Quốc hội chính thức thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên
Với đại đa số ĐBQH có mặt tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Sáng 30/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thực hiện quy trình để thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên. Kết quả biểu quyết bằng hình thức bấm nút điện tử cho thấy, có 461/463 ĐBQH có mặt tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 96,24%), Quốc hội chính thức thông qua Luật này.
Trước đó, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Theo bà Lê Thị Nga, có ý kiến đề nghị mở rộng thêm một số tội danh và một số trường hợp không cho phép người chưa thành niên (NCTN) được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (XLCH).
UBTVQH thấy rằng nếu bổ sung thêm các trường hợp không được phép áp dụng XLCH như ý kiến nêu trên thì sẽ làm tăng nặng hơn rất nhiều trách nhiệm hình sự của NCTN so với hiện hành. Như vậy, sẽ không phù hợp với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt đặt ra đối với quá trình soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý dự thảo Luật đó là căn bản không được làm tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với NCTN so với quy định hiện hành. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quan điểm chỉ đạo này, và không bổ sung các trường hợp không được phép XLCH mà gây bất lợi và làm nặng hơn trách nhiệm hình sự của NCTN so với quy định của hiện hành.
Về các vụ án hình sự (Điều 143), để bảo đảm phù hợp và bao quát đầy đủ các trường hợp phát sinh trong thực tiễn giải quyết án, tiếp thu ý kiến ĐBQH và ý kiến của các cơ quan tư pháp trung ương, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định tách vụ án nhằm bảo đảm thực thi đầy đủ các chính sách nhân văn, tiến bộ đối với NCTN, đồng thời, không quy định cụ thể trong Luật về thời điểm tách vụ án tại giai đoạn điều tra như dự thảo trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 8, mà giao cho liên ngành tư pháp trung ương quy định chi tiết việc tách vụ án.
Về thủ tục xét xử thân thiện (Điều 151),có ý kiến đề nghị quy định quyết định áp dụng biện pháp XLCH của Hội đồng xét xử chỉ bị khiếu nại hoặc kiến nghị mà không bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. UBTVQH xin Quốc hội cho giữ quy định kháng cáo, kháng nghị đối với Quyết định áp dụng biện pháp XLCH của Hội đồng xét xử.
Về điều kiện cơ sở vật chất của trại giam (Điều 162), có ý kiến đề nghị chỉ quy định mô hình "phân trại hoặc khu giam giữ riêng trong trại giam cho NCTN là phạm nhân" để bảo đảm tính khả thi. Theo UBTVQH, việc lựa chọn mô hình nào đã được dự thảo Luật giao cho Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ tình hình thực tế để quyết định.
Ngoài những nội dung đã tiếp thu, giải trình trên đây, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để tiếp thu tối đa ý kiến của các vị ĐBQH, của TANDTC, các cơ quan, tổ chức hữu quan, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp.
Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý, trình Quốc hội thông qua có bố cục gồm 5 phần, 10 chương và 179 điều.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.