Quốc hiệu Việt Nam qua lịch sử dựng nước
Lần đầu tiên có một trưng bày với đầy đủ quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ, từ thời Lý Công Uẩn dời kinh đô từ Hoa Lư đến Thăng Long, cho đến khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối năm 1975. Đó là trưng bày 'Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ' do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa và Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ tổ chức.
Hơn 100 hiện vật, tư liệu, từ hiện vật khảo cổ, cho đến các bảo vật quốc gia, mộc bản quý… được lưu giữ tại nhiều nơi đã được tập trung về trong Trưng bày này, cho người xem có được cái nhìn khá chân thực và đầy đủ về quốc hiệu của nước ta qua các thời kỳ.
Trải qua hàng nghìn năm, đất nước Việt Nam đã mang nhiều quốc hiệu ứng với các giai đoạn lịch sử khác nhau. Việc đặt quốc hiệu của các triều đại phong kiến thể hiện sự tự tôn dân tộc như Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Ngu (đất nước yên vui), Đại Nam, Việt Nam. Và qua từng thời kỳ, việc lựa chọn đất định đô cũng đặc biệt được coi trọng, với vai trò là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của đất nước.
Kể từ Quốc hiệu đầu tiên thời Hùng Vương là Văn Lang, sau đó đổi thành Âu Lạc dưới thời An Dương Vương, rồi đổi thành Vạn Xuân dưới thời Lý Nam Đế, mỗi một thời kỳ, quốc hiệu lại mang một câu chuyện lịch sử thú vị.
Nhà Đinh, sau khi định đô ở Hoa Lư đã đổi tên nước thành Đại Cồ Việt, quốc hiệu này được giữ tới khi Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, và sau đó đổi thành Đại Việt.
Thời Lý, khi Lý Công Uẩn dời đô đến Thăng Long, là câu chuyện về Hoàng thành Thăng Long với những viên ngói được khai quật từ di tích Hoàng thành Thăng Long, với gạch, phù điêu trang trí hình rồng, ngói ống trang trí hoa sen, đầu tượng người, tượng gốm… và đặc biệt nhất là những tấm mộc bản, trong đó có mộc bản phục chế Chiếu dời đô (ảnh trên), mộc bản phục chế sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại việc vua Lý Thánh Tông lên ngôi và đặt quốc hiệu là Đại Việt năm Giáp Ngọ 1054. Quốc hiệu Đại Việt chính thức có từ thời vua Lý Thánh Tông (1054-1072), tồn tại trong 723 năm (đến tận năm 1804) và được dùng trong suốt thời kỳ nhà Lý, Trần, Hậu Lê, Mạc, Tây Sơn và ba năm đầu nhà Nguyễn. Quốc hiệu Đại Việt chỉ bị gián đoạn trong 27 năm vào thời nhà Hô và thời thuộc Minh (1400-1427). Tên nước được đổi thành Việt Nam vào thời Nguyễn (1804), đổi lại thành Đại Nam (năm 1838) và sau năm 1945, quốc hiệu chính thức trở thành Việt Nam như ngày nay.
Quốc hiệu Đại Ngu (đất nước yên vui) thời nhà Hồ lại là câu chuyện của thành nhà Hồ, được kể qua những viên gạch xây thành khắc minh văn, đạn đá, hay những cấu kiện ngói mũi, gạch lát nền trang trí hoa cúc, gạch hình rồng, hoa dây, đinh sắt…. khai quật tại di tích Ly Cung (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Quốc hiệu Đại Việt được đổi thành Đại Ngu vào tháng 3-2400 khi Hồ Quý Ly lên ngôi và tồn tại đến năm 1407 khi nhà Hồ thất bại trước nhà Minh. Thànnh Tây Đô được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, sau đó ép vua Thuận Tông dời đô từ Thăng Long và Tây Đô, đổi tên Thăng Long thành Đông Đô.
Nhìn lại lịch sử kinh đô, cũng là những câu chuyện thú vị. Từ Phong Châu (Phú Thọ), đến Phong Khê (Cổ Loa), Mê Linh, Hoa Lư, rồi Thăng Long, vào đến Tây Đô, trở ra Thăng Long, vào Huế rồi lại trở ra Hà Nội. Ngay cả kinh thành Thăng Long cũng trải qua những câu chuyện lịch sử thật dài. Nhà Lý gọi là thành Thăng Long, nhà Trần đổi thành Đông Đô, thời thuộc Minh mang tên Đông Quan thành, đến nhà Lê gọi là Đông Kinh, rồi đến năm Gia Long thứ 4 đổi lại thành Thăng Long và bây giờ mang tên Hà Nội.
Điểm đặc biệt nhất của triển lãm là hai bảo vật quốc gia là trống đồng Cảnh Thịnh và ấn ngọc Đại Nam Thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ, cùng với một số báu vật hoàng cung như tượng rồng thời Thiệu Trị, mũ thượng triều của nhà vua thời Nguyễn, ấn Mệnh đức chi bảo của triều Nguyễn…
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, tất cả các hiện vật ở triển lãm đều có ý nghĩa đặc biệt vì đã chứng minh cả một quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta với quốc hiệu và kinh đô qua các thời kỳ lịch sử với nhiều biến động dữ dội. Các hiện vật trưng bày ở đây có nhiều hiện vật là di sản thế giới, bảo vật quốc gia… “Đây là cuộc triển lãm chuyên đề đầu tiên của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong năm nay, đây là một triển lãm rất khó, muốn làm được phải mất hàng chục năm. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để mang đến cho người xem lịch sử đất nước Việt Nam qua câu chuyện kinh đô và quốc hiệu. Tuy nhiên với một diện tích hẹp thì cũng có nhiều điều chưa đạt được như mong muốn” – Giám đốc Bảo tàng chia sẻ.