Quốc gia Nam Mỹ 'chuyển mình' trước sự giàu có của dầu mỏ

Guyana – một quốc gia Nam Mỹ với khoảng 791.000 dân số đã sẵn sàng trở thành nhà sản xuất dầu ngoài khơi lớn thứ 4 thế giới, vượt qua Qatar, Mỹ, Mexico và Na Uy. Sự bùng nổ dầu mỏ có thể tạo ra hàng tỷ đô la cho quốc gia này.

Theo hãng AP, quá trình thay đổi đã có thể nhìn thấy rõ rệt gần đây ở Guyana, nơi có nền văn hóa Caribe phong phú và từng được mệnh danh là "Venice của Tây Ấn". Guyana sở hữu những con kênh chằng chịt và rải rác nhiều ngôi làng.

Ở thủ đô Georgetown, các tòa nhà làm bằng kính, thép và bê tông mọc lên trên các công trình kiến trúc bằng gỗ, cùng với các cửa sổ có khung cửa chớp đang dần mục nát. Nông dân đang trồng bông cải xanh và các loại cây trồng mới khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Với 1,6 tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ cho đến nay, Chính phủ nước này đã triển khai các dự án cơ sở hạ tầng bao gồm xây dựng 12 bệnh viện, 7 khách sạn, nhiều trường học, 2 đường cao tốc chính, cảng nước sâu đầu tiên cũng như dự án chuyển đổi năng lượng từ khí đốt trị giá 1,9 tỷ USD.

Phó Tổng thống Guyana Bharrat Jagdeo cho biết sẽ tăng gấp đôi sản lượng năng lượng của Guyana và cắt giảm 1/2 hóa đơn tiền điện cao. Trong khi các dự án đã tạo ra nhiều việc làm thì rất hiếm người Guyan làm việc trực tiếp trong ngành dầu mỏ bởi công việc đào sâu dưới đáy đại dương đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng quốc gia này không cung cấp dịch vụ đào tạo như vậy.

Các chuyên gia lo ngại Guyana thiếu kiến thức chuyên môn cũng như khung pháp lý và quy định để xử lý trước những tác động lớn của sự giàu có bởi nguồn dầu mỏ. Theo một báo cáo của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), tình hình bất ổn chính trị của Guyana làm dấy lên lo ngại rằng quốc gia này chưa chuẩn bị sẵn sàng cho sự giàu có mới bởi không có kế hoạch quản lý doanh thu mới và phân bổ lợi ích tài chính một cách công bằng.

Tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Mỹ ExxonMobil đã phát hiện ra các mỏ dầu lớn đầu tiên vào tháng 5/2015, cách Guyana hơn 190 km. Hơn 40% dân số sống với mức dưới 5,5 USD/ ngày khi sản xuất bắt đầu vào tháng 12/2019, với khoảng 380.000 thùng/ngày và dự kiến sẽ tăng lên 1,2 triệu vào năm 2027.

Theo USAID, sản lượng dầu hơn chục khối ngoài khơi bờ biển Guyana được định giá là 41 tỷ USD kết hợp với các mỏ dầu bổ sung vừa tìm thấy gần đó sẽ tạo ra khoảng 10 tỷ đô la hàng năm cho chính phủ nước này. Rystad Energy, một công ty tư vấn năng lượng độc lập có trụ sở tại Na Uy cho biết con số đó dự kiến sẽ tăng lên 157 tỷ USD vào năm 2040.

Guyana, một trong những quốc gia có tỷ lệ di cư cao nhất thế giới với hơn 55% dân số sống ở nước ngoài, hiện trở thành một trong những quốc gia có sản lượng dầu bình quân đầu người lớn nhất thế giới. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, nước này cũng được kỳ vọng sẽ có một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong tương lai.

