dựa trên các cải cách cơ cấu đã thực hiện trong thập kỷ qua"- đài CNBC trích dẫn phát biểu của chuyên gia Nageswaran tại cuộc họp báo hôm 30/8.

Thủ tướng Narendra Modi đã thực hiện một số biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế kể từ cuộc bầu cử quốc gia gần đây.

Tổng giá trị gia tăng, được các nhà kinh tế coi là thước đo tăng trưởng ổn định hơn, trong quý 2 tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái và cộng 6,3% so với quý trước đó.

Chuyên gia kinh tế Upasna Bhardwaj tại Ngân hàng Kotak Mahindra có trụ sở tại Mumbai, nói rằng số liệu GDP thấp hơn kỳ vọng, nhưng tổng giá trị gia tăng ổn định và tăng trưởng phi nông nghiệp vẫn được duy trì.

Vị chuyên gia này lưu ý thêm: "Chúng tôi duy trì kỳ vọng tăng trưởng GDP là 6,9% trong năm 2024/2025, chủ yếu nhờ nhu cầu ở nông thôn và chi tiêu của chính phủ trong khi theo dõi chặt chẽ khả năng suy giảm nhu cầu ở thành thị, chi tiêu vốn tư nhân và tốc độ suy thoái toàn cầu”.

Cũng theo báo cáo mới nhất, chi tiêu tiêu dùng, chiếm khoảng 60% GDP, tăng 7,4% trong quý 2, cao hơn nhiều so với mức 4% trong quý 1 và đạt mức cao nhất trong gần 2 năm.

Bên cạnh đó, đầu tư vốn cũng tăng 7,4% so với mức 6,5% trong quý trước đó. Lĩnh vực sản xuất, chiếm khoảng 17% GDP của Ấn Độ, trong quý 2 đạt mức tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù tăng trưởng mạnh so với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, Ấn Độ vẫn phải đối mặt với những thách thức trong việc tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế toàn diện hơn. Những vấn đề này đã ảnh hưởng đến tiền lương thực tế, mức tiêu dùng hộ gia đình trong nhóm thu nhập thấp và đầu tư tư nhân.

Theo chuyên gia kinh tế Suman Chowdhury tại Acuite Ratings, chi tiêu vốn của chính phủ sẽ tiếp tục là trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ như năm 2023.

Chính phủ Ấn Độ đã tăng cường chi tiêu với ngân sách hàng năm trị giá 576 tỷ USD, bao gồm hàng tỷ USD cho nhà ở giá rẻ và việc làm ở nông thôn để kích thích hoạt động kinh tế.

Các nhà kinh tế dự đoán rằng việc giá cả bán lẻ tăng lên có thể khiến Ngân hàng trung ương Ấn Độ cắt giảm lãi suất chính sách vào cuối năm nay, có khả năng thúc đẩy mức tiêu dùng của hộ gia đình và hỗ trợ đầu tư tư nhân.

Nguyễn Thu

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quoc-gia-nam-a-vuot-mat-nhieu-cuong-quoc-the-gioi-du-tang-truong-giam-toc.html