Người dân Guyan muốn trở lại đất nước

Quá trình chuyển đổi đã thu hút người dân Guyan quay trở lại đất nước sau thời gian di cư trong quá khứ. Chẳng hạn như Andrew Rampersaud, một thợ kim hoàn 50 tuổi đã rời Trinidad vào tháng 7 năm ngoái cùng vợ và 4 cô con gái, hiện đang muốn trở lại quốc gia khi nhìn thấy những thay đổi mà ông đang nhìn thấy ở đất nước mình.

Shaquiel Pereira, công nhân xây dựng một trong những đường cao tốc mới và hiện kiếm được gấp đôi số tiền anh đã làm cách đây 3 tháng trước khi còn là một thợ điện. Chàng trai 25 tuổi đã mua một mảnh đất ở phía tây Guyana vào tháng trước và hiện đang tiết kiệm để xây ngôi nhà đầu tiên và mua một chiếc ô tô mới.

"Tôi cảm thấy đầy hy vọng," anh ấy nói khi nhìn lướt qua đường cao tốc mới từ ô tô của mình.

Ông chủ của Shaquiel Pereira là Kỹ sư Arif Hafeez nói rằng tiền từ dầu mỏ đang trực tiếp rơi vào túi của họ bằng cách tăng lương, các dự án xây dựng đang tạo ra việc làm và những con đường mới sẽ thúc đẩy nền kinh tế.

Tại một hội chợ việc làm ở Đại học Guyana, không khí phấn khích và tò mò lan tỏa khi các sinh viên gặp gỡ các công ty dầu mỏ, các công ty hỗ trợ và dịch vụ cũng như các nhóm nông nghiệp. Richie Bachan, 47 tuổi, là một cựu công nhân xây dựng đã có nền tảng kiến thức qua một số khóa đào tạo bổ sung để bắt đầu làm công việc lắp ráp và sửa chữa thiết bị trong ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi cách đây 2 năm trước và hiện là một công nhân xây dựng. Lương của anh ấy tăng gấp 3, và gia đình của anh được hưởng lợi từ ngành dầu mỏ phát triển.

"Chúng tôi ăn uống tốt hơn. Chúng tôi có thể mặc đẹp hơn. Chúng tôi có thể theo kịp các hóa đơn của mình", Richie Bachan nói.

"Chưa sẵn sàng"

Tuy nhiên, ngoài các dự án cơ sở hạ tầng và việc làm mới, các chuyên gia cảnh báo rằng những tác động mạnh từ sự chuyển đổi có thể áp đảo Guyana.

"Guyana có thể chưa hề chuẩn bị và chưa sẵn sàng cho việc bất ngờ phát hiện ra dầu mỏ", Lucas Perelló, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Skidmore của New York, cho biết.

Chính phủ Guyana đã ký thỏa thuận vào năm 2016 với tập đoàn ExxonMobil, bao gồm Hess Corporation và CNOOC của Trung Quốc, nhưng không công khai hợp đồng cho đến năm 2017. Theo Rystad Energy, hợp đồng quy định rằng Guyana sẽ nhận được 50% lợi nhuận, so với các thỏa thuận khác trong đó Brazil nhận được 61% và Mỹ là 40%.

Báo cáo từ Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng có trụ sở tại Ohio nhận định hợp đồng được ký kết từ trước, một chiều và có nhiều vấn đề về thuế, ngừng hoạt động và các kẽ hở khác có lợi cho các công ty dầu mỏ hơn.

Bên cạnh đó, một số nhà quan sát lo ngại về việc chính phủ hiện tại tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng thay vì phát triển con người, đồng thời nói thêm rằng ông lo lắng về sự giàu có từ dầu mỏ sẽ làm gia tăng chia rẽ sắc tộc ở Guyana và tạo ra các vấn đề khác, dẫn đến việc người giàu ngày càng giàu hơn và người nghèo ngày càng nghèo hơn. Cụ thể, nhiều người dân vẫn đang kiếm sống qua ngày, chẳng hạn như Samuel Arthur, người chỉ kiếm được 100 đô la một tháng nhờ bán những chiếc túi nhựa lớn./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/quoc-gia-nam-my-chuyen-minh-truoc-su-giau-co-cua-dau-mo-20230505161643763.htm